Doanh nghiệp dệt may "dài cổ" đợi đơn hàng

Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, hiện có tới 70% doanh nghiệp dệt may xuất khẩu chỉ có đơn hàng sản xuất đến hết tháng 3 này, và tình trạng doanh nghiệp đợi đơn hàng khiến hơn 2 triệu lao động của ngành dệt may đối mặt với việc giảm thu nhập và thậm chí thất nghiệp.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, hiện có tới 70% doanh nghiệp dệt may xuất khẩu chỉ có đơn hàng sản xuất đến hết tháng 3 này, và tình trạng doanh nghiệp đợi đơn hàng khiến hơn 2 triệu lao động của ngành dệt may đối mặt với việc giảm thu nhập và thậm chí thất nghiệp.
 
Đúng như đã dự báo đối với năm 2009 của Hiệp hội, ngành dệt may xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn bởi các thị trường chủ lực của Việt Nam như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) đều sụt giảm mạnh.
 
Hầu hết các nhà nhập khẩu đều ép giảm giá, nhiều đơn hàng buộc phải giảm 10%. Mặc dù Chính phủ đã có nhiều chính sách tích cực hỗ trợ, nhưng doanh nghiệp vẫn chưa thể thoát được cảnh hồi hộp, chờ đợi đơn hàng từ nhà nhập khẩu.
 
Theo đại diện doanh nghiệp dệt may, đa số các doanh nghiệp chỉ mới nhận được đơn hàng sản xuất đến tháng 3 và các đơn hàng đều giảm 30% - 50% so với cùng kỳ. Do đó, việc ngưng đơn hàng vào thời điểm này là một cú sốc lớn đối với họ.
 
Có lẽ vì vậy mà nhiều doanh nghiệp đã tính đến việc nhận lại đơn hàng của các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài ở Bình Dương đang dư đơn hàng. Theo họ, làm công không lãi vẫn hơn vì công nhân có việc làm và chờ cơ hội mới.
 
Cũng theo Hiệp hội dệt may Việt Nam, việc mở rộng, xúc tiến xuất khẩu vào các thị trường mới đang là việc làm ưu tiên cho các ngành xuất khẩu của Việt Nam trong thời điểm này, trong đó các thị trường Nga, châu Phi, Trung Đông đang là đích ngắm.
 
Một hội chợ hàng Việt Nam xuất khẩu tại Nga sẽ được tổ chức trong tháng 9 năm nay bởi năm 2008 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt trên 700 triệu USD. Việt Nam đang hy vọng sẽ nâng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này lên 1 tỷ USD trong năm 2009.
 
Tuy nhiên, để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Nga, ngoài việc tháo gỡ về chính sách vĩ mô giữa 2 nước còn có trở ngại lớn nhất là việc thanh toán qua hệ thống ngân hàng chính thức vẫn chưa “mở”. Bên cạnh đó, thuế nhập khẩu vào Nga rất cao, đến 20 USD/kg hàng hóa./.
 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục