Đóng góp của những ‘bóng hồng' trên chặng đường phát triển bền vững

Làm chủ doanh nghiệp là con đường vốn dĩ đòi hỏi sự đam mê cùng bản lĩnh kiên cường và đối với các 'nữ tướng,' điều này cũng không phải là ngoại lệ.
One4One thúc đẩy hành vi mua hàng không bao bì bằng kênh bán hàng 100 điểm tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Vietnam+)
One4One thúc đẩy hành vi mua hàng không bao bì bằng kênh bán hàng 100 điểm tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Vietnam+)

“Tôi đã hỏi ‘anh Google’ rất nhiều về bản chất thật sự của tiền tệ. Nó giống như con dao có thể dùng để tạo ra nhiều tác phẩm nhưng cũng có thể gây sát thương, tiền là một công cụ song không phải cứ có nhiều là tốt. Vì vậy, điều chúng tôi hướng đến là năng lực sống và sự tự chủ,” bạn Nguyễn Thị Thái Bình, chia sẻ về lý do khởi sự Doanh nghiệp xã hội One4One (Thành phố Hồ Chí Minh) của mình.

Mỗi doanh nhân đều có những lý do riêng khi quyết định bước vào thương trường. Họ đều biết rằng làm chủ doanh nghiệp là con đường vốn dĩ đòi hỏi sự đam mê, bản lĩnh kiên cường và đối với các “nữ tướng,” điều này cũng không phải là ngoại lệ.

Muốn nhìn thế giới tốt đẹp hơn

Thái Bình cho biết khởi đầu của một doanh nghiệp xã hội là mong muốn nhìn thấy một thế giới tốt đẹp hơn.

“Ước mơ của tôi là góp phần tạo nên một đời sống yêu thương và chan hòa. Những người yếu thế, thiệt thòi trong xã hội cần trang bị đủ năng lực để trang trải cho cuộc sống. Đây là động lực thôi thúc chúng tôi xây dựng những dự án về sinh kế bền vững,” Bình nói.

[Tạo lợi thế cạnh tranh bền vững cho chuỗi nông sản, thực phẩm Việt]

Bắt đầu từ số “1,” đó là cây dừa và các sản phẩm từ dừa. Không chờ đợi điều kiện tài chính, Bình thành lập doanh nghiệp chỉ với một xưởng sản xuất nhỏ nên những ngày đầu cô đã phải vất vả, loay hoay với nguồn nguyên liệu cung cấp từ vài hộ nông dân.

Sau vài năm, One4One đã mở rộng thêm hơn chục hộ dân và doanh nghiệp đã có những bước tiến, lựa chọn cơ hội phù hợp với danh mục sản phẩm gia tăng, như xà bông dừa, nước màu dừa và đồ thủ công mỹ nghệ từ dừa…

Song - “bươn trải không tránh khỏi vấp ngã,” khi xưởng được xây dựng khang trang hơn, năng suất và sản lượng được nâng cấp thì áp lực mới đã xuất hiện. Những khoản vay và tham vọng lớn mạnh buộc “nữ tướng” của One4One phải nỗ lực mở rộng thị trường.

Cạnh tranh và thị phần luôn là chủ đề xuất hiện trong các cuộc họp của ban lãnh đạo công ty. Hơn thế nữa, mâu thuẫn phát sinh với nhà cung cấp và nông dân khi doanh nghiệp siết chặt quy trình tối ưu hóa chi phí.

Bình nhớ lại khi đó luôn tự hỏi chính mình: “Phải chăng mơ ước ban đầu về một cuộc sống thịnh vượng trong sự hòa hợp là điều phi lý? Sự tăng trưởng giống như một ngọn lửa - khi cháy to có thể thiêu rụi hết mọi tài nguyên, nhiên liệu và cả sự hồn nhiên của nhóm khởi sự?”

Thêm một lần nữa, One4One quyết định quay trở về với các sản phẩm then chốt, định vị giá trị ban đầu đồng thời tập trung hướng vào phân khúc khách hàng đã lựa chọn. Chính nhờ “bước lùi” đó, các vùng nguyên liệu và sản phẩm của công ty đã có những bước phát triển vững chãi hơn.

Đóng góp của những ‘bóng hồng' trên chặng đường phát triển bền vững ảnh 1Các sản phẩm làm từ cây dừa của One4One. (Ảnh: Vietnam+)

“Sau hành trình dài hơn 7 năm, từ đôi mắt nhìn đâu cũng thấy chuyện - thấy việc, một lòng xông pha đi giải quyết. Giờ, chúng tôi đã có những trải nghiệm quý giá và các sản phẩm được xuất xưởng cũng vẹn tròn hơn,” Bình vui mừng nói.

Bà chủ của One4One chia sẻ về kế hoạch sắp tới sẽ thúc đẩy hành vi mua hàng không bao bì thông qua kênh bán hàng trên 100 điểm (tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh), với mục tiêu nhằm giảm lượng bao bì thải ra môi trường (cụ thể là 10.000 túi hoặc can nhựa mỗi năm). Tham vọng của Thái Bình là trên cơ sở kết nối với khách hàng, không chỉ dừng lại ở người mua và người bán, mà cùng chung tay thực hiện hành động tiêu dùng tích cực với lối sống bền vững, không lãng phí, biết ơn những nguồn tài nguyên.

Ước mơ về "Làng nông nghiệp di sản"

Đinh Thị Huyền, cô gái dân tộc Mường lại có một lý do khởi nghiệp khác. Cô nhận thấy nông thôn Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, biến đổi khí hậu khiến thiên tai, lũ lụt xảy ra thường xuyên. Bên cạnh đó, tài nguyên đất và nước bị suy thoái nghiêm trọng do canh tác nông nghiệp lạm dụng hoá chất. Nông dân tìm cách di cư ra các đô thị để kiếm việc làm… Những điều này đang khiến kết cấu cộng đồng làng, xã đang dần thay đổi và có nguy cơ tan rã.

Với suy nghĩ đó, Huyền quyết định thành lập Công ty Đầu tư và Phát triển Tây Bắc - Agritage Việt Nam (Hòa Bình) với tầm nhìn xây dựng và nhân rộng hệ sinh thái nông nghiệp di sản Việt Nam.

Thông qua Agritage Việt Nam - “Làng nông nghiệp di sản” được triển khai với mô hình phát triển các cộng đồng kết nối thành hệ sinh thái từ sản xuất, cung ứng sản phẩm nông nghiệp đến triển khai hoạt động du lịch.

Đóng góp của những ‘bóng hồng' trên chặng đường phát triển bền vững ảnh 2Agritage Việt Nam đóng vai trò là đầu mối mua thóc và các loại hạt cho 350 hộ dân là người dân tộc Thái, Mường với gần 80ha đất canh tác. (Ảnh: Vietnam+)

“Làng nông nghiệp di sản" đảm bảo tiêu chí da dạng sinh học, duy trì canh tác thuận tự nhiên (như sử dụng phân bón vi sinh tự chế, trồng các loài cây, cỏ theo hướng cộng sinh, diệt trừ sâu bệnh theo nguyên lý thiên địch…).

Agritade và cộng đồng đã khôi phục, ứng dụng các kinh nghiệm, tri thức nông nghiệp của đồng bào các dân tộc vào hoạt động sản xuất (như khôi phục các coong nước, mương dẫn nước của đồng bào người Thái, Mường); thành lập các hợp tác xã cộng đồng hoạt động dựa trên sự điều hành, tự quyết của dân làng; kết hợp với ứng dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất và quản lý, thông qua việc xây dựng Làng nông nghiệp di sản.

Từ đó, sinh kế của cư dân được đảm bảo đồng thời hệ thống sinh thái địa phương (từ rừng già, suối cá, hang động) cũng được bảo tồn nguyên trạng.

“Mô hình nông nghiệp di sản là thành tựu nhỏ bé nhưng có ý nghĩa với cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số ở Hòa Bình, Vân Hồ và khu vực lận cận. Hiện nay, Agritage Việt Nam đóng vai trò là đầu mối mua thóc và các loại hạt cho 350 hộ dân là người dân tộc Thái, Mường với gần 80ha đất canh tác. Hiện trung bình mỗi hộ có thể thu nhập từ 60 đến 70 triệu đồng/ha canh tác lúa và hạt mỗi vụ,” Huyền chia sẻ.

Cũng giống như Huyền, sinh ra ở miền Trung - Hồ Thị Phương Anh đến với “nghiệp” doanh nhân với lý do: “cây tràm có công chăm sóc sức khỏe người dân nơi mảnh đất cỗi cằn, đầy nắng gió và bão lũ. Theo đó, Công ty Sản xuất, Thương Mại & Dịch vụ Viên Minh (Hà Tĩnh) ra đời với mong muốn tiếp nối, bảo tồn và phát triển di sản thảo dược đáng quý này.”

Gần một thập kỷ phát triển, Viên Minh đã có vùng nguyên liệu với tổng diện tích lên hơn 100 ha. Ngoài ra, công ty có Quỹ BiMela dự kiến trồng 1 tỷ cây tràm cho địa phương nhằm bảo vệ đất, chống xói mòn, bão cát đồng thời tạo cơ hội gia tăng thu nhập cho bà con nông dân địa phương.

Trong thời gian dịch bệnh COVID-19 hoành hành, Viên Minh cũng như nhiều doanh nghiệp khác phải hoạt động cầm chừng, doanh số giảm khoảng hơn 30% do sự thay đổi của chuỗi cung ứng (như chi phí vận chuyển, nguyên phụ liệu tạo nên sản phẩm, nhân sự thiếu hụt và nhu cầu tiêu dùng…).

Đóng góp của những ‘bóng hồng' trên chặng đường phát triển bền vững ảnh 3Tập huấn về kỹ thuật thu hái tràm organic tại Công ty Viên Minh. (Ảnh: Vietnam+)

Phương Anh cho biết đến nay, Viên Minh đang khôi phục lại kinh doanh và sự hỗ trợ nỗ lực của cộng đồng, những con người hướng đến giá trị bền vững, tích cực đã giúp củng cố niềm tin và hướng đi của doanh nghiệp.

Cùng với sự phát triển bền vững của đất nước và cộng đồng doanh nhân, những “bông hồng vàng” - nữ doanh nhân đang hàng ngày, hàng giờ bền bỉ, kiên trì đóng góp xây dựng cộng đồng, xã hội xanh, bền vững, giàu tình nhân ái./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục