Đợi được cấp phép, mỏ vàng Pác Lạng đã bị “rỗng”

Mỏ vàng Pác Lạng thuộc khu vực Ma Nu của tỉnh Bắc Kạn, với khoảng 550 hầm, đang bị khai thác trái phép và trong tình trạng lộn xộn.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Kạn,  mỏ vàng Pác Lạng thuộc khu vực Ma Nu có khoảng 550 hầm đã và đang bị khai thác trái phép.
 
Tổng chiều dài của các đường hầm này lên đến gần 700km, nghĩa là bằng chiều dài tuyến Quốc lộ 1A từ Hà Nội đến Huế. Nhưng đây chưa phải là con số chính xác, theo một nhân viên quản lý của Công ty Khoáng sản Bắc Kạn, đơn vị được giao quản lý mỏ vàng Pác Lạng tại Ma Nu thì tổng số hầm trong khu vực này là gần 1.000 hầm với tổng chiều dài trên 1.000km. Tất nhiên, những hầm này được khai thác từ nhiều năm trước, đặc biệt là những năm 80-90 của thế kỷ trước.
 
Theo ông Trần Nguyên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Kạn, việc chậm cấp phép khai thác mỏ vàng Pác Lạng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khai thác vàng trái phép tại mỏ vàng Pác Lạng.

Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng nếu mỏ vàng Pác Lạng, thuộc khu vực Ma Nu với trên 24ha thuộc địa phận hai xã Đức Vân và Thượng Quan, huyện Ngân Sơn được cấp phép cho một chủ thể xác định thì sẽ không có tình trạng lộn xộn trong khai thác như hiện nay và cũng không phải chịu tốn kém trong việc thuê cả một công ty dịch vụ bảo vệ với gần 100 người và hệ lụy của nó là môi trường, là lòng tin của người dân với các cấp chính quyền sở tại.
 
Cũng theo ông Nguyên, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã gửi hồ sơ đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm cấp phép khai thác mỏ vàng Pác Lạng từ đầu năm 2012, sau khi Công ty Archipelagi Resource Plc (ARP) và Công ty Khoáng sản Bắc Kạn có biên bản bàn giao mỏ vàng này.
 
Mỏ vàng Pác Lạng được Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn giao cho Ủy ban Nhân dân huyện Ngân Sơn quản lý trong thời gian chờ đợi Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép. Ủy ban Nhân dân huyện Ngân Sơn đã ký hợp đồng bảo vệ mỏ vàng Pác Lạng với hai đối tác là Công ty Khoáng sản Bắc Kạn và Công ty trách nhiệm hữu hạn dịch vụ bảo vệ Thiên Thành (Công ty Thiên Thành).
 
Theo đó, từ 1/3/2012, Công ty Thiên Thành bảo vệ với cam kết không để xảy ra tình trạng khai thác vàng trái phép tại đây. Công ty Khoáng sản Bắc Kạn đóng góp kinh phí để Ủy ban Nhân dân huyện Ngân Sơn thuê công ty bảo vệ. Cam kết là vậy, nhưng tình trạng khai thác vàng vẫn diễn ra tại mỏ vàng Pác Lạng khá ngang nhiên, hàng chục lán trại mọc lên rải rác khắp các nơi, cạnh các điểm hầm. Máy móc, thiết bị dùng để nghiền, tuyển vàng la liệt ngay cạnh các điểm hầm; các bể hóa chất nồng nặc mùi…
 
Theo báo cáo của Phòng Tài nguyên và Môi trường Ngân Sơn, cho đến nay có khoảng 30 tổ đội được ký hợp đồng với Công ty Khoáng sản Bắc Kạn theo hình thức góp vốn cổ đông có các lán trại được Công ty Thiên Thành khẳng định là đang trông coi, bảo vệ mỏ.
 
Tuy nhiên, theo ông Đinh Quang Hiếu, Bí thư Huyện ủy Ngân Sơn thì số người góp cổ phần là 41 chứ không phải 30 như báo cáo. Còn một phụ nữ, một trong những “bưởng” vàng ở Ngân Sơn thì nói rằng số đội tham gia “bảo vệ” tại Pác Lạng là 50.

Tất cả các đội này đều nằm sát một cửa hầm (có đánh số và không đánh số), mà theo biên bản kiểm tra của Phòng Tài nguyên và Môi trường Ngân Sơn thì các đội này “bảo vệ” cửa hầm đó. Nhưng khi đoàn kiểm tra đến, các cửa hầm lò mới được che chắn tạm bợ; máy móc nghiền, tuyển vẫn còn nóng do mới dừng hoạt động; các bể hóa chất nằm ngay sát luôn; những người được gọi là “bảo vệ” không mặc trang phục theo quy định… Xa xa đâu đó tiếng máy nghiền vẫn vang lên… Tất cả cho thấy việc khai thác vàng trái phép tại đây đã diễn ra liên tục trong một thời gian dài.
 
Theo ông Hoàng Ngọc Ngự, Trường phòng Tài nguyên và Môi trường Ngân Sơn, ngoài những “cổ đông” góp vốn, trong khu vực này còn có 31 hộ dân, tất cả các hộ dân này đều có máy nghiền, tuyển quặng. Trên thực tế những hộ dân này cũng đang làm “vàng tặc”.
 
Mỏ vàng Pác Lạng là một trong những mỏ vàng gốc có trữ lượng lớn, việc tổ chức bảo vệ cần được thực hiện nghiêm túc và bởi đây là một khu vực rộng lớn nên cần sớm có quyết định cấp mỏ cho một đơn vị cụ thể, giúp quản lý tốt hơn nguồn tài nguyên quý này, cũng dễ hơn trong việc quản lý chất thải rắn, hóa chất độc hại… thải ra môi trường khi thực hiện nghiền tuyển vàng. Với mức độ khai thác “thổ phỉ” như hiện nay, không biết đến khi được cấp phép khai thác, mỏ vàng Pác Lạng có còn là mỏ vàng nữa không, hay chỉ còn lại những hầm rỗng xuyên núi./.

Phương Hòa (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục