Đổi mới giáo dục: Xác định xong thế “kiềng 3 chân”

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết, ngành giáo dục đã xác định thế kiềng 3 chân trong đối mới giáo dục năm 2014.

Năm 2013 là một dấu mốc quan trọng với ngành giáo dục khi Hội nghị lần thứ tám, Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XI ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Nghị quyết này đang được ngành giáo dục triển khai tích cực.

Trong cuộc trao đổi với báo chí trong dịp đầu năm mới 2014, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết, ngành giáo dục đã xác định thế kiềng 3 chân trong đối mới giáo dục: đổi mới tư duy nhận thức là khâu khởi đầu, đổi mới quản lý là giải pháp then chốt và đổi mới thi cử là khâu đột phá.

- Thưa Bộ trưởng, năm 2013 đã đi qua. Là "tư lệnh ngành giáo dục," theo ông, dấu ấn của ngành năm nay là gì?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Điều tâm đắc nhất đối với tôi trong năm 2013 là Ban chấp hành TƯ Đảng đã thảo luận, ban hành Nghị quyết số 29 NQ/TW ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đề án này kết tinh trí tuệ và tình cảm của toàn Đảng và cả xã hội, trong đó có sự đóng góp của các thầy cô giáo, các nhà khoa học và quản lý giáo dục.

- Thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng có cảm thấy đây là trách nhiệm hết sức nặng nề không?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Tôi luôn ý thức rõ trách nhiệm nặng nề của mình. Từ lúc đảm nhiệm công việc của Bộ trưởng, chúng tôi phải khẩn trương xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục–đào tạo giai đoạn 2011-2020.

Khi Thủ tướng phê duyệt Chiến lược, chúng tôi lại ngay lập tức bắt tay xây dựng Luật Giáo dục đại học. Rồi việc Quốc hội giám sát chất lượng giáo dục đại học cũng là một khoảng thời gian vất vả, căng thẳng nhưng rất bổ ích. Sau đó là xây dựng Đề án Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.

Khi Trung ương thông Đề án, rồi PISA (chương trình đánh giá học sinh quốc tế do Hiệp hội các nước phát triển - OECD - tổ chức) đạt kết quả tốt thì chúng tôi mừng một chút, còn bây giờ lại tiếp tục lo triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 8. Tôi vất vả một thì anh em trong ngành, nhất là các đồng nghiệp của tôi đang công tác ở biên giới, hải đảo, vùng sâu vùng xa còn vất vả gấp ba, bốn lần.

Nhiều lúc tôi động viên anh em: Với lịch sử, chúng ta là những người đến đúng lúc. Những người đến sớm hơn có muốn làm cũng không được làm, còn các đồng chí đến sau một nhịp, muốn tham gia cũng không được làm. Chỉ có chúng ta mới có vinh dự lớn lao này, nên cần cố gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ.

Đổi mới giáo dục: Xác định xong thế “kiềng 3 chân” ảnh 1Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Công tác thi, tuyển sinh năm 2013. (Ảnh: TTXVN)
- Vậy thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo  sẽ bắt đầu từ đâu, thưa Bộ trưởng?Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Để thực hiện thành công đổi mới giáo dục lần này, chúng tôi cho rằng đổi mới tư duy, đổi mới nhận thức là khâu khởi đầu và theo tôi, có ý nghĩa rất quan trọng, thậm chí là yếu tố quyết định thành công của công cuộc đổi mới. Bởi vì, nếu không có nhận thức mới, không có tư duy phù hợp thì không thể có chương trình, kế hoạch chuẩn xác để triển khai được. Chúng tôi xác định đổi mới quản lý là giải pháp then chốt. Bởi vì đổi mới giáo dục và đào tạo không phải là việc của riêng Bộ Giáo dục-Đào tạo hay Bộ trưởng, mà là của gần 2 triệu thầy cô giáo, của 20 triệu học sinh, sinh viên. Mà cũng không phải chỉ có 22 triệu thầy cô giáo, học sinh, sinh viên ngành giáo dục triển khai đổi mới. Trên thực tế, tất cả các ngành, các cấp, cả xã hội sẽ cùng với chúng tôi thực hiện công cuộc đổi mới giáo dục dưới sự lãnh đạo của Đảng. Như vậy, đòi hỏi sự chỉ đạo, phối hợp rất ăn khớp và đồng bộ. Trong nội bộ ngành giáo dục, chúng tôi xác định đổi mới thi cử là khâu có ý nghĩa đột phá vì các lý do sau: Thứ nhất, nền giáo dục của chúng ta hiện nay đang nặng về ứng thí, đổi mới thi cử sẽ dẫn ngay đến đổi mới trong nội dung, phương pháp học và dạy. Đổi mới thi cử không là mục tiêu cuối cùng, nhưng nếu làm tốt sẽ làm lay chuyển các khâu xung yếu khác, dẫn đến sự thay đổi trong cả hệ thống và sẽ tạo ra những thay đổi về chất. Thứ hai, thi cử đang là một khâu gây nhiều bức xúc, được cả xã hội quan tâm. Thứ ba, nếu chuẩn bị chu đáo thì chúng ta có thể thực hiện được ngay đổi mới thi cử, đảm bảo được yếu tố chắc thắng mà không cần phải đầu tư nhiều kinh phí, cơ sở vật chất... - Trong Đề án lần này, tiền lương giáo viên lại được đặt ra và có định hướng là lương của giáo viên sẽ cao nhất trong thang bảng lương. Xin Bộ trưởng cho biết, làm thế nào để việc này không bị trì trệ và vai trò của Bộ Giao dục-Đào tạo như thế nào?Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Vấn đề lương giáo viên được đặt ra từ Nghị quyết Trung ương 2 khoá VIII năm 1996 nhưng chưa làm được vì nhiều lý do, cả khách quan và chủ quan. Tôi không có điều kiện hiểu hết giai đoạn trước, nhưng tôi biết giải quyết bài toán tiền lương liên quan đến nhiều nhân tố và điều kiện thuộc các lĩnh vực khác nhau và phải giải quyết từng bước theo nhịp điệu tăng trưởng  và phát triển của nền kinh tế quốc dân. Nghị quyết 29 NQ/TW nêu lại vấn đề này với quyết tâm và giải pháp triển khai mới để sớm đưa chủ trương đúng đắn này vào thực hiện. Ngoài vấn đề lương, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm tới các chế độ đối với giáo viên như phụ cấp nghề nghiệp, thâm niên, phụ cấp thu hút cho thầy cô giáo miền xuôi lên miền núi giảng dạy, chế độ, điều kiện làm việc cho các giáo sư, phó giáo sư… Vừa rồi, tiếp tục có thêm chính sách cho các thầy cô giáo lên miền núi công tác lâu dài tiếp tục được hưởng phụ cấp thu hút sau 5 năm đầu (theo chế độ trước đây.) Khi Thủ tướng ký quyết định này, tôi mừng đến mất ngủ. Năm nay chúng tôi cũng vừa tổ chức tôn vinh các nhà giáo tiêu biểu, đặc biệt là những thầy cô giáo trực tiếp đứng lớp ở khu vực vùng sâu, vùng xa, động viên các thầy cô nâng cao lòng tự hào, ý thức trách nhiệm đối với nghề nghiệp. - Năm 2014 đã đến, xin Bộ trưởng cho biết ba nhiệm vụ trọng tâm của mình trong năm mới?Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Trong thời gian qua, chúng tôi đã thực nghiệm nhiều việc để có cơ sở vững chắc đề xuất với Trung ương. Ví dụ, chuyển đổi phương pháp dạy và học từ truyền thụ kiến thức một chiều sang phương pháp hình thành năng lực, kỹ năng và phẩm chất người học; chuyển từ cách truyền đạt chủ yếu là đọc chép sang lấy người học làm trung tâm. Việc thực nghiệm không chỉ diễn ra ở một tỉnh, thành phố hoặc ở những địa phương có điều kiện thuận lợi, mà đã triển khai cả ở các tỉnh rất khó khăn như Lào Cai, Kon Tum, Bắc Kạn, Cà Mau, Kiên Giang... Các mẫu triển khai đã khắc phục được hiện tượng dạy thêm, học thêm tràn lan và tình trạng quá tải; bước đầu đã thay đổi được phương pháp dạy và học, nâng cao được tính chủ động và sáng tạo của học sinh. Những việc này sẽ được tiếp tục trong năm 2014. Trong năm 2014, ba việc ưu tiên lớn nhất của tôi là: thứ nhất, phải thiết kế cho xong chương trình, trên cơ sở đó biên soạn sách giáo khoa phổ thông; thứ hai, thay đổi đào tạo của các trường sư phạm và thứ ba, tìm mọi cách nâng cao chất lượng của giáo dục đại học, theo hướng tăng cường kỹ năng mềm, kỹ năng sáng tạo cho học sinh, sinh viên. Xin cảm ơn Bộ trưởng!./.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục