Động đất kích thích đang làm khó nhà khoa học VN?

Hiện các nhà khoa học trong nước chưa được đào tạo kỹ về động đất kích thích, do đó nên cần mời chuyên gia nước ngoài cùng nghiên cứu.
Giáo sư, tiến sĩ Vũ Trọng Hồng (Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam) cho biết, động đất kích thích ở khu vực Sông Tranh 2 cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng. Tuy nhiên, do chưa có nền tảng nên vấn đề này là khó với các nhà khoa học Việt Nam.

Thông tin trên được ông Hồng chia sẻ với phóng viên Vietnam+ tại buổi nghiệm thu đề án tư vấn, phản biện “Đánh giá tình hình động đất khu vực công trình thủy điện Sông Tranh 2 và đề xuất biện pháp giảm nhẹ thiệt hại” ngày 3/10.

Trước việc khu vực nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 liên tục xảy ra động đất [được xác định là động đất kích thích-pv], ông Hồng nói từ trước đến nay chưa có đập thủy điện nào trong một tháng lại xảy ra mấy trận động đất, trong đó có những ngày xảy ra liên tiếp nhiều trận.

Trong khi đó, nếu không tích nước thì không thể vận hành phát điện mà tích nước thì có thể sẽ lại xảy ra động đất.

Ông Hồng cũng nói, loại động đất kích thích này ở Việt Nam chưa có đánh giá sâu. Bởi thế, việc Chính phủ chưa đồng ý cho Tập đoàn Điện lực tiếp tục tích nước trở lại hồ chứa của công trình thủy điện này là đúng đắn.

Theo ông, hiện Việt Nam có tiêu chuẩn cho động đất nhưng chưa có tiêu chuẩn cho động đất kích thích. Bởi thế, cần lập tổ công tác gồm những nhà khoa học có chuyên môn ở các ngành, các lĩnh vực để nghiên cứu cụ thể, từ đó đưa ra tiêu chuẩn động đất kích thích đối với an toàn của đập thủy điện.

Khi được hỏi liệu trình độ của các nhà khoa học trong nước có đủ trình độ nghiên cứu về động đất kích thích hay không, ông Hồng thẳng thắn cho rằng: “Hiện chưa có nhà khoa học nào trong nước được đào tạo kỹ vấn đề này. Do đó, cần phải mời các chuyên gia nước ngoài cùng tham gia đánh giá.“

Phó giáo sư, tiến sĩ Cao Đình Triều, Phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Khoa học kỹ thuật Địa vật lý Việt Nam cũng khẳng định cần phải tiến hành nghiên cứu động đất kích thích hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2.

Bởi thế, ông Triều kiến nghị cần phải thiết lập một mạng trạm địa chấn cố định xung quanh khu vực hồ chứa. Mạng trạm này tối thiểu là 3-5 trạm hoặc lớn hơn và phải được bố trí để theo dõi đầy đủ các trận động đất có cấp độ mạnh từ 1,0 trở lên.

“Việc hợp tác quốc tế trong nghiên cứu động đất kích thích tại thủy điện Sông Tranh 2 là cần thiết,” vị chuyên gia về động đất nhấn mạnh.

Thậm chí, ông Triều còn “tiến cử” Giáo sư Hash Gupta, người đã có nhiều kinh nghiệm, nổi tiếng về động đất trên thế giới.

Giáo sư Vũ Trọng Hồng cho rằng, nếu nghiên cứu được vấn đề động đất kích thích tác động với thủy điện và đập thì chúng ta sẽ có câu trả lời cho phương án tích mức nước bao nhiêu là đảm bảo an toàn, hợp lý./.

Kỳ Dương (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục