Đồng loạt khởi công Dự án Cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng

Dự án đầu tư tuyến Cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng có chiều dài 188,2km, quy mô hoàn thiện là 6 làn xe, quy mô phân kỳ đầu tư 4 làn xe, tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng.
Đồng loạt khởi công Dự án Cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng ảnh 1Các đại biểu nhấn nút khởi công Dự án Cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng (giai đoạn 1), dự án thành phần 4 đoạn qua Sóc Trăng. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)

Sáng 17/6, Sóc Trăng, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang cùng đồng loạt tiến hành khởi công Dự án Cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng.

Tại điểm cầu An Giang, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát lệnh đồng loạt khởi công 4 dự án thành phần thuộc Dự án đường bộ Cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng giai đoạn 1.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tham dự buổi lễ khởi công tại thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng.

Tại điểm cầu Sóc Trăng, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước; tập trung ưu tiên bố trí mọi nguồn lực nhằm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

[Thủ tướng phát lệnh khởi công Dự án Cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng]

Bộ Giao thông Vận tải đã rà soát, đánh giá và căn cứ các điều kiện đặc thù, lợi thế của các phương thức vận tải của từng vùng, miền; trong đó có vùng Đồng bằng sông Cửu Long để triển khai lập đồng thời 5 quy hoạch chuyên ngành quốc gia và đến nay đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đây là điều kiện thuận lợi để triển khai xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; bảo đảm kết nối hiệu quả giữa các phương thức nhằm tái cơ cấu thị phần vận tải, nâng cao chất lượng vận tải và giảm chi phí logistics.

Hệ thống đường bộ cao tốc, khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đã hoạch định đến năm 2050 có 1.188km/9.014km của cả nước, được phân bổ đồng đều trên toàn vùng với 3 trục dọc và 3 trục ngang. Đến năm 2030 có khoảng 760km và sau năm 2030 tiếp tục đầu tư thêm khoảng 420km.

Đến thời điểm hiện nay, khu vực này đã hoàn thành đưa vào khai thác 90km, đang triển khai thi công và đến năm 2025 cơ bản hoàn thành thêm 458km.

Như vậy, đến năm 2025 vùng Đồng bằng Sông Cửu Long có khoảng 548km đường bộ cao tốc; trong đó, hoàn thành trục dọc cao tốc Bắc-Nam phía Đông từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Cà Mau, một số đoạn trục dọc cao tốc Bắc-Nam phía Tây và cơ bản hoàn thành trục ngang Cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng khởi công ngày hôm nay.

Tại lễ khởi công ở điểm cầu Hậu Giang, ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang, nhấn mạnh tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng giai đoạn 1 là sự kiện đặc biệt quan trọng của các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Hậu Giang nói riêng. Trong số đó, Dự án thành phần 3 mở ra bước ngoặc lớn trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của Hậu Giang, tạo động lực lớn cho địa phương phát triển kết cấu hạ tầng theo đúng định hướng Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang, đây dự án quan trọng Quốc gia đầu tiên địa phương này được giao làm cơ quan chủ quản.

Với quyết tâm chính trị, trách nhiệm cao, tinh thần không ngại gian khó, Hậu Giang đã nỗ lực thực hiện hoàn thành vượt tiến độ nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao để khởi công Dự án thành phần theo quy định; đặc biệt Hậu Giang đã thu hồi đất đạt 84,6%, sẵn sàng bàn giao cho đơn vị thi công, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang cho biết thêm.

Tại điểm cầu Cần Thơ, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ, cho biết việc đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng có ý nghĩa đặc biệt, mang tính cấp thiết. Mục tiêu là liên kết vùng, mở rộng không gian, tạo thế và lực mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Tại Cần Thơ, Dự án thành phần 2 của cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng có 1.011 hộ bị ảnh hưởng; trong đó có 217 căn nhà (huyện Vĩnh Thạnh 36 căn, huyện Cờ Đỏ 90 căn và huyện Thới Lai 91 căn). Nhu cầu tái định cư khoảng 245 nền; trong đó huyện Vĩnh Thạnh cần 40 nền, huyện Cờ Đỏ 120 nền, huyện Thới Lai 85 nền.

Hội đồng bồi thường đã phối hợp với các xã xác nhận tình trạng pháp lý nhà, đất bị thu hồi của 941/1.011 trường hợp và đã thông qua 713 trường hợp đủ điều kiện hỗ trợ, bồi thường theo quy định.

Các huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai cho biết đang nỗ lực bồi thường, giải phóng mặt bằng để bàn giao 70% mặt bằng cuối tháng 6/2023 và đến tháng 10/2023 sẽ bàn giao toàn bộ 100% cho đơn vị thi công.

Dự án đầu tư tuyến Cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng được Quốc hội khóa XV thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 60 ngày 16/6/2022 với chiều dài 188,2km, kết nối từ Châu Đốc tỉnh An Giang đến cảng Trần Đề tỉnh Sóc Trăng, đi qua 4 tỉnh, thành phố. Quy mô hoàn thiện là 6 làn xe, quy mô phân kỳ đầu tư 4 làn xe, tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng.

Dự án được chia thành 4 dự án thành phần và giao ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố làm cơ quan chủ quản triển khai đầu tư.

Trong số đó, tỉnh An Giang DATP1 (Dự án thành phần 1) dài 57,2km, thành phố Cần Thơ DATP2 dài 37,2km, tỉnh Hậu Giang DATP3 dài 36,9km và tỉnh Sóc Trăng DATP4 dài 56,9km.

Điểm đầu dự án tại Km57+200 thuộc địa phận xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh (khớp nối với Dự án thành phần 1 của tỉnh An Giang) và điểm cuối tại Km94+615 thuộc địa phận xã Trường Xuân B, huyện Thới Lai (khớp nối với Dự án thành phần 3 của tỉnh Hậu Giang)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục