Đổi mới phương thức thu hút nguồn vốn FDI để nâng cao hiệu quả

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho rằng việc định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng FDI là hết sức cấp thiết.
Đổi mới phương thức thu hút nguồn vốn FDI để nâng cao hiệu quả ảnh 1Dây chuyền hàn khung xe ôtô tại Công ty ôtô Toyota Việt Nam, vốn đầu tư của Nhật Bản tại Vĩnh Phúc. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Với 3 năm liên tiếp thiết lập kỷ lục mới về số vốn giải ngân FDI (với tổng số vốn hơn 50 tỷ USD), Việt Nam tiếp tục khẳng định là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho rằng trong bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước đang có nhiều biến động, áp lực cạnh tranh thu hút FDI ngày càng gia tăng, việc định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng FDI là hết sức cấp thiết.

Tiếp tục lập kỷ lục mới về giải ngân FDI

Theo Tổng cục Thống kê, giải ngân vốn FDI tiếp tục đạt mức tăng trưởng ấn tượng 9,1% để thiết lập kỷ lục mới với số vốn giải ngân 19,1 tỷ USD (năm 2017, đạt 17,5 tỷ USD; năm 2016 đạt 15,8 tỷ USD).

Cùng với đó, về vốn đăng ký, tính đến ngày 20/12/2018, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 35,46 tỷ USD, bằng 98,8% so với cùng kỳ năm 2017

Trong năm 2018, có 112 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Nhật Bản hai năm liền giữ vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư là 8,59 tỷ USD, chiếm 24,2% tổng vốn đầu tư. Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký 7,2 tỷ USD, chiếm 20,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Singapore đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký là 5 tỷ USD, chiếm 14,2% tổng vốn đầu tư...

Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đạt 16,58 tỷ USD, chiếm 46,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 6,6 tỷ USD, chiếm 18,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ ba là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3,67 tỷ USD, chiếm 10,3% tổng vốn đầu tư đăng ký...

Xét về quy mô dự án, nếu như năm 2017, sự chú ý dồn về 3 dự án BOT nhiệt điện thì năm 2018, các dự án lớn thuộc về lĩnh vực bất động sản và công nghiệp chế tạo.

Là địa phương vươn lên dẫn đầu cả nước về thu hút FDI trong năm 2018, ông Trần Ngọc Nam, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, cho biết từ đầu năm đến nay, toàn thành phố thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt khoảng 7,5 tỷ USD, tăng 2,18 lần so với năm 2017, đứng đầu cả nước và cao nhất kể từ 30 năm thực hiện chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài. Lũy kế đến nay, Hà Nội thu hút trên 36,55 tỷ USD vốn FDI, trong đó, bất động sản là lĩnh vực thú hút FDI nhiều nhất, chiếm 34,8%.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư khẳng định Hà Nội tiếp sẽ tục khẳng định là điểm đến hấp dẫn, là thị trường sôi động đối với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp. Hà Nội luôn xác định cộng đồng doanh nghiệp nói chung, cộng đồng doanh nghiệp FDI nói riêng là động lực quan trọng cho sự phát triển của Thủ đô.

[Infographics] Cả nước có trên 27.350 dự án FDI còn hiệu lực

Với những kết quả đạt được trong thu hút FDI, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng khẳng định đầu tư nước ngoài là nguồn vốn quan trọng trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội và là động lực tăng trưởng kinh tế trong thời gian qua.

Tỷ trọng vốn đầu tư FDI trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng từ 15% năm 2005 lên 23,7% năm 2017. Tốc độ tăng trưởng của khu vực FDI đạt 12,6% năm 2017, cao nhất trong các thành phần kinh tế. Nếu trong giai đoạn 1986-1996, khu vực FDI chỉ đóng góp 15% thì đến giai đoạn 2010-2017 đã đóng góp 27,7%.

Năm 2018, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành ước tính đạt 1.856 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm trước, bằng 33,5% GDP; trong đó, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 434,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 23,4% tổng vốn và tăng 9,6% so với cùng kỳ.

"Từ năm 2010 trở lại đây, tăng trưởng xuất khẩu của khu vực vốn FDI cao gấp 2-3 lần so với khu vực trong nước, kim ngạch xuất khẩu gấp khoảng 1,5-2 lần. Tỷ trọng của khu vực FDI trong tổng kim ngạch xuất khẩu đã tăng từ 17% năm 1995 lên hơn 72% năm 2018. Xuất siêu của khu vực này đã góp phần cân bằng cán cân thương mại, giảm áp lực tỷ giá, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế," ông Thắng nói.

Thứ trưởng Thắng nhấn mạnh vốn FDI đầu tư vào Việt Nam đã tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thông qua hợp tác đầu tư, quan hệ ngoại giao kinh tế, hợp tác song phương và đa phương của Việt Nam với các đối tác ngày càng phát triển từ đó, góp phần đáng kể trong nâng cao thế và lực của đất nước.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Thắng cũng khẳng định khu vực FDI thời gian qua còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập như: liên kết và hiệu ứng lan tỏa năng suất đến khu vực trong nước còn thấp. Nhiều dự án FDI tập trung vào công đoạn gia công, lắp ráp, tỷ lệ nội địa hóa trong một số ngành công nghiệp ở mức dưới trung bình.

Ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê xây dựng và vốn đầu tư, Tổng cục Thống kê cho biết, chuyển giao công nghệ thông qua khu vực FDI chưa đạt kết quả như kỳ vọng, số dự án FDI ở các ngành sử dụng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn chưa nhiều. Một số doanh nghiệp FDI chưa tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật bảo vệ môi trường; một số doanh nghiệp còn có hành vi chuyển giá, thiếu trung thực trong báo cáo tài chính…

Thu hút theo chiều sâu

Những hạn chế, bất cập trong thu hút vốn FDI thời gian qua, cộng với những biến động của bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đang đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam trong việc thu hút dòng vốn này giai đoạn tới.

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết Việt Nam đang trên đà cải cách mạnh mẽ và hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, việc cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng đã đạt được những kết quả bước đầu. Khu vực kinh tế tư nhân trong nước ngày càng phát triển, hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân lớn. Đây là những yếu tố quan trọng tạo tiền đề tăng cường thu hút và nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn FDI trong giai đoạn tới.

Về lâu dài, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết Việt Nam tập trung thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vốn, công nghệ cao, quản trị hiện đại, mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu góp phần nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng công nghiệp 4.0.

"Để nền kinh tế có thể hòa nhập, không bị bỏ lại phía sau trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Chính phủ cần đổi mới phương thức thu hút đầu tư nước ngoài, tập trung thu hút các nhà đầu tư hàng đầu thế giới, đang nắm giữ công nghệ nguồn có năng lực quản trị hiện đại, năng lực cạnh tranh cao đầu tư vào Việt Nam, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa, ngăn ngừa việc chuyển dịch các dòng vốn gây ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu vào Việt Nam," Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết.

Giáo sư-tiến sỹ khoa họcNguyễn Mại cũng cho rằng chất lượng vốn mới là quan trọng nhất và một trong những yếu tố thể hiện chất lượng vốn chính là tác động lan tỏa đến nền kinh tế. Bên cạnh đó, Chính phủ và các cơ quan quản lý cần có chính sách kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI bằng các ưu đãi thích hợp; đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực quản trị, công nghệ, nguồn nhân lực; khuyến khích việc nhân rộng các mô hình thành công của các doanh nghiệp FDI như Samsung...

Đối với địa phương tiếp nhận nguồn vốn FDI, ông Trần Ngọc Nam, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, trong thời gian tới, Hà Nội định hướng thu hút đầu tư nước ngoài theo chiều sâu gắn với mục tiêu phát triển bền vững, ưu tiên những dự án chất lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao.

Mục tiêu tổng quát của năm 2019 là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; phát triển doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng; đồng thời, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin và mở rộng thị trường.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp FDI cần có chiến lược hợp tác, kết nối với doanh nghiệp Việt Nam, chủ động giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực, đáp ứng đúng nhu cầu của mình và tìm ra mô hình hợp tác thích ứng với từng sản phẩm.

"Việt Nam sẽ chú trọng thu hút đầu tư có chọn lọc, công nghệ cao, giá trị lan toả, nghiêm cấm các dự án tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường," Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng nhấn mạnh.

Hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện đề án định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài đến năm 2030 để trình Chính phủ; trong đó, dự thảo Đề án tập trung vào việc điều chỉnh các chính sách thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài hiệu quả, phù hợp với cam kết quốc tế.

Một trong những giải pháp cũng được Thứ trưởng Thắng nhấn mạnh là nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy quyền làm chủ của các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân trong việc thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục