Doanh nghiệp bán lẻ trên đà phục hồi, lợi nhuận sắp quay trở lại

SSI cho rằng triển vọng dài hạn của các doanh nghiệp bán lẻ sẽ phụ thuộc vào quá trình chuyển đổi từ thương mại truyền thống sang thương mại hiện đại và kế hoạch huy động vốn của các công ty.
Doanh nghiệp bán lẻ trên đà phục hồi, lợi nhuận sắp quay trở lại ảnh 1Quầy bán thực phẩm, rau củ trong Bách Hóa Xanh, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Giới phân tích cho rằng lợi nhuận của hầu hết các doanh nghiệp bán lẻ có thể đã chạm đáy trong nửa đầu năm 2023 và các doanh nghiệp bán lẻ đang trên đà phục hồi.

Nhóm phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) kỳ vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp bán lẻ sẽ tích cực trở lại từ quý 4/2023 đến năm 2024.

Sự phục hồi lợi nhuận có thể được thúc đẩy nhờ đẩy mạnh giải ngân các khoản vay tiêu dùng, điều kiện kinh tế vĩ mô cải thiện, các công ty có tình hình tài chính vững mạnh tăng thêm thị phần và tỷ suất lợi nhuận cải thiện nhờ mức tồn kho thấp hơn sau đợt cạnh tranh gay gắt về giá trong quý 2/2023.

[SSI: Kỳ vọng nhóm cổ phiếu bán lẻ lấy lại đà tăng trưởng về cuối năm]

SSI cho rằng triển vọng dài hạn của các doanh nghiệp bán lẻ sẽ phụ thuộc vào quá trình chuyển đổi từ thương mại truyền thống sang thương mại hiện đại và kế hoạch huy động vốn của các công ty.

Tỷ lệ thâm nhập vào thương mại hiện đại của ngành công nghệ thông tin và điện tử gia dụng (ICT & CE) hiện ở mức cao (theo ước tính của SSI hiện chiếm khoảng 70-75% tổng thị trường).

Trong khi đó, tỷ lệ thâm nhập vào thương mại hiện đại đối với mảng bách hóa và dược phẩm vẫn còn rất nhỏ (theo ước tính của SSI, tỷ lệ thâm nhập lần lượt mới ở mức 14% và 5% tổng thị trường).

Về huy động vốn, SSI cho rằng các công ty có thể tìm kiếm nguồn vốn bên ngoài để tài trợ cho việc mở rộng cửa hàng.

Chuỗi Nhà thuốc Long Châu của Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT hiện đã có lãi và có thể phải tăng vốn trong thời gian tới để mở rộng mạng lưới cửa hàng lên 3.000 cửa hàng (so với 1.234 cửa hàng tính đến tháng 5/2023).

Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã chứng khoán: MWG) cũng sẽ huy động vốn để mở rộng quy mô Bách Hóa Xanh khi chuỗi tiếp cận điểm hòa vốn.

Thực tế, nửa đầu năm nay, doanh nghiệp bán lẻ đã phải đối diện với rất nhiều khó khăn và giới phân tích kỳ vọng, những gì khó khăn nhất đã qua đi.

Tổng cục Thống kê thông tin 6 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 3.016,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 12,2%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,4%, tương đương cùng kỳ năm 2022.

Theo giá hiện hành, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2023 có quy mô cao hơn nhưng tốc độ tăng thấp hơn cùng kỳ năm trước.

Theo khảo sát của Infocus - hãng điện tử đến từ Mỹ, niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam đã sụt giảm từ 63 điểm vào tháng 7/2022 xuống chỉ còn 54 điểm vào tháng 6/2023.

Với những lo ngại về vĩ mô, người dân có xu hướng giảm chi tiêu các sản phẩm không thiết yếu, ảnh hưởng mạnh đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm liên quan.

Theo khảo sát của PwC - một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới hiện nay (Big 4), từ quý 1/2023 tại Việt Nam, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu nhiều nhất đối với các mặt hàng không thiết yếu và đã phản ánh vào kết quả không khả quan của các doanh nghiệp bán lẻ và tiêu dùng trên thị trường.

Ngoài ra, một trong những yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến tiêu dùng, đặc biệt là tiêu dùng không thiết yếu, đến từ việc thắt chặt tài chính tiêu dùng sau cuộc điều tra một số công ty tài chính tiêu dùng và tỷ lệ nợ xấu cao, đại diện là FE Credit (giảm 45% thị phần tài chính tiêu dùng), khiến dòng tiền từ tín dụng tiêu dùng giải ngân cho tiêu dùng giảm (có thể đóng góp tới 30% doanh thu cho các công ty bán lẻ).

Tuy nhiên, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT) cũng cho rằng thời điểm tiêu dùng tồi tệ nhất đã qua và đã chạm đáy trong nửa đầu năm 2023, đang hướng tới giai đoạn phục hồi với nhiều dấu hiệu tích cực trong nửa sau 2023.

Với những chuyển biến tích cực tại Mỹ khi Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dần hạ nhiệt, gánh nặng tiêu dùng sẽ được giải tỏa không chỉ tại thị trường Mỹ, khi chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ có tác động lan tỏa toàn cầu.

VNDIRECT kỳ vọng các đơn hàng mới từ các thị trường xuất khẩu chính sẽ tăng tốc từ nửa cuối 2023, qua đó giúp giảm bớt lo ngại và người dân từng bước ổn định thu nhập giúp Việt Nam bước vào chu kỳ tiêu dùng mới.

Bên cạnh đó, VNDIRECT kỳ vọng xu hướng giảm lãi suất cho vay sẽ tiếp tục sau các đợt cắt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nướcc, giúp tín dụng tiêu dùng dần quay trở lại sau khi nợ xấu được kiểm soát.

Đối với các sản phẩm công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), đặc biệt là điện thoại thông minh, với chu kỳ thay thế điện thoại ước tính từ 2-2,5 năm, VNDIRECT kỳ vọng quý 4/2023 sẽ là thời điểm bùng nổ khi niềm tin của người tiêu dùng sau khi “chạm đáy” sẽ tăng lên và nhu cầu mạnh mẽ sau 1 năm thắt chặt tiêu dùng.

Các doanh nghiệp trong ngành điện tử tiêu dùng phải đối mặt với cuộc chiến duy trì thị phần trong năm 2023, trong khi phân khúc thiết yếu (tạp hóa, dược phẩm) vẫn duy trì doanh thu ổn định.

Các nhà bán lẻ lớn đang tiến hành cuộc chiến “giá rẻ” trong bối cảnh nhu cầu yếu để giảm tồn kho đồng thời duy trì, mở rộng thị phần nhờ quy mô lớn và khả năng tài chính mạnh.

Có thể thấy Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (MWG) và Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (mã chứng khoán: FRT) với thị phần hơn 60% thị trường điện thoại di động sẽ có cơ hội duy trì hoạt động kinh doanh và mở rộng thị phần sau khi bước vào chu kỳ phục hồi của tiêu dùng.

Trong khi đó, ở mảng tạp hóa hiện đại, với đại diện là Bách Hóa Xanh và Winmart, vẫn duy trì doanh thu ổn định nhưng chịu tác động “sụt giá tiêu dùng - down trading effect.”

Tuy nhiên, doanh thu các chuỗi này sẽ tốt hơn khi quy mô giỏ hàng tăng trở lại trong khi lưu lượng giao dịch qua Bách Hóa Xanh và Winmart tăng lên.

Đối với mảng dược phẩm, Long Châu trở thành chuỗi nhà thuốc bán lẻ lớn nhất, đạt lợi nhuận khả quan và tiếp tục đà mở rộng, trong khi An Khang ngừng mở mới cửa hàng.

Với dân số hơn 100 triệu người và nhóm nhân khẩu học trẻ; trong đó, 70% dưới 35 tuổi, dân số am hiểu công nghệ của Việt Nam cùng với sự phát triển của nền kinh tế internet và sự mở rộng của tầng lớp trung lưu sẽ tạo nhu cầu cao về nhiều loại sản phẩm từ điện tử tiêu dùng đến thiết bị gia dụng và duy trì mức tăng trưởng bền vững từ 6-10%/năm trong giai đoạn 2023-2026 dựa trên báo cáo của Euromonitor - công ty hàng đầu thế giới về nghiên cứu chiến lược cho thị trường tiêu dùng.

Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê, mặc dù thị trường có sự tăng trưởng mạnh ở phân khúc sản phẩm điện tử tiêu dùng từ 2020-2022, nhưng VNDIRECT cho rằng tiêu thụ sản phẩm điện tử tiêu dùng, đặc biệt là sản phẩm thiết bị gia dụng sẽ đạt mức tăng trưởng mạnh nhất khi nhu cầu của người tiêu dùng tăng lên trong sự phát triển lâu dài của Việt Nam.

Ngoài ra, thuế giá trị gia tăng (VAT) giảm từ 10% xuống còn 8% với nhiều mặt hàng thiết yếu như thực phẩm khô, nước giải khát, bánh kẹo, hàng gia dụng... đồng bộ từ khâu nhập khẩu, sản xuất cho đến gia công, tiêu dùng, được cho là mang lại lợi ích kép, khi giá thành sản phẩm giảm, người tiêu dùng được mua hàng giá rẻ, giúp doanh nghiệp có thêm doanh thu.

Thực tế,  trên thị trường chứng khoán, nhóm ngành tiêu dùng-bán lẻ là tâm điểm của thị trường tuần qua sau khi chính sách giảm thuế VAT 2% chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2023; trong đó, các cổ phiếu tiêu biểu của ngành đều tăng giá mạnh, cụ thể MWG và DWG đều tăng 8,7%, PNJ tăng 9,3%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục