Người khác và tôi...

Đọc “Người khác và tôi” tung tẩy mà “nhiều trong một”

Trước thềm xuân Quý tỵ, Văn Giá cho ra một tác phẩm phê bình với cái tên vừa giản dị lại vừa như kênh kiệu “Người khác và tôi.”
Khi tặng sách “Người khác và tôi” cho người viết bài này, Văn Giá ghi “thay quà Tết,” tôi đã nghĩ thầm một thứ quà quý đây, nhưng mà rồi lại nhủ chả bõ vì “mất công” vui-buồn - cảm xúc cùng “bác ý” đây! Quả đúng vậy!

Chan chứa thành tâm

Trước thềm Xuân Quý tỵ, Văn Giá cho ra một tác phẩm phê bình với cái tên vừa giản dị lại vừa như kênh kiệu “Người khác và tôi.”

Tò mò đầu tiên là anh có kiêu không? Nghệ sỹ, nhất là văn sỹ thì hay thích sự kiêu bạc và có không ít người “vươn về” tiêu chí này.

Nhưng Văn Giá thì không. Anh là cái người rất hồn hậu, nhã nhặn trong một vẻ như đơn giản tuyềnh toàng.

Thế thì tại sao lại viết về thầy văn và bạn văn mà lại gọi là người khác. Phải chăng anh cũng thấu cách tạo “hot” về một sự “cùng chiếu,” tự xóa những cao lạ, xa siêu nên anh đã gọi các nhân vật trong cuốn sách của mình là “người khác” rất ngang bằng, khách quan.

Nhưng trong nhan đề “Người khác và tôi,” có lẽ cái từ nối “và” mới là hay, rất cần chú ý. Văn Giá đã sống, đã nâng chén cạn bầu tâm sự với các văn nhân như thể bạn bè.

Cái chữ “và” ấy giúp ai tò mò về những người văn nổi tiếng, có thể đọc chân dung và tiểu luận phê bình của Văn Giá là thỏa. Thỏa từ cái cách hiểu về người, cho đến cái cách thấu về văn, thơ của họ.

Mà đặc biệt có sự “khuyến mại” thêm vì được hiểu hơn “cái anh” Văn Giá trả vờ kiêu mà gần gũi, trả vờ vui tếu và sâu trầm ấy.

Văn Giá viết chân dung ai? Xin thưa, chân dung những người thầy của anh và của bao thầy cô giáo dạy văn trên khắp nước này: thầy Nguyễn Đình Chú, thầy Nguyễn Đănh Mạnh, thầy Trần Đình Sử.

Anh viết về “gã đầu bạc” Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, viết về thầy Hoàng Ngọc Hiến - người đã sáng lập ra trường Viết văn Nguyễn Du, nay là Khoa Sáng tác, Lý luận và phê bình mà Văn Giá đang làm Trưởng khoa, về nhà thơ Tế Hanh, nhà thơ Vương Trung dân tộc Thái và nhà văn Thanh Châu sau 1945.

Sau đó, là những bài viết mang tâm tư với danh nhân, với bạn bè và cả những người trẻ ngỡ thuộc thế hệ học trò của anh.

Đọc phê bình của anh càng thấy thích câu nhận định của tiến sỹ Chu Văn Sơn rằng anh Văn Giá “tung tẩy” với phê bình. Mà anh tung tẩy thật. Tung tẩy bởi sự tài hoa, tung tẩy vì đầy ngẫu hứng, tung tẩy bởi kém trịnh trọng mà chan chứa thành tâm.

Những “người khác” thân thương

Chỉ cần qua một số dòng ta thấy rõ về mỗi gương mặt, đó là cung cách Văn Giá. Thời nay, cánh học văn chương rất lười đọc sâu, đọc rộng nhưng lại muốn có vốn liếng quý và tinh lọc, thế nên nếu “vớ” được cuốn sách của Văn Giá là có bảo bối “nhiều trong một.”

Tôi đã nghĩ ra một cách hình dung, Văn Giá là người thông dịch viên thấu được không chỉ ngôn ngữ mà cả tấm tình của người viết văn, làm thơ để chuyển dịch nó sang ngôn ngữ dễ đọc và nhanh hiểu cho bạn đọc yêu văn mà kiệm thì giờ.

Nếu ai đó là dân chuyên sâu có thể từ bài viết chân dung hoặc tiểu luận phê bình của Văn Giá mà nhao đi mua sách đọc. Anh là người dẫn lối giữa một thị trường bung bùng bùng sách này.

Anh cầm thứ đuốc cháy bằng sự thông tỏ và cái tình giản dị soi lên những gương mặt người văn, đủ sáng để ta biết về những nét nhận diện giữa bao văn nhân, thi sỹ mới cũ, xa gần.

Với sự lười ngại nào đó, thì cuốn sách của Văn Giá đủ cho xêm xêm chút khái niệm, thống nhất nét hình dung về một văn tài hay một số phận đủ gợi những lắng nhớ.

“Tôi và chúng ta” thử cùng anh qua những “người khác” nghe lạnh mà thân thương vô chừng với anh bằng mỗi người đôi dòng xem sao!

Trong “Ngắm ...nhan sắc thầy tôi” anh viết về thầy Nguyễn Đình Chú ngoại bát tuần có gương mặt đẹp vì phúc hậu. Rằng các đồng nghiệp Khoa Văn khen thầy “Người đâu mà cứ ...đẹp giai mãi.” Anh viết: “Cái câu đùa này có dễ đến mấy chục năm rồi ...chỉ dành riêng cho thầy Chú. Sướng thế! Thầy là người lười dựng tập, đệ tử dựng tuyển tập lên tới độ dày 4.000 trang chưa hết. Khiếp thế!”

“Cụ Mạnh” viết về giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh, anh kể lại một đêm giao lưu với các tác giả thơ văn thời kỳ đầu của đổi mới ở trường Đại học Sư phạm có mời các “bạn văn Tổng hợp” sang.

Qua bài chân dung “Cụ Mạnh” của anh Văn Giá, người thầy chung của chúng tôi làm lòng tôi ấm hơn, vững tin hơn. Tôi thấy tiếc là không gặp thầy trước để có mặt trong cái đêm nhà trường “bị” mất điện để ngăn việc gặp các tác giả văn thơ “đổi mới quá, chưa phù hợp.”

Nhớ lại, cuối những năm 80 của thế kỷ trước, tôi (người viết bài này) là sinh viên thuộc ban tổ chức, nhưng nghe một thầy giáo thận trọng làm công tác tư tưởng, tôi trốn ở nhà vì sợ “liên lụy.” Nghĩ lại, tôi thấy mình quả là hèn kém.

Đúng như Văn Giá viết, sau đó, thầy Nguyễn Đăng Mạnh cùng một số thầy “cấp tiến” đứng ra tổ chức Hội thảo khoa học giữa ban ngày ban mặt, chúng tôi háo hức lần đầu “giáp mặt” Nguyễn Huy Thiệp, Dư Thị Hoàn, Phạm Thị Hoài...

Anh viết về nhà thơ Hà Văn Thể khiến người đọc thấy cảm động đến thế trước tình phụ tử của người làm thơ. Một tấm lòng người cha nuôi con cùng với hy vọng cháy lòng của mình.

Câu thơ Hà Văn Thể viết: “Nửa đêm sắc thuốc cho con/Thêm thang hy vọng cha dồn vào đây.” Niềm vui nuôi con mười tuổi bỗng được nghe con nói những câu đầu: “Cha nín lặng thấy lòng mình òa vỡ/Muôn tiếng đàn ngân nga rưng rưng.”

Cái con người thơ họ Hà ấy thương bệnh con, còn bệnh của anh thì có Văn Giá thương, loại bệnh cũ tái phát: “Thương nhớ mang màu gì/Trắng tóc chưa nguôi lạnh” và “Bao chuyến đò định mệnh/Bến trần gian vẫn chờ.”

Trong “Gã đầu (thì) bạc, lòng (lại) xanh,” Văn Giá viết về nhà nghiên cứu văn học, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, Phạm Xuân Nguyên thật thú. Rằng ở Viện Văn học có câu: “Viện văn có một Phạm Xuân/ Nguyên là cán bộ cử nhân phê bình.” Cả viện là tiến sỹ, phó giáo sư, giáo sư, ít nhất vì còn trẻ thì cũng là thạc sỹ. Vậy mà “gã đầu bạc” cứ kiên cố học vị...

Cử nhân cũng trưởng phòng Văn học so sánh, cử nhân mà thông thạo mấy ngoại ngữ, dịch thuật nhiều tác phẩm quan trọng.

Cứ thế ...Văn Giá sống để hiểu, hiểu rồi viết, viết rồi đọng lại, dồn tập. “Người khác và tôi” thành bản đồ dẫn dụ đường đọc với người chăm văn và bảo bối cho những người “hóng” văn mà lười./.

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục