DN Việt cần mẫu hợp đồng xuất khẩu càphê chung

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Càphê-Cacao Việt Nam (VICOFA) cho biết mặc dù đứng ở vị trí thứ hai thế giới về xuất khẩu càphê nhưng các doanh nghiệp Việt Nam luôn bị nhà nhập khẩu chi phối ở khâu soạn thảo hợp đồng mua bán.

Nắm bắt được tâm lý ngại tranh chấp pháp lý, một số nhà nhập khẩu càphê đã cố tình tạo sự cố trong hợp đồng để gây thiệt hại cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Do đó, đã đến lúc doanh nghiệp Việt Nam cần phải có một hợp đồng xuất khẩu càphê mẫu dùng chung cho tất cả doanh nghiệp.

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Càphê-Cacao Việt Nam (VICOFA) cho biết mặc dù đứng ở vị trí thứ hai thế giới về xuất khẩu càphê nhưng các doanh nghiệp Việt Nam luôn bị nhà nhập khẩu chi phối ở khâu soạn thảo hợp đồng mua bán.

Nắm bắt được tâm lý ngại tranh chấp pháp lý, một số nhà nhập khẩu càphê đã cố tình tạo sự cố trong hợp đồng để gây thiệt hại cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Do đó, đã đến lúc doanh nghiệp Việt Nam cần phải có một hợp đồng xuất khẩu càphê mẫu dùng chung cho tất cả doanh nghiệp.

Hiện tại, Ban chấp hành Hiệp hội đã tiến hành triển khai soạn thảo một số hợp đồng mẫu về xuất khẩu càphê chung cho các doanh nghiệp. Trong các hợp đồng mẫu này sẽ ghi rõ nhiều điều khoản chi tiết về trọng lượng, phương thức đóng gói, chất lượng, thanh toán, trọng tài…

Thống kê từ Bộ Công Thương, niên vụ 2010/2011, cả nước xuất khẩu 1,28 triệu tấn càphê, tăng 7% so niên vụ trước, đạt kim ngạch gần 2,7 tỷ USD. Hầu hết lượng càphê Việt Nam đã xuất sang các thị trường lớn như Mỹ, Đức, Bỉ, Italy, Tây Ban Nha… và một số nước châu Á như Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc… Tuy nhiên, từ trước đến nay trong các hợp đồng ký kết với đối tác nhập khẩu, doanh nghiệp càphê trong nước luôn bị thua thiệt bởi luôn phải chấp thuận nội dung hợp đồng phía đối tác đưa ra.

Nguyên nhân là các doanh nghiệp xuất khẩu chưa có một hợp đồng xuất khẩu thống nhất, mỗi doanh nghiệp lại tự soạn thảo hợp đồng xuất khẩu khác nhau, khiến cho việc đàm phán với đối tác thường gặp bất lợi.

Theo ông Lương Văn Tự, thời gian qua, doanh nghiệp càphê Việt Nam luôn phải ký các hợp đồng xuất khẩu (hợp đồng mua bán quốc tế) chủ yếu theo các mẫu hợp đồng do người mua đưa ra hoặc dựa theo các điều kiện chung của Liên đoàn Càphê châu Âu (EEC). Các hợp đồng này thường nhằm đảm bảo quyền lợi cho người mua. Qua nghiên cứu các hợp đồng doanh nghiệp càphê trong nước ký kết với đối tác các nước, các chuyên gia chỉ ra một số điểm bất lợi cho phía doanh nghiệp xuất khẩu càphê Việt Nam. Đó là về chất lượng, người mua luôn đưa ra điều kiện khi càphê bị hỏng, hoặc có khác biệt cơ bản trong chất lượng, thì có quyền bớt tiền.

Về thời gian cân hàng tại các cảng, có hợp đồng quy định dài hơn quy định của EEC. Về thời hạn khiếu nại, EEC đã quy định rất bất lợi cho phía doanh nghiệp Việt Nam, nhưng có hợp đồng đối tác còn quy định dài hơn. Về phương thức thanh toán, hầu hết các hợp đồng đều theo phương thức thanh toán phổ biến nhất hiện nay trong các hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam (CAD), rất ít và hầu như không hợp đồng nào sử dụng L/C. Về trọng tài, các hợp đồng chỉ sử dụng trọng tài EEC, Singapore, New York.

Tuy nhiên, trong năm 2011 chưa có trường hợp nào được giải quyết bằng trọng tài mà chỉ thông qua trực tiếp giải quyết giữa các bên và bao giờ phần thua thiệt cũng nghiêng về phía doanh nghiệp trong nước…

Cụ thể, trọng lượng càphê phải được xác định tại cảng đi, hóa đơn phải được lập tại thời điểm và địa điểm giao hàng, hoặc tại thời điểm và địa điểm đóng hàng vào container tại nơi nào đó trong nội địa.

Chất lượng càphê phải phù hợp với TCVN 4193: 2001, trường hợp bên mua không đồng ý chất lượng có quyền yêu cầu giám định và chứng thư giám định làm cơ sở khiếu nại phải do một tổ chức khách quan, uy tín đảm trách. Trong thanh toán, người mua phải mở L/C tại ngân hàng do người bán chỉ định, tuy nhiên cũng có thể được thực hiện theo phương thức thanh toán quốc tế (TTR). Trong trường hợp có tranh chấp, các bên có thể kiện tại Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam và luật áp dụng là Luật Thương mại Việt Nam cùng Công ước Vienna về mua bán hàng hóa quốc tế thông qua tại Vienna 1980.

Các bên cũng có thể chọn trọng tài của nước bên bị kiện, quyết định của trọng tài là quyết định cuối cùng…

Ông Tự cho biết thêm nhóm nghiên cứu sẽ tổng hợp ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp nhằm tiếp tục hoàn chỉnh, trình Ban chấp hành VICOFA để có thể quyết định việc ban hành mẫu hợp đồng xuất khẩu này. Việc hình thành hợp đồng mẫu nhằm nâng cao trình độ thương lượng trong ký kết hợp đồng cho doanh nghiệp với mục đích là cân bằng lợi nhuận cho các bên. Song theo các doanh nghiệp, điều đáng lưu ý là liệu các nhà nhập khẩu có đồng ý với những điều khoản trong hợp đồng mà VICOFA đưa ra hay không và để hợp đồng xuất khẩu càphê của Việt Nam được chấp nhận,VICOFA cũng nên đưa vấn đề ra bàn bạc tại Tổ chức Càphê Quốc tế (ICO)./.

Uyên Hương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục