Doanh nghiệp vận tải biển kêu cứu

Gần 100 doanh nghiệp vận tải biển ở các tỉnh khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ đã đề nghị được giãn nợ gốc, giảm lãi suất, hỗ trợ lãi suất để đối phó với những khó khăn đang bủa vây.

Gần 100 doanh nghiệp vận tải biển ở các tỉnh khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ đã đề nghị được giãn nợ gốc, giảm lãi suất, hỗ trợ lãi suất để đối phó với những khó khăn đang bủa vây.

Tại hội thảo "Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải biển" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Hải Phòng tổ chức ngày 7/5, các doanh nghiệp cho biết suy thoái kinh tế thế giới khiến lượng hàng hóa vận chuyển khan hiếm, cước vận chuyển giảm 50% so với đầu năm 2008, thậm chí hàng chỉ có một chiều và tàu phải chạy rỗng. Thời gian xếp và dỡ hàng của các chuyến vận tải thường bị kéo dài gấp từ 3 - 5 lần dự định, làm tăng thêm chi phí kinh doanh của doanh nghiệp.

Khó khăn trong kinh doanh, nhiều chủ tàu đứng trên bờ vực phá sản nên các hiệp hội, các doanh nghiệp vận tải biển đề nghị một số giải pháp tháo gỡ khó khăn. Cụ thể là giãn nợ từ 1 đến 3 năm, giảm lãi suất vay và cho vay lãi suất ưu đãi đối với các dự án trung, dài hạn mua và đóng mới tàu biển (dự án đã và đang thực hiện); hỗ trợ lãi suất 4%/năm trong gói kích cầu của Chính phủ trong 24 tháng cho các doanh nghiệp vận tải biển; giảm mức thu phí hàng hải cho đội tàu.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cho rằng quy định không cho phép sử dụng thuyền trưởng và các sỹ quan quản lý trên 60 tuổi, sức khỏe tốt là không phù hợp với thực tiễn bởi lực lượng lao động này còn thiếu trong khi việc đào tạo mỗi thuyền trưởng, máy trưởng giỏi, lành nghề phải mất 20-30 năm. Số lao động này giàu kinh nghiệm, điều hành tàu an toàn, ít xảy ra sai sót nên cần được sử dụng họ thêm một thời gian nữa.

Các chủ tàu “kêu” lệ phí, cảng phí hoa tiêu hàng hải Việt Nam hiện cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực và họ hay bị lực lượng chức năng gây phiền hà, khó khăn trong quá trình khai thác tàu.

Lãnh đạo vận tải biển Thái Bình cho biết, nếu không có sự can thiệp bằng chính sách của Nhà nước, sự chia sẻ của các ngân hàng, các nhà tài trợ vốn thì nguy cơ phá sản hàng loạt đối với các doanh nghiệp vận tải biển là khó tránh khỏi.

Còn theo đại diện Hiệp hội vận tải đoàn kết An Lư (Hải Phòng) việc khoanh nợ, treo nợ quá hạn thực sự là chiếc phao cứu sinh cho các công ty vận tải biển trong giai đoạn suy thoái kinh tế hiện nay

Hiện nay đội tàu biển của các hiệp hội và các doanh nghiệp vận tải biển lên tới gần 1.000 chiếc với tải trọng từ 1.000 đến 35.000 tấn, giá trị tài sản khoảng 300.000 tỷ đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục