Độc đáo tiếng khèn mùa Xuân của người H'Mông

Với người H'Mông, mùa Xuân về không thể thiếu tiếng khèn. Nhiều dân tộc có khèn nhưng khèn của người H'Mông có nét độc đáo riêng biệt.
Đối với người H'Mông, mùa Xuân về không thể thiếu tiếng khèn. Nhiều dân tộc có khèn nhưng khèn của người H'Mông có nét độc đáo riêng biệt, góp phần quan trọng làm nên bản sắc riêng của người H'Mông.

Truyền thuyết về chiếc khèn H'Mông

Chuyện kể rằng, ngày xưa, một gia đình nọ có sáu anh em, ai cũng hát hay, sáo giỏi. Lúc chưa lập gia đình, tiếng sáo của họ khi thổi cùng nhau lúc vi vút, xào xạc như cây rừng gặp gió, lúc véo von tựa chim trên đỉnh núi cao, lúc lại ào ào như thác đổ. Những dịp hội hè, họ đều đến thổi sáo giúp vui.

Sau này, khi họ đều có gia đình, những lúc không hợp đủ cả sáu người, tiếng sáo trở nên lạc điệu. Họ bèn bàn nhau chế tác ra thứ nhạc cụ hợp nhất nhiều thứ. Người anh cả nghĩ ra cái bầu, anh thứ hai nghĩ ra ống thổi dài, bốn người còn lại nghĩ ra những ống thổi tiếp theo. Tất cả sáu ống, thay cho sáu anh em. Lạ thay, thứ nhạc cụ lạ lùng ấy khi hoàn thiện, thổi lên tạo ra nhiều tầng âm thanh có sức quyến rũ kỳ lạ… Đó là chiếc khèn H'Mông ngày nay.

Nhạc cụ chất chứa nhiều sáng tạo

Khèn H'Mông được làm rất công phu, bầu của khèn được làm từ gỗ pơmu cùng năm ống trúc nhỏ và một ống trúc to, có độ dài ngắn khác nhau. Các ống trúc này được xếp khéo léo, song song trên thân khèn. Ống lớn nhất và cũng là ngắn nhất với trọng trách giữ nhịp. Các ống còn lại theo kích thước to nhỏ mà có âm thanh trầm bổng, cao thấp. Những ống trúc được khoét một miếng nhỏ để lắp lá đồng tạo âm thanh trầm bổng riêng. Có ba ống trúc phải gắn hai lá đồng để khi thổi ra hay hít vào, tiếng khèn đều phát ra âm thanh. Có tất cả tám lá đồng được khớp lại với nhau với đủ âm sắc.

Trúc làm ống phải phơi đủ độ khô (không được ẩm lại không quá khô), khèn mới kêu hay. Công đoạn khó nhất là chỉnh âm cho mỗi chiếc lá gió. Công việc này đòi hỏi người thợ phải có sự hiểu biết về thứ nhạc cụ này, cộng với bàn tay khéo léo và đôi tai thẩm âm tinh tế.

Tiếng khèn H'Mông thể hiện chất trữ tình đằm thắm, mượt mà, khỏe khoắn. Những âm thanh của loại nhạc cụ này mang vẻ đẹp tự nhiên của vùng cao bao la, hùng vĩ, nét tươi sáng và giản dị của tâm hồn người H'Mông.

Khi tiếng khèn vang lên, người H'Mông đều dễ nhận ra bởi âm thanh của khèn gắn với một điệu dân ca nào đó. Âm điệu, tiết tấu chau chuốt được chia cắt thành câu, thành nhịp. Giọng điệu của khèn đã tạo cơ hội cho các chàng trai H'Mông thể hiện tình cảm của mình với các cô gái một cách tự nhiên.

Nghe và hiểu được khèn, có nghĩa là đã hiểu được khát khao, mong ước, niềm vui, nỗi buồn của những đứa con xứ núi. Tiếng khèn lá là món ăn tinh thần không thể thiếu từ bao đời nơi rẻo cao, là róc rách của suối, là hương của núi, là tiếng gió cây rừng, là nỗi lòng người H'Mông.

Các động tác múa khèn của người H'Mông rất phong phú và đa dạng. Có 33 động tác, tổ hợp múa khèn như múa nhảy đưa chân, nhảy lướt, quay đổi chỗ, nhún chuyển trọng lượng, nhảy ngang đập chân, bước trườn, bước lượn, ngoáy chân, đánh chân tại chỗ, đánh chân di động, vờn khèn, quay tại chỗ, quay di động, quay nhích gót, quay cầu, đá hất chân…

Trong đó, môtíp chủ đạo là quay hất gót tại chỗ và quay hất gót di động trên vòng quay lớn rồi thu hẹp dần theo hình xoáy ốc. Múa khèn H'Mông với các vũ điệu đẹp, tài hoa, dũng mãnh và trữ tình có sức sống mãnh liệt, lâu bền của văn hoá H'Mông, được nhân dân trong và ngoài nước đều yêu thích.

Niềm kiêu hãnh của chàng trai người H'Mông

Đối với người dân tộc H'Mông, khèn H'Mông gắn liền với các sinh hoạt văn hóa, đời sống hàng ngày. Trong những ngôi nhà gỗ của đồng bào H'Mông, khèn được treo ở vị trí trang trọng và dễ nhìn thấy nhất. Vào nhà chỉ cần nhìn thấy chiếc khèn là người ta biết ngay trong nhà có đàn ông, hơn nữa đó là một người đàn ông mạnh mẽ và tài hoa.

Từ lúc lên 7-8 tuổi, con trai H'Mông bắt đầu học thổi khèn. Học thổi khèn không dễ, để biết thổi thì ai cũng có thể làm được, nhưng để thổi thành bài, thành làn điệu thì người thổi phải có trí nhớ thật tốt. Trong 100 người chỉ có khoảng 1-2 người là thổi được khèn và điều đó là một niềm kiêu hãnh của bất cứ chàng trai H'Mông nào.

Tiếng khèn thấm sâu vào máu thịt người H'Mông, thân quen như miếng "mèn mén" (bột ngô đồ) mẹ mớm từ lúc mới biết ăn dặm. Người già vẫn bảo: Tiếng khèn là phần hồn của người H'Mông, giữ tiếng khèn là giữ lấy bản sắc dân tộc mình.

Người dân tộc H'Mông có câu: “Người biết thổi khèn thì được uống rượu,” như thế đủ biết vị thế của khèn trong đời sống của đàn ông H'Mông. Người nào thổi khèn hay, múa khèn dẻo luôn nhận được sự quý mến, nể phục. Người H'Mông quan niệm rằng đã là con trai H'Mông thì dù trẻ hay già lúc nào cũng phải có cây khèn đi cùng. Qua cây khèn, tiếng khèn, cách thổi khèn mà cho thấy chàng trai đó có được sức mạnh về thể chất cũng như thể hiện được rằng người con trai đó có đời sống tinh thần mạnh mẽ. Do vậy người H'Mông đi đâu cũng rất tự hào về việc múa khèn và thổi khèn của mình.

Tiếng khèn không những chiếm được cảm tình của hầu hết đồng bào H'Mông, mà còn làm say lòng những ai một lần được thưởng thức. Đặc biệt, sức hút của loại nhạc cụ dân dã này đã từng khiến không ít học giả, nhạc sỹ phải dày công nghiên cứu sưu tầm, trở lành một nét văn hóa đặc trưng của người dân tộc miền núi./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục