Đối thoại chiến lược Việt Nam-WEF: Tăng cường quan hệ đối tác công tư

Đây là lần đầu Đối thoại chiến lược quốc gia giữa Việt Nam-WEF được tổ chức; có ý nghĩa quan trọng bối cảnh các nước, trong đó có Việt Nam, bắt đầu chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn với dịch...
Đối thoại chiến lược Việt Nam-WEF: Tăng cường quan hệ đối tác công tư ảnh 1Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Đối thoại chiến lược quốc gia giữa Việt Nam và WEF tại điểm cầu Hà Nội. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tối 29/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch điều hành và sáng lập Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab đồng chủ trì Đối thoại chiến lược quốc gia giữa Việt Nam và WEF bằng hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác công tư: Động lực then chốt của phục hồi toàn diện và phát triển bền vững, bao trùm, đổi mới sáng tạo.”

Đây là lần đầu tiên Đối thoại chiến lược quốc gia giữa Việt Nam và WEF được tổ chức. Đối thoại có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh các nước, trong đó có Việt Nam, bắt đầu chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn với dịch bệnh, đẩy mạnh khôi phục và phát triển kinh tế trong giai đoạn “bình thường mới.”

Chia sẻ về ý nghĩa của Đối thoại lần này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết đây là sự kiện hết sức quan trọng, quy tụ sự tham dự của gần 70 tập đoàn toàn cầu, trong đó có những tập đoàn đã đầu tư lớn cho Việt Nam cũng như đang quan tâm và dự định sẽ đầu tư vào Việt Nam; đặc biệt là trong các lĩnh vực rất phù hợp với ưu tiên phát triển của Việt Nam như công nghệ, y tế, các giải pháp thông minh, năng lượng tái tạo…

[Thủ tướng sẽ đồng chủ trì Đối thoại chiến lược Việt Nam và WEF]

Theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ, Đối thoại có 3 ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Thứ nhất là sau giai đoạn dịch bệnh diễn ra hết sức phức tạp, kinh tế thế giới hiện nay đang có xu hướng phục hồi ở nhiều khu vực khi dịch bệnh dần được kiểm soát.

Với Nghị quyết 128 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19,” Việt Nam đang bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế, sản xuất trong điều kiện kiểm soát dịch bệnh. Chính vì vậy, sự kiện này rất quan trọng để Chính phủ có thể chia sẻ những kế hoạch phục hồi nền kinh tế; từ đó thúc đẩy sự hợp tác giữa Chính phủ, các địa phương với các tập đoàn hàng đầu đồng hành trong việc khôi phục sản xuất kinh doanh, đặc biệt là ở các khu công nghiệp, khu kinh tế hiện nay và trong thời gian tới.

Thứ hai, Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định rõ mục tiêu phát triển đất nước. Do đó, đây là dịp rất quan trọng để Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ với cộng đồng kinh doanh toàn cầu về khát vọng, kế hoạch, mục tiêu phát triển của đất nước. Đặc biệt, Thủ tướng sẽ đưa ra những thông điệp; chính sách đối với cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu để thể hiện quyết tâm và cam kết của đất nước, Chính phủ Việt Nam thúc đẩy phục hồi sản xuất kinh doanh trong điều kiện bình thường mới cũng như kế hoạch dài hạn về cải cách, chuyển đổi nền kinh tế của Việt Nam.

Đối thoại chiến lược Việt Nam-WEF: Tăng cường quan hệ đối tác công tư ảnh 2Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ cũng lắng nghe những khó khăn, những kế hoạch phát triển, mở rộng đầu tư kinh doanh của các tập đoàn hàng đầu tại Việt Nam, từ đó có thể giải đáp thắc mắc của các doanh nghiệp.

Thứ ba, đây là hoạt động quan trọng, nằm trong chuỗi các hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội Việt Nam với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài; lắng nghe, chia sẻ những khó khăn của họ, từ đó thúc đẩy đầu tư nước ngoài chất lượng cao vào Việt Nam, tận dụng xu thế chuyển dịch đầu tư, chuyển dịch chuỗi cung ứng trong thời gian vừa qua.

Có thể nói, trước khi diễn ra sự kiện này, Diễn đàn kinh tế thế giới đã tham khảo và xin ý kiến rất kỹ các tập đoàn hàng đầu trước khi họ quyết định đồng chủ trì hội nghị với Việt Nam. Điều này thể hiện sự quan tâm rất lớn của đông đảo cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam.

Họ đã xác định đối thoại là một trong những sự kiện lớn nhất của Diễn đàn kinh tế thế giới trong năm nay. Sự kiện hội tụ đủ các nhân tố để kỳ vọng là một sự kiện rất thiết thực, đúng thời điểm và sẽ tạo ra nhiều kết quả tích cực,” Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh.

Chia sẻ về quan hệ hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới thời gian qua cũng như những định hướng hợp tác thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ cho biết quan hệ hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam với Diễn đàn Kinh tế thế giới đã có từ năm 1989. Giữa hai bên đã có nhiều hoạt động hợp tác chung. Việt Nam là một trong những quốc gia tham dự thường xuyên các hoạt động thường niên của Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos.

Hai bên cũng có kế hoạch hợp tác dài hạn và gần đây bắt đầu triển khai tổ chức các sự kiện chung, nổi bật là việc tổ chức Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 được đánh giá hết sức thành công.

Diễn đàn Kinh tế thế giới không chỉ luôn đề cao Việt Nam với tư cách là nền kinh tế năng động mà còn luôn luôn thể hiện cam kết đổi mới và cải cách. Định hướng hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới thể hiện trên ba hướng xuyên suốt.

Đối thoại chiến lược Việt Nam-WEF: Tăng cường quan hệ đối tác công tư ảnh 3(Nguồn: Bloomberg)

Trước hết, Diễn đàn Kinh tế thế giới là đối tác quan trọng hỗ trợ Việt Nam trong việc tranh thủ các nguồn lực bên ngoài, đặc biệt là nguồn lực từ cộng đồng kinh doanh, đầu tư cho việc triển khai mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam cũng như tận dụng các nguồn lực đó để triển khai các mục tiêu dài hạn, tạo ra những động lực mới cho tăng trưởng của Việt Nam.

Thứ hai, Diễn đàn Kinh tế thế giới có thể giúp Việt Nam tiếp cận các nhà đầu tư, các nhà kinh doanh hàng đầu thế giới để tham gia đầu tư vào nền kinh tế Việt Nam.

Thứ ba, Chính phủ Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới có chương trình hợp tác thường xuyên về tư vấn và trao đổi chính sách.

Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ cho rằng Việt Nam rất cần những tư vấn chính sách của Diễn đàn Kinh tế thế giới để có thể cập nhật những ý tưởng, tư duy mới trong điều hành phát triển kinh tế-xã hội, trong các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Cùng đó, Việt Nam có thể tiếp cận những tư duy mới nhất của cộng đồng doanh nghiệp và đầu tư toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục