Đội trưởng tuyển Bóng đá nữ Việt Nam Huỳnh Như: Lan tỏa nhiệt huyết tuổi trẻ

Lan tỏa nhiệt huyết tuổi trẻ, Huỳnh Như kêu gọi mọi người, nhất là phái nữ, hãy yêu và đam mê những gì bạn thấy hạnh phúc, đừng nản lòng, thành công không dành cho những người thiếu quyết tâm.

Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng và cầu thủ Huỳnh Như tại buổi tọa đàm. (Ảnh: Ngọc Hiệp/TTXVN)
Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng và cầu thủ Huỳnh Như tại buổi tọa đàm. (Ảnh: Ngọc Hiệp/TTXVN)

Nhân Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, tại trụ sở Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ở Paris, Pháp, đã diễn ra buổi tọa đàm mang tên “Bóng đá: Ghi bàn thắng cho nữ giới” nhằm đánh giá về những thách thức toàn cầu và những cách tiếp cận đổi mới nhằm thúc đẩy bình đẳng giới thông qua bóng đá.

Tham dự buổi tọa đàm có cầu thủ Huỳnh Như, đội trưởng Đội tuyển Bóng đá nữ Việt Nam, cùng các diễn giả gồm Amanda Gutierrez Dominguez, Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ các nữ cầu thủ của Tây Ban Nha (FUTPRO); Bouchra Karboubi - Trọng tài bóng đá quốc tế; Maggie Murphy - Giám đốc điều hành Câu lạc bộ bóng đá Lewes (Anh); Janine Van Wyk - cầu thủ Đội tuyển Bóng đá nữ quốc gia của Nam Phi và Kadia Sow Mbaye - Huấn luyện viên thuộc Hiệp hội Thể thao nữ và bóng đá chuyên nghiệp Futebol Da Forca.

Theo bà Amanda Gutierrez Dominguez, sự hiện diện của nam giới và phụ nữ trong thể thao là không đồng đều.

Chỉ có khoảng 4% tổng số tin tức trên các phương tiện truyền thông đưa tin về các vận động viên nữ và các môn thể thao nữ, trong khi có tới 40% số người tham gia các môn thể thao trên thế giới là nữ.

Năm ngoái, có 16,6 triệu phụ nữ và trẻ em gái tham gia các giải bóng đá có tổ chức, đánh dấu mức tăng 24% so với năm 2019. Tổng số câu lạc bộ bóng đá nữ lên tới con số 55.622, phần lớn là ở châu Âu (59%).

Bất chấp sự tăng trưởng này, tỷ lệ nữ trong số các huấn luyện viên và trọng tài vẫn còn thấp với chỉ khoảng 5% huấn luyện viên và 9% trọng tài là nữ.

Sự bất bình đẳng về cơ cấu biểu hiện ở việc tiếp cận không bình đẳng các nguồn lực, cơ hội và sự công nhận đối với phụ nữ trong bóng đá, kéo dài một chu kỳ phân biệt đối xử về giới.

Hơn nữa, các chuẩn mực xã hội và định kiến văn hóa góp phần vào việc đánh giá thấp phụ nữ trong bóng đá, làm gia tăng sự chênh lệch giới tính ở mọi cấp độ của môn thể thao này.

Việc giải quyết những bất bình đẳng về cơ cấu này đòi hỏi những nỗ lực phối hợp nhằm đánh bật những định kiến đã ăn sâu, thúc đẩy tính toàn diện và thực hiện các chính sách nhạy cảm về giới nhằm đảm bảo đối xử công bằng và cơ hội cho tất cả những người tham gia, không phân biệt giới tính.

Chỉ bằng cách chủ động dỡ bỏ những rào cản cấu trúc này, bóng đá mới thể hiện một cách chân thực sự bình đẳng giới và trao quyền cả trong và ngoài sân cỏ.

Bình đẳng giới là ưu tiên hàng đầu của UNESCO, giải quyết các chuẩn mực xã hội và sự phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái thông qua nhiều kênh khác nhau bao gồm giáo dục, văn hóa, truyền thông, khoa học và thể thao.

Trong thông điệp của mình, bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3/2024, đã khẳng định bình đẳng giới là một ý tưởng đơn giản nhưng rất khó đạt được.

Ngày nay, không có quốc gia nào trên thế giới có thể tuyên bố bình đẳng giới. Với tốc độ hiện tại, sẽ phải mất gần 300 năm để tất cả các quốc gia có thể làm được điều đó.

Trong khi đó, theo dữ liệu của UNESCO, trí tuệ nhân tạo sẽ đòi hỏi nhiều việc làm từ phụ nữ hơn nam giới vào cuối thập kỷ này. Cuộc khủng hoảng khí hậu sẽ đẩy khoảng 160 triệu phụ nữ vào tình trạng nghèo đói vào năm 2050.

Để phá bỏ những rào cản mà phụ nữ phải đối mặt, UNESCO đã đặt bình đẳng giới thành ưu tiên toàn cầu cho hành động của mình.

Đầu tiên, để hiểu rõ hơn về tác động tiêu cực của phân biệt giới tính đối với nền kinh tế và xã hội, UNESCO đã phát triển Khung chống chịu dựa trên giới tính - trao quyền cho phụ nữ vì lợi ích của xã hội.

Trong lĩnh vực giáo dục, phụ nữ được trao quyền để có được những kỹ năng cần thiết qua đó có quyền tự chủ lớn hơn về kinh tế và xã hội.

Cuối cùng, UNESCO tập trung vào những điều kiện khó khăn mà các nhà báo nữ phải đối mặt. Theo nghiên cứu của tổ chức này, 73% trong số họ phải đối mặt với bạo lực trực tuyến.

Quyền cho phụ nữ vẫn là một trong những thách thức lớn nhất của nhân loại. UNESCO kêu gọi hành động ngay lập tức để mang lại sự thay đổi cho phụ nữ.

Tại buổi tọa đàm, Huỳnh Như đã chia sẻ về những kỷ niệm đẹp của mình đối với môn bóng đá. Cô cho biết, hồi nhỏ cô thường phải chơi bóng cùng các bạn nam trong những điều kiện hết sức khó khăn, thiếu thốn.

Cô cùng các bạn chơi bóng ở mọi nơi, ngoài cánh đồng sau khi thu hoạch xong mùa vụ, hoặc khoảng trống ở góc chợ nơi bố mẹ cô buôn bán, có khi là ở vườn dừa của một gia đình trong làng.

Thậm chí có lần, cô cùng các bạn phải dùng quả dừa khô thay cho trái bóng để thỏa mãn ước muốn hoàn thành trận đấu của mình.

Chia sẻ của cô đã nhận được những tràng pháo tay ủng hộ nhiệt tình đầy thán phục của khán giả về quyết tâm, nỗ lực và tình yêu mãnh liệt của một cô gái trẻ đối với bóng đá.

Huỳnh Như kể về một kỷ niệm rằng, năm 9 tuổi cô đã lần đầu tiên được mặc một bộ đồng phục bóng đá do bố mẹ dành dụm tiền mua cho, để tham gia một giải đấu chính thức, mà cô là nữ cầu thủ duy nhất của giải đấu. Cô đã trở thành cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất trong giải đấu đó.

Năm 16 tuổi, Huỳnh Như trở thành tuyển thủ chính thức của Câu lạc bộ bóng đá Thành phố Hồ Chí Minh.

Nói về vấn đề chênh lệch thu nhập giữa cầu thủ nam và cầu thủ nữ trong bóng đá, Huỳnh Như khẳng định rằng có một thực tế rõ ràng là nguồn thu nhập từ bóng đá giữa hai giới hiện tại rất chênh lệch.

Cô cho rằng để khắc phục điều này thì vai trò của truyền thông là rất quan trọng, vì nó có thể đưa bóng đá nữ tới người hâm mộ hiệu quả hơn và thu hút nguồn đầu tư nhiều hơn, đặc biệt là giúp thay đổi nhận thức của người hâm mộ đối với bóng đá nữ.

ttxvn_huynh nhu 1.jpg
Các diễn giả trao đổi các ý kiến về bình đẳng giới tại tọa đàm. (Ảnh: Ngọc Hiệp/TTXVN)

Lan tỏa nhiệt huyết tuổi trẻ, Huỳnh Như kêu gọi mọi người, nhất là phái nữ, hãy yêu và đam mê với những gì làm bạn thấy hạnh phúc.

Huỳnh Như nhấn mạnh bây giờ bạn có thể chưa thấy được thành công, nhưng đừng sợ và đừng vội nản lòng, thành công không dành cho những người thiếu quyết tâm.

Thể hiện sự ủng hộ của mình đối với hoạt động đầy ý nghĩa do UNESCO tổ chức nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong thể thao, Huỳnh Như nói rằng mình rất mong muốn được nhìn thấy nhiều hơn những cô gái chơi bóng với nụ cười trên môi, có thể dành toàn tâm toàn ý cho bóng đá.

Cô chia sẻ rằng các đồng nghiệp của mình, ngoài bóng đá còn phải đi làm thêm một công việc khác để đủ thu nhập trang trải cho cuộc sống. Huỳnh Như kêu gọi mọi người hãy yêu phụ nữ bằng cả trái tim, bởi chỉ có tình yêu mới mang lại hạnh phúc cho những phụ nữ.

Buổi tọa đàm do UNESSCO tổ chức đã thảo luận về sự bất bình đẳng về cơ cấu trong lĩnh vực thể thao cũng như sự phân biệt đối xử, kỳ thị và bạo lực trên cơ sở giới mà phụ nữ phải chịu đựng trong bóng đá.

Cuộc thảo luận đã giúp mọi người hiểu sâu hơn về những thách thức toàn cầu mà phụ nữ và trẻ em gái phải đối mặt trong bóng đá, đồng thời cung cấp những hiểu biết sâu sắc để định hướng chiến lược giải quyết những bất bình đẳng đang tồn tại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục