Đọc tập truyện "Về một tình yêu chia sẻ" của Hà Minh Đức

Vào những ngày đầu năm 2021, Giáo sư Hà Minh Đức đã đem đến cho các độc giả yêu văn chương một bất ngờ khi cho ra mắt tập truyện "Về một tình yêu chia sẻ" với những câu chuyện tình yêu đôi lứa...
Đọc tập truyện "Về một tình yêu chia sẻ" của Hà Minh Đức ảnh 1Giáo sư-Nhà giáo Nhân dân Hà Minh Đức

Vào những ngày đầu năm 2021, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hà Minh Đức-một trong những tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam đã đem đến cho các độc giả yêu văn chương một bất ngờ khi cho ra mắt tập truyện "Về một tình yêu chia sẻ" với những câu chuyện tình yêu đôi lứa...

"Về một tình yêu chia sẻ" gồm 33 truyện ngắn, rất ngắn, như lời bộc bạch của vị Giáo sư 86 tuổi: "Có biết bao nhiêu câu chuyện trong đời thường sinh dộng, hấp dẫn và trở thành cổ tích với mai sau và cả ngay trong cuộc đời hiện tại. Là một thầy giáo điệu kiện giao tiếp hữu hạn nhưng cái thấy cái nghe lại thêm qua bạn bè và thế hệ trẻ càng thấy xúc động, nao lòng. Tôi muốn ghi lại như một kỷ niệm, biến cái  gián tiếp thành trực tiếp, lãng mạn mơ hồ thành hiện thực, biến cái tôi thành cái ta nhưng cái cốt vẫn là tự sự thực. Như người mộng du vào rừng xa không tránh khỏi lạc lối..."

Dưới đây, báo Điện tử VietnamPlus trân trọng giới thiệu với độc giả bài viết của nhà văn Ma Văn Kháng về tập truyện ngắn "Về một tình yêu chia sẻ."

Tài  năng, đóng góp lớn lao của Giáo Sư Hà Mạnh Đức với nền văn học nước nhà thế nào khỏi phải nói. Trước tác phẩm của anh độ sộ thế nào hiển nhiên là đã có nhiều công trình nghiên cứu đánh giá quy mô rồi!

Ngoài Lý luận phê bình là lĩnh vực sở trường mang thành tựu lớn, anh còn là nhà thơ và ở địa hạt văn xuôi anh đã để lại nhiều dấu ấn cảm tình của bạn độc ở thể tài bút ký. Một tài năng như thế tưởng cũng đã là hoàn mỹ, hiếm hoi, vậy mà gần đây anh lại hé lộ một sức sáng tạo về một thể loại nữa, đó là truyện ngắn.

Anh bảo, anh viết truyện ngắn đã lâu, nhưng gần đây mới cho in. Thoạt tiên anh gửi cho tôi 4 truyện đã đăng trên các báo và tạp chí. Trong dó có một truyện in ngày 1/1/2020 ở báo Văn nghệ nhan đề Một chuyện bất ngờ. Còn 8 truyện in ở tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam nơi anh Nguyễn Ngọc Thiện là Tổng biên tập.

Tiếp đó ít hôm, anh gửi cho tôi một xấp bản thảo đánh vi tính có tới 9 truyện! Những 9 truyện cơ à? Thấy tôi hỏi vậy, anh cười bảo: Không dài đâu. Tôi đếm trang, ước lượng mỗi truyện của anh nếu in sách chỉ độ 8,9 trang, có truyện còn ít hơn. Nhiều truyện của Nam Cao, Thạch Lam về hình thức cũng chỉ dài từng ấy. Đọc liền một mạch hết veo. Đang nghĩ trong đầu, chưa kịp gọi điện cho anh để phát biểu dăm ba ý nghĩ nhẫu sự về số truyện ngắn vừa đọc, thì đùng cái tuần lễ sau, bưu điện phát chuyển nhanh đem đến cho một tập bản thảo dài 141 trang vi tính khổ A4 và nếu gộp cả những truyện trước anh đã cho đọc thì có tới hơn ba chục cái rồi!

Anh Hà Minh Đức có quan niệm riêng về truyện ngắn. Anh bảo, anh có gửi một số truyện cho tờ Văn Nghệ, nhưng các bạn bên ấy chỉ in một cái, tức cái truyện vừa kể trên, truyện in chỉ vừa trọn một trang, không hơn. Và giải thích rằng, trước nay Văn Nghệ chỉ quen in truyện có độ dài hơn thế.

Truyện ngắn của anh Hà Minh Đức thường rất ngắn, gói gọn câu chuyện trong một tình huống, Nguyễn Thành Long gọi là truyện ngắn của khoảnh khắc, tiếng Pháp gọi là moment. Khác với loại truyện ngắn ngày nay cách dẫn chuyện thường kết hợp với tả, bình và đằng sau nó, bên trong nó có khi là cả một đời người, kiểu truyện ngắn có bóng hình tiểu thuyết, dài tới 6000, 7000 chữ, in phải 2,3 trang báo Văn Nghệ, đọc hết cũng phải mất hơn nửa giờ.

Đọc tập truyện "Về một tình yêu chia sẻ" của Hà Minh Đức ảnh 2Tập truyện ngắn "Về một tình yêu chia sẻ" - Nhà xuất bản Hội Nhà văn

Thích nhất trong số truyện ngắn trong tập này là những truyện anh Hà Minh Đức viết về tình yêu, hay dính dáng đến quan hệ nam nữ. Nhiều lắm, có đến gần một nửa số truyện trong tập. Anh có cả một kho chuyện về đề tài này.

Truyện ngắn của anh thường có kết cấu kiểu tuyến tính, nội dung giản dị, không phức tạp, dễ đọc. Một cô bác sĩ đi hành nghề, gặp lúc mưa góp, ở lại trong taxi, kết quả thành vợ chồng với anh tài xế. Một anh trai làng đêm hôm đột nhập vào nhà giàu nọ, hóa ra chỉ là kẻ “ăn trộm tình yêu.” Một ông mắc chứng mộng du, ban ngày hành động bởi sự sai khiến của giấc mộng hàng đêm. Một người có số đào hoa mắc phải tình  huống khó xử. Một tình yêu thầm kín của thầy giáo với cô nữ sinh…

Thế đấy, một nội dung không chút cầu kỳ mà đọc lại thấy thú vị, phải chăng là nó được kể lại bằng một ngôn ngữ giản dị, một giọng điệu tự nhiên, không chút tô điểm, không hề lên gân cốt nâng lên thành quan điểm, đạo đức hay lý sự này nọ.

Chẳng hạn, truyện Anh lái xe ôm chọn nghề. Anh này hằng ngày chở một chị khách quen, lâu ngày đôi  bên phát sinh tình cảm, rồi tiến tới quan hệ ngoài luồng, chuyện đọc xog cứ tưởng sẽ rắc rối to mà hóa ra nhẹ tênh; vì bà vợ anh có chứng cứ gì mà ghen. Lại nữa, anh đang khao khát có con trai, nếu vợ chồng anh không cố dược, thì anh đành bắt chước chim tu hú đẻ trứng vào tổ bìm bịp để nó ấp nộ, nuôi hộ, lớn lên thì đón con về nhà và như thế hẳn là vợ anh cũng OK, xá tội cho anh thôi. Hà!

Truyện Như sao đổi ngôi có nội dung tóm tắt như sau. Anh A có người yêu đi nước ngoài học. Có anh B là bạn thân đang học ở bên đó, anh A liền nhờ bạn săn sóc người yêu hộ. Không ngờ là gửi trứng cho ác. Không có ý trả thù, ăn miếng trả miếng đâu, nhưng ở nước nhà, anh A đến thăm người yêu của anh B. Và kết cục là anh lại yêu người yêu cũ của anh B.

Cuộc sống là thường tình, sự đời thường tình nó là như thế!. Là lạ mà quen quen. Trải đời rồi thì đâu nó nổi đóa, khó chịu. Truyện Phúc lộc này cho ai cũng là chuyện tình cũ không rủ cũng đến thôi. Cũng thế, mẹ con đầm ấm trong một máu nhà thế là vui rồi là cái nhìn hiểu đời, bao dung chia sẻ nhân ái và thoáng chút hóm nghịch, tinh quái của nhà văn trong câu chuyện kể lại các tình huống oái oăm nhưng hợp lý hợp tình mà một người mẹ chưa đến ba mươi mà có đến ba đứa con với ba người đàn ông ở truyện Người mẹ trẻ với các con “chủng loại.”

Truyện đa phần là kiểu đơn tuyến, sử dụng đơn thuần một thủ pháp là kể, lại viết bằng một giọng văn điềm đạm, bình bình tưởng đọc sẽ dễ nản, mà hóa ra cũng vẫn giữ được người đọc. Đó là vì gì? Thầy Đàm là người kể chuyện hay. Nhiều khi châu chuyện không có gì đặc biệt nhưng qua miệng thầy kể cái miệng thầy kể cái miệng duyên dáng, tiếng nói ấm áp thỉnh thoảng lại điểm nụ cười sao mà hấp dẫn.

Tôi đọc mà cứ ngỡ rầng mấy câu giới thiệu nhân vật Đàm trong truyện Người kể chuyện hay và hay kể chuyện là ám chỉ vào chính tác giả của nó. Giữ được người đọc ngoài cái hóm hỉnh trong lựa chọn tình huống, cái tình cái trải đời của người viết còn là cái duyên văn chương cố hữu của anh. Cái duyên vô hình vô ảnh, nó lặn vào, nó hóa thân trong câu chữ, trong giọng kể … của anh. Muốn biết cái duyên của anh thế nào chỉ cần đọc truyện Người muốn đi khắp thế gian. Chẳng có gì lạ lẫm cả, toàn bộ từng chi tiết của câu chuyện, biết tỏng cả rồi mà sao vẫn không rời mắt được trang sách.

Bỏ qua một số truyện còn ở dạng thấy gì ghi nấy, nhớ gì ghi nấy như kiểu Nguyễn Công Hoan, có thể kể tên một số truyện ngắn tôi thích trong tập sách này: Một chuyện bất ngờ. Người chạy xe ôm chọn nghề. Một tình yêu chia sẻ. Cơn mưa chiều. Phúc lộc này của ai? Chuyện cổ tích của đời thường… Tôi ướm hỏi anh: Một tình yêu chia sẻ là chuyện thế nào, ở đâu, của ai mà đọc xong lòng dạ lại thấy bâng khuâng thế hả anh?

Đọc tập truyện "Về một tình yêu chia sẻ" của Hà Minh Đức ảnh 3Những tác phẩm của Giáo sư-Nhà giáo Nhân dân Hà Minh Đức

Anh Hà Minh Đức cười tủm rồi bảo: Đa số câu chuyện trong các truyện ngắn đã in là truyện đã trải của riêng mình, là kỷ niệm của riêng mình. Chẳng hạn như truyện Một chuyến bất ngờ… Hèn nào, tôi thường bắt gặp ở trong truyện của anh cái cảm giác trẻ trung hồn nhiên, chân tình là lạ của một thời so với bây giờ đã rất xa, rất xa… Anh Hà Minh Đức ơi, lý luận phê bình của anh thế nào thì tôi không dám nói, thơ của anh cũng vậy, chứ truyện ngắn, văn trong truyện ngắn mà tôi được đọc thì thật sự là của anh, của anh rồi!

Giáo sư-Nhà giáo Nhân dân Hà Minh Đức, sinh năm 1935, ông tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) năm 1957.
Từ năm 1957 đến nay ông công tác giảng dạy tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, lần lượt đảm nhiệm các chức vụ Trưởng bộ môn lý luận văn học; Phó chủ nhiệm Khoa Ngữ văn; Chủ nhiệm Khoa Báo chí.
Từ 1995 đến tháng 2 năm 2003 ông kiêm nhiệm công tác tại Viện Văn học, là Viện trưởng Viện Văn học kiêm Tổng biên tập Tạp chí Văn học. Ông còn giữ các chức vụ như thành viên Ủy ban Giáo dục toàn quốc (từ 1998); Ủy viên Hội đồng lý luận - phê bình văn học nghệ thuật Trung ương (từ tháng 9 năm 2003); Hội viên Hội nhà văn Việt Nam; Hội viên Hội nhà báo Việt Nam.

Giải thưởng, danh hiệu
Giải thưởng nhà nước về văn học - nghệ thuật
Huân chương lao động hạng nhất
Giáo sư (1991)
Nhà giáo nhân dân (2000)
Giải thưởng nhà nước về nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn.
Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học xã hội năm 2012.

Tác phẩm chính đã xuất bản

Những công trình in riêng:
Nam Cao nhà văn hiện thực xuất sắc (1961)
Nhà văn và tác phẩm (1971)
Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại (1974)
Thực tiễn cách mạng và sáng tạo thi ca (1976)
Chủ tịch Hồ CHí Minh-Nhà thơ lớn của dân tộc (1979)
Nam Cao - đời văn và tác phẩm (1986)
Thời gian và trang sách (1987)
Khảo luận văn chương (1987)
Nguyễn Bính thi nhân của đồng quê (1996)
Đi tìm chân lý nghệ thuật (1998)
C. Mác, Ph. Anghen, V.L. Lênin và một số vấn đề lý luận văn học (nghiên cứu, 1982)
Văn thơ Hồ Chí Minh (nghiên cứu, 2000)
Hồ Chí Minh - nhà báo (2000)
Văn chương - tài năng và phong cách (2001)
Một nền văn hoá văn nghệ đậm đà bản sắc dân tộc với nhiều loại hình nghệ thuật phong phú (2005)
Tự lực văn đoàn - Trào lưu và tác giả (2007)
Một thế hệ vàng trong thơ Việt Nam hiện đại (2013)
Tác phẩm Hồ Chí Minh - Cẩm nang của Cách mạng Việt Nam (2014)

Những công trình in chung (chủ biên)
Lý luận văn học (1992)
Những vấn đề lý luận và lịch sử văn học (1999)
Báo chí - những vấn đề lý luận và thực tiễn (1997)
Nhìn lại văn học Việt Nam thế kỷ XX (2002)
Bản sắc hiện đại trong các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng (2003)

Ngoài những công trình nghiên cứu, ông còn là tác giả của một số tập thơ và hồi ký, bút ký:
Vị giáo sư và ẩn sĩ đường (bút ký, 1996)
Đi hết một mùa thu (thơ, 1999)
Ba lần đến nước Mỹ (bút ký, 2000)
Tản mạn đầu ô (bút ký, 2000)
Ở giữa ngày đông (thơ, 2001)
Những giọt nghĩ trong đêm (thơ, 2002)
Khoảng trời gió cát bay (thơ, 2003)
Đi một ngày đàng (bút ký, 2004)
Ngoài trời còn mưa (bút ký, 2007)
Người của một thời (2010)
Nước Nga thu vàng và miên man tuyết trắng (2013)
Tài năng và danh phận (bút ký, 2014)
Paris - Hai mùa thu gặp lại (2015)
Ký ức – Những sắc màu thời gian (2015)
Ngàn dặm xa trên xứ người (du ký, 2016)
Hà Nội – Gặp gỡ với nụ cười (2016)
Lạc lối giữa mùa Xuân (thơ, 2016)
Cõi học và người thầy (2017)
Hà Minh Đức - Tác phẩm và dư luận" (2019)
Vẻ đẹp của một xứ sở hào hoa (2019)
Xứ Thanh - Người và cảnh một thời (2019)
Vào mùa trăng (thơ, 2019)
Đi tìm cái đẹp trong nghệ thuật (hồi ký, 2020)
Về một tình yêu chia sẻ (tập truyện ngắn, 2020)

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục