Đồng hành cùng giai cấp nông dân xây dựng nền nông nghiệp thịnh vượng

Là tổ chức chính trị xã hội của giai cấp nông dân, Hội Nông dân Việt Nam luôn đồng hành, vận động, tập hợp, thu hút đông đảo các tầng lớp nông dân cả nước cùng đoàn kết, thống nhất...
Ông Thào Xuân Sùng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Ông Thào Xuân Sùng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Trải qua 90 năm xây dựng và phát triển, Hội Nông dân Việt Nam không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của đất nước.

Là tổ chức chính trị xã hội của giai cấp nông dân, Hội Nông dân Việt Nam luôn đồng hành, vận động, tập hợp, thu hút đông đảo các tầng lớp nông dân cả nước cùng đoàn kết, thống nhất, tạo nên lực lượng quần chúng hùng hậu, xây dựng một nền nông nghiệp ngày càng thịnh vượng, xứng đáng là trụ đỡ của nền kinh tế quốc gia...

Khẳng định vị trí chiến lược của nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới với kim ngạch xuất khẩu nông lâm, thủy sản năm 2020 ước đạt 41 tỷ USD và có hàng chục ngành hàng có doanh số xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm.

Có thể thấy, công cuộc xây dựng nông thôn mới trong 10 năm qua đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Hằng năm, có hơn 3,5 triệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, hàng trăm nghìn người làm nông nghiệp có thu nhập hàng tỷ đồng.

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Chính phủ đã cùng Hội Nông dân Việt Nam tổ chức đối thoại với nông dân ở 3 miền và tập trung chỉ đạo để phát triển kinh tế nông thôn, quan tâm nâng cao đời sống nông dân. Những năm gần đây, xuất hiện hàng ngàn giải pháp, sáng kiến ứng dụng trong sản xuất và đời sống để tiết kiệm chi phí, giải phóng sức lao động, nâng cao hiệu quả lao động.

Theo Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi trở thành tâm điểm trong đời sống kinh tế, xã hội ở nông thôn. Nhiều mô hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại tổng hợp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bình quân, mỗi năm có hơn 6,5 triệu hộ đăng ký, trong đó có trên 3,6 triệu hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Nhiều mô hình sản xuất với quy mô lớn cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động; tạo việc làm tại chỗ cho hơn 11 triệu lao động, trong đó có trên 3,5 triệu lao động có việc làm thường xuyên, hơn 7 triệu lao động có việc làm theo mùa vụ, giúp hơn 300.000 hộ nông dân thoát nghèo.

[Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Nông dân có vị trí, vai trò vô cùng to lớn]

Hàng năm, các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã giúp trên 220.000 hộ nghèo về vật tư nông nghiệp, ngày công lao động, tiêu thụ sản phẩm... trị giá trên 15.000 tỷ đồng, giúp hơn 100 ngàn hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên làm ăn khá giả, giàu có; đóng góp xây dựng hàng chục nghìn căn nhà tình thương, tình nghĩa và giúp trên 1 triệu hộ nghèo có thêm nguồn lực để phát triển sản xuất...

Thực tế cho thấy, thắng lợi của công cuộc cơ cấu lại nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới thực sự là một cuộc cách mạng về tư duy của những người nông dân vốn quen với nếp sản xuất truyền thống, nhỏ lẻ và manh mún của kinh tế hộ gia đình nông dân sang hợp tác liên kết "sáu nhà" (Nhà nông, Nhà doanh nghiệp, Nhà khoa học, Nhà nước, Nhà ngân hàng, Nhà phân phối).

Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp hoạt động theo phương thức "năm tự" (tự giác, tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm) và "năm cùng" (cùng ngành nghề - lĩnh vực sản xuất kinh doanh, cùng mối quan tâm, cùng có sự chia sẻ, cùng chịu trách nhiệm, cùng hưởng thụ), tạo nên sự tự tin đối với hội viên. Hằng năm, hơn 3,6 triệu hộ hội viên nông dân đăng ký với hơn 3,5 triệu hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.

"Sự thành công đó là tiền đề để những người nông dân sử dụng cơ hội, tiềm năng lớn là có dân số gần 100 triệu người đang khát vọng đưa đất nước ta phát triển phồn vinh, có tư duy tự lực tự cường và sáng tạo, cần cù và chịu khó, yêu nước và đoàn kết," ông Thào Xuân Sùng nhấn mạnh.

Phát huy vai trò của Hội Nông dân Việt Nam

Làm việc với Hội Nông dân Việt Nam thời gian gần đây, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng, vai trò của Hội Nông dân Việt Nam là rất quan trọng để phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững.

Các cấp Hội cần kết nối và hướng dẫn nông dân tổ chức lại sản xuất theo hướng chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn; từ quy mô hộ nhỏ lẻ sang liên kết hợp tác với doanh nghiệp trong chuỗi giá trị để chuyển từ sản xuất truyền thống, kinh nghiệm sang công nghệ cao; từ coi trọng năng suất, sản lượng sang bảo đảm chất lượng, giá trị gia tăng cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Đồng hành cùng giai cấp nông dân xây dựng nền nông nghiệp thịnh vượng ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian hàng trưng bày tại lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

"Muốn sản xuất hàng hóa lớn, đảm bảo chất lượng nông sản và mở rộng thị trường xuất khẩu chúng ta phải liên kết được nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp. Nhất định phải có hợp tác xã, trên hợp tác xã phải có doanh nghiệp đó là mô hình chúng ta hướng tới. Để làm tốt điều này Trung ương Hội Nông dân cần phối hợp chặt chẽ với Liên minh hợp tác xã, hợp sức với nhau, cùng nhau làm và bổ sung cho nhau để làm tốt điều này," ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

Trong những lần đối thoại với nông dân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định giai cấp nông dân, nền kinh tế nông nghiệp và khu vực nông thôn luôn là trụ đỡ của nền kinh tế, là chỗ dựa trung thành, vững chắc của Đảng, của nhân dân mỗi khi đất nước gặp khó khăn, gian khổ.

Công tác hội và phong trào nông dân sản xuất giỏi đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hội đã thực hiện tốt vai trò là trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới. Đảng và Nhà nước xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là cơ sở, lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc phòng...

Để đạt được những kết quả nêu trên, theo Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng, những năm qua, các cấp Hội đã có những đổi mới táo bạo, mang tính đột phá mà việc thay đổi nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động theo hướng vì nông dân và dựa theo hướng nói đi đôi với làm là quan trọng nhất. Theo ông Sùng, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước phải được chuyển hóa thành các chương trình, dự án cụ thể, làm ra tiền ra của, ra cây, ra con và người nông dân từng bước được tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần.

Một điểm nhấn đáng chú ý nữa là Hội Nông dân Việt Nam đã đổi mới công tác kết nạp hội viên, nông dân; mở rộng đối tượng đến sinh viên, thanh niên các trường cao đẳng, đại học là con em nông dân và mở rộng đến các nhà khoa học; tăng cường tập huấn cho hội viên, nông dân trước khi kết nạp vào Hội. Như vậy, các tầng lớp dân cư ở nông thôn sẽ có nguồn nhân lực lao động chất lượng cao.

Tại Đại hội Nông dân lần thứ XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, mỗi cán bộ, hội viên, nông dân cần hiểu rõ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới là sự nghiệp của toàn dân, trong đó hội viên, nông dân đóng vai trò chủ thể, vừa là lực lượng thực hiện vừa là người được thụ hưởng thành quả, từ đó huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực của giai cấp nông dân, các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài, làm cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta có bước phát triển nhanh, bền vững hơn nữa; phấn đấu thực hiện mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục