"Đòn bẩy" lành mạnh hóa thị trường thực phẩm chức năng

Một chuyên gia trong ngành y tế lên tiếng: “Thực phẩm chức năng là một dạng chung chiêng, không rõ ràng về chất lượng, gây tốn tiền và đang được thần thánh hoá quá mức…”
"Đòn bẩy" lành mạnh hóa thị trường thực phẩm chức năng ảnh 1Điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Được đánh giá là tiềm năng, thị trường thực phẩm chức năng Việt Nam đang là mảnh đất màu mỡ để “bùng nổ.”

Theo thống kê của Hiệp hội Thực phẩm chức năng, tính đến năm 2017, số người sử dụng thực phẩm chức năng tại Việt Nam đã tăng lên 21,5% dân số - tương đương có khoảng gần 20 triệu người sử dụng thực phẩm chức năng thường xuyên.

Trong thời đại của cuộc cách mạng lần thứ tư, bùng nổ mạng xã hội và mô hình bán hàng đa cấp, bất kỳ ai cũng thể là một là một nhà kinh doanh. Trong khi đó, chất lượng thực của những sản phẩm trên khi đến tay người tiêu dùng vẫn còn mập mờ, tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khoẻ.

Nhưng ít ai biết, để sản xuất ra một sản phẩm thuốc cần chục năm, thậm chí cả mấy chục năm. Đây là một quá trình dài cần nhiều yếu tố như thử nghiệm lâm sàng, kiểm nghiệm và cấp phép khắt khe, trong khi sản phẩm thực phẩm chức năng giao thoa giữa thực phẩm và thuốc, không phải thử nghiệm lâm sàng nên được sản xuất nhanh gọn, giá cả vừa phải, thu lời nhanh…

Một chuyên gia trong ngành y tế lên tiếng: “Thực phẩm chức năng là một dạng chung chiêng, không rõ ràng về chất lượng, gây tốn tiền và đang được thần thánh hoá quá mức…”

Trong 4 tháng đầu năm 2018, Chính phủ đã liên tiếp ban hành hai nghị định: Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn Thực phẩm và Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, trong đó đưa ra những điểm mới quy định nghiêm ngặt về quản lý sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng.

Bài 1: Nhập viện ngộ độc, loạn thần vì thực phẩm chức năng

Chưa bao giờ thị trường các mặt hàng thực phẩm chức năng tại Việt Nam lại bùng nổ như hiện nay.

Mỗi năm có hàng nghìn loại thực phẩm chức năng mới tung ra thị trường. Thực phẩm chức năng được bày bán ở mọi nơi, từ chợ, cửa hàng thuốc đến tràn lan trên mạng xã hội…

Và tại các bệnh viện số người đến khám, nhập viện điều trị về sử dụng những loại thực phẩm chức năng… ngày một tăng.


“Muôn màu” dị ứng thực phẩm chức năng

Thực tế cho thấy, tại các cơ sở y tế đã tiếp nhận nhiều kiểu bệnh nhân dị ứng vì thực phẩm chức năng: người chọn thực phẩm để làm đẹp, tăng cân, giảm cân, tăng sinh lý, điều trị bệnh hiểm nghèo...

Thậm chí nhiều người vào viện vẫn khăng khăng thực phẩm chức năng là vô hại, bổ sung chỉ có lợi cho sức khoẻ sao lại gây ngứa ngáy, phồng rộp, hại gan, thận...

Thạc sỹ Nguyễn Trung Nguyên – Phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, những trường hợp sử dụng sản phẩm thực phẩm chức năng có tên tuổi và sản phẩm trôi nổi sau đó phải nhập viện cũng không hề ít. Bệnh nhân dị ứng vì thực phẩm chức năng rất đa dạng. Đó là các sản phẩm như làm đẹp, tăng cân, giảm cân, tăng sinh lý...

"Đòn bẩy" lành mạnh hóa thị trường thực phẩm chức năng ảnh 2Thạc sỹ Nguyễn Trung Nguyên – Phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai). (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân bị ngộ độc, loạn thần nhập viện sau khi sử dụng thực phẩm chức năng, kể cả loại có nguồn gốc rõ ràng lẫn loại không rõ nguồn gốc.

Trong nhiều sản phẩm giảm cân, nhà sản xuất cho nhiều thành phần như caffeine, hạt chanh đắng làm tăng huyết áp hoặc cho một số chất, thành phần gây thèm ăn nhóm kháng histamine bệnh nhân bị ngộ độc lẫn lộn, loạn thần…

Tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) điều trị cho một nữ bệnh nhân tại Hà Nội do hậu quả của việc sử dụng thực phẩm chức năng.

Nữ bệnh nhân tên N.T.H (32 tuổi), ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng thần kinh bị kích thích, không ngủ được, có nhiều dấu hiệu của việc loạn thần. Bệnh nhân khi vào viện có mạch rất nhanh, kéo dài liên tục trong vài ngày.

Bác sỹ Nguyên cho hay bệnh nhân đã dùng loại thực phẩm chức năng để giảm cân. Khi bệnh nhân uống vào bị tăng huyết áp và có các dấu hiệu trên nên phải nhập viện. Bệnh nhân sau đó phải chữa và dùng thuốc dài ngày mới hết dần các triệu chứng.

Bác sỹ Nguyên phân tích, nhiều nhà sản xuất thực phẩm có tác dụng giảm cân họ hay cho chất caffeine vào, với lượng lớn hơn rất nhiều lượng càphê uống hàng ngày của một người bình thường.

“Họ cho với hàm lượng lớn như vậy để cho tinh thần của người uống hoạt động tích cực, trong khi đó người uống ít vận động, cứ ngồi im một chỗ khiến tim đập nhanh, huyết áp tăng lên. Đặc biệt, có nhiều sản phẩm giảm cân đánh vào triệu chứng thần kinh làm cho người uống không còn cảm giác thèm ăn, cảm giác no giả. Đây là những điều hết sức nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dùng,” bác sỹ Nguyên khuyến cáo.

"Đòn bẩy" lành mạnh hóa thị trường thực phẩm chức năng ảnh 3Lực lượng liên ngành thu giữ một số lượng lớn thực phẩm chức năng quá hạn sử dụng. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Dùng giấy tờ giả lưu hành

Theo quy định tại Luật An toàn thực phẩm, thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh, bao gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm dinh dưỡng y học.

Thời gian gần đây, nhiều vụ việc các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm chức năng vi phạm các quy định đã được phát hiện.

Vụ việc mới đây nhất, Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) phát hiện trên website://www.giamcanlishou.com đăng hình ảnh sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe giảm cân Đông y Hoàng Dung không có giấy xác nhận công bố phù hợp với quy định.

Cụ thể, trên website trên đăng hình ảnh sản phẩm giảm cân đông y Hoàng Dung có hình ảnh Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Tên tổ chức, cá nhân: Công ty cổ phần thương mại Evapharma; địa chỉ: Thái Hưng, Xã Mường Sang, Huyện Mộc Châu, Tỉnh Sơn La.

Cục An toàn thực phẩm đã rà soát hồ sơ và kết luận không cấp Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm cho sản phẩm giảm cân Đông y Hoàng Dung có các thông tin nêu trên. Giấy xác nhận công bố có các thông tin nêu trên là giấy tờ giả.

Điển hình như, trong 6 tháng đầu năm 2018, lực lượng Quản lý thị trường cả nước kiểm tra 79.284 vụ; phát hiện, xử lý 52.147 vụ vi phạm, với tổng số thu nộp ngân sách 282,4 tỷ đồng; Trong đó có 4.663 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm; 367 vụ vi phạm về mặt hàng phân bón; 2.342 vụ vận chuyển buôn bán thuốc lá lậu với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 8,9 tỷ đồng.

Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm, từ ngày 8/9 đến 2/11, đơn vị này đã ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 24 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm với tổng số tiền phạt hơn 920 triệu đồng.

Lũy kế từ 1/1/2018 đến 2/11, đơn vị này đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 99 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm với tổng số tiền phạt là hơn 5,5 tỷ đồng.

Một số vụ việc đáng lưu ý có thể kể đến như vụ công ty TNHH sản xuất DP công nghệ cao Nanofrance bị phạt 30 triệu đồng vì vi phạm quy định về nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa đối với lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Chiến Mã Khang (số 010118 NSX: 25/01/2018, HSD: 24/01/2021).

Đặc biệt, trong năm qua, người tiêu dùng không khỏi bất bình trước thông tin “thuốc chữa ung thư” Vinaca được sản xuất từ than tre tại một cơ sở tồi tàn, không được chứng nhận cấp phép tại Hải Phòng. Sản phẩm được bán công khai với quảng cáo như một loại thuốc để chữa ung thư.

"Đòn bẩy" lành mạnh hóa thị trường thực phẩm chức năng ảnh 4Các sản phẩm VINACA được lực lượng chức năng thu giữ. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Bất ngờ là sản phẩm trên lại được bày bán công khai tại 400 đại lý, cửa hàng trong toàn quốc và trên các trang mạng với giá hàng trăm nghìn đồng. Bên cạnh đó, sản phẩm trên được giới thiệu là “thần dược” với “công thức bí mật của tập đoàn uy tín thế giới”.

Qua kết quả kiểm tra, xác minh và xử lý của các Cơ quan chức năng thành phố Hải Phòng, Sở Y tế thành phố Hải Phòng đã có báo cáo và kết luận: Sản phẩm “Vinaca ung thư Co3.2” không phải là thuốc và cũng không phải là mỹ phẩm, mà là sản phẩm giả thực phẩm chức năng.

Đối với vụ việc Vinaca, Bộ Y tế đã có thông báo khẳng định: Sản phẩm “Vinaca ung thư Co3.2” không được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép lưu hành và cũng không được cấp giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm đối với thực phẩm chức năng.

Thị trường thực phẩm chức năng hiện nay dễ “bẫy” người tiêu dùng do tràn lan hàng giả, hàng kém chất lượng.

Có nhiều nguyên nhân như do ý thức, do lợi nhuận kinh tế nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng giả hàng nhái dẫn đến tình trạng hàng giả tràn lan, tình trạng “loạn” quảng cáo thực phẩm chức năng khiến làm mất lòng tin của người tiêu dùng. Bên cạnh đó khâu quản lý như cấp phép, kiểm tra sản phẩm trên thị trường cũng như việc hậu kiểm vẫn còn rất nhiều điều phải bàn.


Bài 2: Sự phát triển “thần tốc” của thị trường thực phẩm chức năng

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục