"Đông Nam Á cần tăng hợp tác nhằm duy trì hòa bình, ổn định"

Giám đốc Diễn đàn Anh-ASEAN John Jenner, khẳng định Đông Nam Á cần tăng cường hợp tác nhằm duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.
"Đông Nam Á cần tăng hợp tác nhằm duy trì hòa bình, ổn định" ảnh 1Tiến sỹ John Jenner - Thành viên cấp cao Trường St. Cross (ĐH Oxford), Giám đốc Diễn đàn Anh-ASEAN. (Ảnh: Lê Phương/Vietnam+)

Trong cuộc phỏng vấn dành riêng cho phóng viên Vietnam+ tại London về xây dựng lòng tin chiến lược và môi trường an ninh Đông Nam Á thời gian qua, tiến sỹ John Jenner - Thành viên cấp cao Trường St. Cross (Đại học Oxford), Giám đốc Diễn đàn Anh-ASEAN khẳng định Đông Nam Á cần tăng cường hợp tác nhằm duy trì hòa bình, ổn định.

Theo tiến sỹ Jenner, bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng về xây dựng lòng tin chiến lược như một giải pháp cần thiết để duy trì hòa bình và an ninh cho khu vực rất được đón nhận tại Đối thoại Shangri-La năm 2013 ở Singapore.

Bài phát biểu được chuẩn bị kỹ lưỡng khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đến các lĩnh vực còn bất hòa và cả nguy cơ đe đọa an ninh, an toàn hàng hải.

Theo Thủ tướng, nếu không được giải quyết, thì những vấn đề này sẽ còn gia tăng. Trong phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng các cường quốc có vai trò rất lớn và có thể đóng góp nhiều hơn nữa. Nhưng họ nên tăng cường chia sẻ trách nhiệm trong nỗ lực vun đắp và củng cố lòng tin chiến lược.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng tranh chấp chủ quyền cần phải được giải quyết trên cơ sở luật quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

Đề cập đến trật tự khu vực, ông Jenner cho rằng nên bắt đầu bằng cách đặt khu vực Đông Nam Á vào bối cảnh chiến lược toàn cầu. Lợi ích quốc gia của Mỹ gắn bó sâu rộng với Đông Nam Á.

Trong khi đó, Trung Quốc quyết tâm xây dựng một trật tự khu vực xoay quanh vai trò trung tâm của nước này. Theo nhiều cách thức khác nhau, trật tự khu vực ở Đông Nam Á nói chung, Biển Đông nói riêng có thể gói gọn trong vấn đề lịch sử, đặc điểm và chiều hướng của những tương tác mang tính chiến lược giữa các cường quốc và hệ lụy của trật tự toàn cầu.

Theo tiến sỹ Jenner, Chiến lược Hợp tác Sức mạnh biển thế kỷ 21 (CS-21) hiện vẫn là nền tảng của chiến lược đảm bảo lợi ích quốc gia của Mỹ ở trên biển.

"Tôi thích gọi 'xoay trục' bằng một cái tên khác mà chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã đưa ra, đó là chiến lược 'tái cân bằng'," ông Jenner nói, "Từ năm 2001, Trung Quốc từng bước tăng cường can dự vào những vụ việc liên quan đến chủ quyền trong phạm vi chuỗi đảo thứ nhất. Năm 2006, CS-21 được công bố trong bối cảnh Mỹ tìm cách đối phó với một Trung Quốc đang trỗi dậy trên biển và sự thay đổi về cán cân sức mạnh giữa các nước."

Năm 2010, Ngoại trưởng Hilary Clinton có đề cập đến chiến lược tái cân bằng, đồng thời nhấn mạnh đến vấn đề tự do hàng hải như là một trong những lợi ích quốc gia của Mỹ. Trong tương lai gần, Mỹ sẽ đưa ra một chiến lược mới để thay thế CS-21.Tuy vậy, CS-21 vẫn là cách tiếp cận cơ bản về chiến lược đối với an ninh ở Biển Đông.

Theo ông Jenner, vào thời điểm hiện nay, ASEAN vẫn đang thiếu một cơ cấu về quốc phòng mà có sự hợp tác giữa tất cả các nước thành viên. Và cũng vì thiếu một cấu trúc an ninh trong khi hải quân còn yếu, nên các nước ASEAN thường có xu hướng tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài. Cạnh tranh về tiềm lực hải quân và các chương trình mua sắm vũ khí đang gia tăng ở Đông Á. Thực tế này dẫn đến tình thế "tiến thoái lưỡng nan" trong lĩnh vực an ninh bởi mối quan hệ giữa kinh tế và an ninh khá phức tạp.

Ông Jenner cho rằng sự ràng buộc về kinh tế giữa ASEAN với Trung Quốc, giữa Trung Quốc với Nhật Bản và Hàn Quốc khó tạo ra điều kiện thuận lợi hơn trong nỗ lực hướng đến những giải pháp giải quyết tranh chấp về chủ quyền ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Các nước châu Á-Thái Bình Dương đang hình thành những cơ chế hợp tác giữa hải quân nhằm ứng phó với sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ. Hai nước này đang cạnh tranh để lấp đầy khoảng trống chiến lược được hình thành bởi quá trình chuyển dịch trật tự thế giới tại Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, khiến nguy cơ xung đột gia tăng.

Vì thế, cách thức duy nhất để duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực là thông qua hợp tác. Các nước nhỏ nên tăng cường hợp tác hải quân mà không có sự tham gia của cả Mỹ và Trung Quốc. "Họ muốn tăng cường hợp tác với Trung Quốc, nhưng cũng muốn Trung Quốc minh bạch hóa chính sách của mình. Thời gian tới, kênh 1+1/2 (kênh chính thức và có sự tham gia của giới học giả) sẽ góp phần đưa Trung Quốc xích lại gần hơn với các đối tác khu vực," tiến sỹ Jenner chia sẻ.

Là Giám đốc sáng lập Diễn đàn ASEAN-Anh, ông Jenner luôn mong muốn tạo điều kiện thuận lợi để các nước ASEAN, đặc biệt là Việt Nam, và Anh tăng cường giao lưu, hợp tác. Là một đối tác thương mại, nước Anh có lợi ích ngày càng được mở rộng tại khu vực Đông Nam Á.

"Trong bối cảnh động lực tăng trưởng toàn cầu đang chuyển dịch từ Bắc Đại Tây Dương sang Đông Nam Á, thì lẽ dĩ nhiên là lợi ích quốc gia của chúng tôi trong lĩnh vực thương mại cũng chuyển dịch theo," ông Jenner cho biết.

Anh và Đông Nam Á cũng có mối quan hệ gắn bó trong lĩnh vực quốc phòng-an ninh. "Điều này không chỉ thể hiện qua sự có mặt của một đơn vị Anh đóng ở Brunei, mà còn là Hiệp ước Phòng thủ 5 quốc gia (FPDA), Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác với ASEAN, quan hệ Đối tác Chiến lược với Việt Nam...," ông Jenner nói.

Năm 2010, Anh và Việt Nam đã thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược nhằm tạo ra khung hợp tác toàn diện và ngày càng sâu giữa hai nước.

Theo ông Jenner, lợi ích của Anh luôn gắn với việc giải quyết xung đột dựa trên luật pháp, chứ không phải dựa trên sức mạnh.

"Vì thế, tăng cường quan hệ đối tác giữa Anh với Đông Nam Á sẽ góp phần duy trì hòa bình và thịnh vượng, đảm bảo an ninh cho nhân dân chúng ta. Chính phủ Anh mong muốn tăng cường can dự vào Đông Nam Á với tư cách là một đối tác tin cậy trong lĩnh vực thương mại, văn hóa, giáo dục, phát triển và cả chính sách đối ngoại và an ninh," tiến sỹ Jenner khẳng định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục