Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai cho biết theo đề án phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, Đồng Nai vẫn giữ quy hoạch 27 cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 1.500ha và xóa khỏi quy hoạch 13 cụm công nghiệp có diện tích gần 619ha.
Theo Sở Công Thương Đồng Nai, thời gian qua tiến độ đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp được quy hoạch trên địa bàn tỉnh rất chậm.
Hiện mới có hai cụm công nghiệp mới cơ bản đầu tư hoàn thành hạ tầng là cụm công nghiệp vật liệu xây dựng Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom), cụm công nghiệp gốm Tân Hạnh (thành phố Biên Hòa) và hai cụm công nghiệp đang triển khai đầu tư hạ tầng là Phú Cường (huyện Định Quán), Phú Thạnh-Vĩnh Thanh (huyện Nhơn Trạch). Hiện vẫn còn 14 cụm công nghiệp chưa có chủ đầu tư hạ tầng.
Nguyên nhân khiến nhiều cụm công nghiệp khó thu hút chủ đầu tư là vì mức hỗ trợ còn quá thấp chỉ khoảng 10 tỷ đồng/cụm (chính sách hỗ trợ cũng chỉ có cụm công nghiệp Phú Cường được ngân sách tỉnh hỗ trợ hơn 10 tỷ đồng lập quy hoạch chi tiết xây và đầu tư hạ tầng kỹ thuật). Do đó, để việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp diễn ra thuận lợi, trong 5 năm tới (giai đoạn 2016-2020), Sở Công Thương đề xuất tỉnh cần hỗ trợ các cụm công nghiệp hoàn thiện nhanh cơ sở hạ tầng nhằm tạo mặt bằng thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp thuộc diện di dời khỏi các khu đô thị các khu dân cư tập trung, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, nên giúp bốn huyện khó khăn được ứng trước tiền bồi thường cho bốn cụm công nghiệp để thu hút nhà đầu tư, sau đó có nhà đầu tư sẽ thu hồi dần trả lại ngân sách.
Theo ông Trần Minh Phúc, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, tỉnh đã thống nhất theo đề xuất và ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ 20 tỷ đồng cho việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật một cụm công nghiệp. Ngoài ra, ngân sách tỉnh cũng ứng trước 240 tỷ đồng phục vụ công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, sau đó sẽ thu hồi thông qua tiền thuê đất của doanh nghiệp./.