Doanh nghiệp bán lẻ chủ động trên "sân nhà"

Chỉ còn ít ngày nữa, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ chính thức mở cửa cho các doanh nghiệp nước ngoài vào theo cam kết gia nhập WTO. Sự có mặt của họ sẽ làm thị trường bán lẻ Việt Nam đầy tiềm năng trở nên phong phú và chuyên nghiệp hơn. Nhưng, rất có thể điều này đồng nghĩa với ngành phân phối "non trẻ" trong nước sẽ bị các tập đoàn phân phối "hùng mạnh" của nước ngoài thâu tóm.

Chỉ còn ít ngày nữa, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ chính thức mở cửa cho các doanh nghiệp nước ngoài vào theo cam kết gia nhập WTO. Sự có mặt của họ sẽ làm thị trường bán lẻ Việt Nam đầy tiềm năng trở nên  phong phú và chuyên nghiệp hơn. Nhưng, rất có thể  điều này đồng nghĩa với ngành phân phối "non trẻ" trong nước sẽ bị các tập đoàn phân phối "hùng mạnh" của nước ngoài thâu tóm.

Trên thực tế, thị trường bán lẻ của Việt Nam vẫn còn rất nhiều hạn chế. Vì thế, từ ngày 1/1/2009, khi cánh cửa đã mở ra công bằng cho các nhà bán lẻ, không kể trong và ngoài nước, thì các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải "gồng mình" và "kiên nhẫn" trong cuộc đua khốc liệt với các nhà bán lẻ nước ngoài vốn "mạnh vì gạo, bạo vì tiền" và dày dạn kinh nghiệm.

Liệu có bị thâu tóm?

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú, Việt Nam là một thị trường hấp dẫn đối với các nhà phân phối nước ngoài nhưng trong con mắt của hầu hết các nhà phân phối hàng đầu thế giới hiện nay, thị trường Việt Nam mới chỉ dừng lại ở mức "tiềm năng" hoặc "cần lưu ý" vì có tốc độ tăng trưởng cao.

Trong khi đó hai yếu tố quan trọng nhất đối với các nhà phân phối lớn là thu nhập của người tiêu dùng và quy mô thị trường ở Việt Nam dường như vẫn còn thấp so với chuẩn của họ, với thu nhập đầu người dưới 1.000 USD/năm và quy mô thị trường mới vào khoảng 20 tỷ USD.

Có lẽ vì thế mà cho tới nay mới chỉ có 1 trong tổng số 10 tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới gia nhập thị trường Việt Nam là Metro còn các "đại gia" khác như Wal-Mart, Tesco, Target, Costco...vẫn đang đứng ngoài cuộc.

Ông Tú cho rằng, chỉ khi thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam lên tới một mức nhất định, bảo đảm quy mô thị trường thì các tập đoàn bán lẻ lớn mới thực sự quan tâm. Nhiều người lo ngại khi mở cửa thị trường bán lẻ cho nước ngoài, số lượng cửa hàng tiện dụng, sạch sẽ, qui mô trung bình đến lớn có thể tăng nhanh thay thế các hiệu tạp hóa thô sơ, qua đó làm giảm cơ hội cho những người kiếm sống bằng nghề bán lẻ.

Quan trọng hơn, khi nền kinh tế phát triển, quy mô thị trường sẽ tăng lên, chiếc "bánh" bán lẻ vì thế cũng "phình" ra, tạo thêm cơ hội cho các nhà phân phối nội địa lẫn nước ngoài.

Một yếu tố nữa là không phải cứ là "ông lớn" thì sẽ thành công trên mọi thị trường. Thực tiễn cho thấy, thói quen mua sắm và văn hóa tiêu dùng có thể là rào cản rất khó vượt qua trong hoạt động phân phối của các doanh nghiệp nước ngoài tại nước sở tại. Nếu các doanh nghiệp này không tìm cách thích ứng, điều chỉnh phong cách bán hàng của mình phù hợp với những rào cản này thì khả năng thất bại là rất lớn.

Nếu hình thức liên doanh được nước ngoài lựa chọn, các nhà phân phối trong nước sẽ có cơ hội học hỏi kinh nghiệm quản lý và công nghệ phân phối hiện đại từ các đối tác nước ngoài, qua đó cùng vươn lên và đứng vững tại thị trường.

Hiện nay, kênh phân phối hiện đại chỉ mới chiếm hơn 10% doanh thu của toàn bộ thị trường bán lẻ. Điều này cho thấy người tiêu dùng chưa "để mắt" nhiều đến hình thức này. Và nó cũng chứng tỏ sự phát triển của ngành thương mại bán lẻ còn rất manh mún, mới đang trong những bước đi "dò dẫm".

Tuy nhiên, khi các "ông lớn" vào cuộc với các chiến dịch quảng bá thương hiệu bài bản, rầm rộ, những phương thức "chiều lòng" khách hàng chuyên nghiệp, chắc chắn kênh bán lẻ hiện đại sẽ trở thành tâm điểm thu hút sự tập trung của khách hàng và hình thành cho người tiêu dùng Việt Nam thói quen mua sắm thường xuyên tại các trung tâm thương mại, đại siêu thị, siêu thị.

Về phía mình, các doanh nghiệp lại cho rằng nguyên nhân khiến các nhà bán lẻ trong nước khó cạnh tranh với những đối thủ nước ngoài là do thiếu sự trợ giúp từ phía Nhà nước. Nhiều doanh nghiệp phàn nàn khó tìm được địa điểm đẹp để kinh doanh khi mà phần lớn các mặt bằng thuận lợi đều được địa phương dành để thu hút đầu tư nước ngoài.

Cũng không ít doanh nghiệp than phiền việc kinh doanh bán lẻ của họ hầu hết vẫn phát triển tự phát và nhỏ lẻ, không tạo được sức mạnh cạnh tranh với các tập đoàn phân phối nước ngoài. Chưa kể rất hiếm các địa phương không có quy hoạch cụ thể, hợp lý và có cơ chế chính sách phù hợp về phát triển mạng lưới này.

Vì vậy, câu hỏi "liệu nước ngoài có thâu tóm ngành phân phối trong nước khi Việt Nam gia nhập WTO hay không?" dường như ít phụ thuộc vào việc Việt Nam có mở cửa cho nước ngoài hay không mà phụ thuộc nhiều hơn vào các yếu tố khác như cơ cấu ngành, thói quen của người tiêu dùng và nhận thức của cơ quan quản lý trong nước, ông Tú lưu ý.

Phát huy sức mạnh nội tại

Nắm bắt được sự cạnh tranh với các tập đoàn nước ngoài đang bắt đầu ồ ạt vào Việt Nam, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro Mart) đang khẩn trương thực hiện chiến dịch phát triển chuỗi các siêu thị, cửa hàng tiện ích, cửa hàng phục vụ các khu dân cư, mở rộng hệ thống cửa hàng bán lẻ ra các tỉnh nhằm chiếm lĩnh thị trường nông thôn.

Trong năm 2008, Hapro Mart sẽ khai trương thêm 20 siêu thị, 200 cửa hàng tiện ích tại các tỉnh, thành. Như vậy đến năm 2010, Hapro sẽ hình thành hệ thống bán lẻ gồm 5 trung tâm thương mại/đại siêu thị, 50-70 siêu thị và 600 cửa hàng tiện ích, từ đó khẳng định sự có mặt của tổng công ty tại hầu khắp các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên-Huế trở ra và trở thành nhà phân phối hàng đầu ở Việt Nam.

Các doanh nghiệp khác cũng đã sớm nhận ra giải pháp tối ưu cần thực hiện ngay là nhanh chóng tập trung sức mạnh, nhất là qua các hình thức liên doanh, liên kết. Ngay từ cuối năm ngoái, 130 doanh nghiệp đã đồng lòng ký vào cam kết thành lập Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR). Đây được xem là cơ quan tự vệ và đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho các thành viên.

Điển hình hơn là cái "bắt tay" của 4 "ông lớn" trong nước Satra, Hapro, Saigon Co.op và Phú Thái để thành lập Công ty cổ phần đầu tư và phát triển thị trường phân phối Việt Nam (VDA) có vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng, với hy vọng sẽ nhanh chân chiếm lĩnh trước phần lớn của "chiếc bánh" bán lẻ. Rõ ràng, đây là giải pháp tối ưu nhất mà các doanh nghiệp bán lẻ trong nước đã, đang và sẽ phải làm nếu không muốn nhanh chóng bị "thôn tính" bởi các đại gia hùng mạnh.

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước có lợi thế rất lớn về "sân nhà" với sự thông thuộc, am hiểu một cách sâu sắc văn hóa, thói quen tiêu dùng của người Việt Nam. Trong khi "nhập gia tùy tục" không phải là việc đơn giản mà những vị khách nước ngoài có thể làm tốt trong ngày một ngày hai.

Vì vậy, nếu biết tận dụng thế mạnh này, liên tục tiếp cận, nắm bắt nhu cầu ngày càng cao và khắt khe của khách hàng, tiến hành đồng bộ các giải pháp để trang bị những điều kiện cần thiết có thể thỏa mãn được những nhu cầu đó, bà Loan khẳng định "các thương hiệu Việt Nam hoàn toàn có cơ hội và khả năng làm nên kỳ tích".

Cũng theo bà Loan, khi thị trường bắt đầu hình thành một ngành bán lẻ chuyên nghiệp hơn, xã hội sẽ đầu tư nhiều hơn cả về cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, cải cách chính sách liên quan và khi đó mới có thể mạnh dạn thừa nhận một ngành công nghiệp bán lẻ thực sự tại Việt Nam.

Để giải quyết vấn đề tìm được địa điểm đẹp để kinh doanh, các chuyên gia tư vấn khuyến cáo doanh nghiệp cần công khai các nhà bán lẻ có nhu cầu đầu tư vào địa phương để các cơ quan chức năng cũng như các nhà chuyên môn có ý kiến tham vấn.

Bên cạnh đó, với bài toán giữ thị phần và cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang tiếp tục phải nâng cao chất lượng dịch vụ bằng chất lượng hàng hoá, đa dạng hoá nguồn hàng với giá cả cạnh tranh và đội ngũ nhân viên phục vụ chu đáo, chuyên nghiệp.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú, tại kỳ họp Chính phủ mới đây, Bộ Công Thương đã trình đề án "Giải pháp đẩy mạnh phát triển và tăng cường quản lý Nhà nước đối với các hệ thống phân phối trên thị trường bán lẻ nước ta hiện nay và những năm tiếp theo".

Đề án chủ yếu tập trung vào việc phát triển, quản lý hệ thống phân phối trên thị trường bán lẻ một số ngành hàng quan trọng, thiết yếu của một số doanh nghiệp quy mô lớn; phát triển, quản lý một số loại hình phân phối bán lẻ ở địa phương, nhằm ổn định và phát triển thị trường trong mọi tình huống nhất là khi thị trường thế giới có biến động.

Bên cạnh sự nỗ lực của các nhà phân phối trong nước, Đề án chính là tiền đề để các doanh nghiệp chủ động và đi đến thành công trong quá trình mở cửa dịch vụ phân phối theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và góp phần duy trì tăng trưởng GDP trong điều kiện suy giảm kinh tế trong nước và thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục