Việc xuất khẩu đồ gỗ với nguồn nguyên liệu được truy xuất nguồn gốc, chứng nhận hợp pháp đang là vấn đề được cả thế giới quan tâm.
Do đó, hầu hết những doanh nghiệp tham gia xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam đều đồng loạt nói không với nguồn nguyên liệu gỗ bất hợp pháp, đặc biệt là khi xuất khẩu vào các thị trường như Mỹ, châu Âu, Australia…
Vấn đề an sinh, xã hội đặt lên hàng đầu
Với những nguồn nguyên liệu gỗ bất hợp pháp, nếu được lưu thông, chế biến và xuất khẩu sẽ để lại một hệ lụy lớn cho môi trường, mất đa dạng sinh học rừng, khó giữ nước, giữ đất, ô nhiễm không khí và ảnh hưởng lớn kinh tế xã hội cho người dân. Do đó, bên cạnh việc kinh doanh, xuất khẩu sản phẩm gỗ mang lại lợi ích kinh tế cho quốc gia thì an sinh xã hội cũng cần được chú trọng.
Theo thống kê của các quốc gia thuộc khối kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, diện tích rừng của các quốc gia này chiếm hơn một nửa diện tích rừng trên thế giới và hoạt động mua bán gỗ nguyên liệu, chế biến xuất khẩu đồ gỗ, chiếm hơn 80% tổng số lượng gỗ nguyên liệu và sản phẩm gỗ toàn cầu.
Cùng với đó, hoạt động chế biến, xuất khẩu gỗ và đồ gỗ mang lại lợi nhuận rất lớn cho các doanh nghiệp.
Tính đến ngày 15/8/2017, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của cả nước đạt 4,54 tỷ USD; trong đó sản phẩm đồ gỗ đạt 3,36 tỷ USD. Đây là một khoản thu rất lớn cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành gỗ nói riêng.
Ông Đỗ Văn Bản, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam chia sẻ, việc kinh doanh xuất khẩu gỗ loại I (gỗ từ rừng tự nhiên) mang lại lợi nhuận rất lớn cho doanh nghiệp nên cũng đã có nhiều doanh nghiệp vì lợi nhuận mà khai thác rừng tự nhiên. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp đều nhận thức buôn bán gỗ bất hợp pháp thì có nguy cơ rất cao bị bắt giữ và xử phạt hành chính.
[Các hiệp hội Việt Nam chính thức nói "không" với gỗ bất hợp pháp]
Khảo sát của phóng viên TTXVN cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh và xuất khẩu gỗ đều sử dụng nguồn nguyên liệu có truy xuất nguồn gốc, gỗ thanh lý hoặc gỗ từ rừng trồng.
Theo bà Trương Mộng Trinh, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Mộc Lục (Bình Dương), các nước Mỹ và châu Âu chỉ khuyến khích người tiêu dùng sử dụng đồ gỗ với nguyên liệu có truy xuất nguồn gốc, không được phép sử dụng đồ gỗ từ rừng tự nhiên, tránh làm cho nhiều doanh nghiệp ham lợi, buôn bán loại gỗ này. Do đó, với các chủng loại gỗ rừng trồng như thông, cao su, tràm, tần bì mới được nhà nhập khẩu châu Âu và Mỹ đón nhận.
Cũng là một doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu gỗ phục vụ cho chế biến rồi tái xuất, ông Nguyễn Liêm, Giám đốc Công ty cổ phần Lâm Việt (Bình Dương) cho biết, trở ngại lớn nhất của doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ sang thị trường Mỹ chính là Chính phủ Mỹ áp dụng nghiêm ngặt đạo luật Lacey, Flegt về thực thi luật pháp lâm nghiệp, quản lý rừng và buôn bán gỗ; trong đó nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào được quản lý rất nghiêm ngặt.
Chính vì vậy, nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu của Lâm Việt đến từ những quốc gia có trình độ quản lý rừng bền vững và tin cậy như Mỹ và các nước châu Âu. Bởi vì, với những nguồn nguyên liệu gỗ có xuất xứ bất hợp pháp sẽ khó thông quan ngay từ nước xuất khẩu, chưa nói đến vào khai báo hải quan nhập khẩu tại Mỹ.
Liên kết hải quan quốc gia
Vì mục đích bảo vệ môi trường, an sinh xã hội và hệ sinh thái rừng, việc quản lý nguồn nguyên liệu gỗ đang là vấn đề trọng yếu được các nước quan tâm.
Bà Jennifer Prescott, Văn phòng đại diện thương mại Hoa Kỳ chia sẻ, việc kiểm soát hoạt động kinh doanh của các sản phẩm gỗ bất hợp pháp rất quan trọng. Vì nếu khai thác bất hợp pháp sẽ dẫn đến suy thoái rừng, mất đa dạng sinh học, đe dọa sinh kế của người dân địa phương.
Chính vì lý do này, việc liên kết để ngăn chặn hoạt động buôn bán gỗ bất hợp pháp cần đến sự liên kết quản lý đa quốc gia.
Bà Emma Hatcher, Giám đốc bộ phận Rừng, thuộc Phòng Chính sách quốc tế về rừng thuộc Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Australia nhấn mạnh, các cơ quan hải quan các nước phải phối hợp chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng vận chuyển gỗ bất hợp pháp. Cụ thể, các quốc gia đưa ra các tiêu chuẩn quy định cần thiết để hợp tác triển khai các luật chống buôn bán gỗ trái phép giữa các cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, phía Việt Nam cũng đánh giá mức độ tuân thủ của các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gỗ. Khi xuất khẩu sản phẩm gỗ vào thị trường Australia, các doanh nghiệp phải thể hiện rõ khai báo thủ tục hải quan cho các mặt hàng này.
"Trong tháng 9/2017, Chính phủ Australia sẽ triển khai và phổ biến nhiều chương trình về quy định hợp pháp hóa sản phẩm gỗ đến các doanh nghiệp Việt Nam, điều này giúp cho sản phẩm gỗ hợp pháp của các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và thâm nhập vào thị trường Australia thuận lợi hơn," bà Emma Hatcher cho biết thêm.
Là doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ nghiêm túc, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu gỗ rõ ràng, bà Trương Mộng Trinh cho rằng, với những trường hợp doanh nghiệp cố tình vi phạm sử dụng, buôn bán gỗ từ rừng tự nhiên, không truy xuất rõ nguồn gốc thì cơ quan chức năng xử lý vi phạm nghiêm minh. Đặc biệt là các cơ quan hải quan tỉnh, hải quan quốc gia, Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, Cục Kiểm lâm để tránh gây thất thoát gỗ tự nhiên dẫn đến nhiều hệ lụy không giữ được nước, đất, tàn phá hệ sinh vật.
"Để ngăn chặn tình trạng buôn bán gỗ bất hợp pháp ngày càng tinh vi thì lực lượng hải quan chú trọng tăng cường hoạt động đấu tranh phòng chống buôn lậu. Với các doanh nghiệp vi phạm buôn bán gỗ bất hợp pháp thì phải đưa vào hệ thống quản lý rủi ro và phân luồng kiểm soát mới xử lý kịp thời.
Ngành hải quan cũng chú trọng hợp tác quốc tế, trao đổi thông tin nghiệp vụ, thông tin tình báo hải quan để phục vụ cho hoạt động điều tra, xác minh, phân tích trọng điểm trong đấu tranh chống buôn lậu gỗ và động vật hoang dã," ông Nguyễn Văn Hà, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp nhấn mạnh./.