Đông Nam Á: Cuộc ganh đua khốc liệt trong bối cảnh hội nhập

Trung Quốc lâu nay vẫn được coi là “công xưởng của thế giới” trong mắt giới doanh nghiệp nước ngoài, nhưng có vẻ như trật tự này đang thay đổi.
Đông Nam Á: Cuộc ganh đua khốc liệt trong bối cảnh hội nhập ảnh 1Triển lãm quốc tế về ngành công nghiệp dệt lần thứ 12 tại Jakarta, Indonesia. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Chi phí sản xuất, nhất là chi phí nhân công, luôn là một “bài toán khó” đối với mỗi doanh nghiệp trong định hướng đầu tư.

Đó là lý do mà nhiều quốc gia luôn cố gắng nâng cao lợi thế cạnh tranh bằng cách tăng cường đầu tư và phát triển nguồn nhân lực.

Với lợi thế về lao động giá rẻ, dồi dào cùng những chính sách ưu đãi đầu tư hợp lý, Trung Quốc lâu nay vẫn được coi là “công xưởng của thế giới” trong mắt giới doanh nghiệp nước ngoài.

Tuy nhiên, trong bối cảnh châu Á đang bước vào thời kỳ hội nhập kinh tế mới, trật tự này đang dần thay đổi.

“Công xưởng thế giới” sắp hết thời?

Có vẻ như Bắc Kinh đang vướng vào một kịch bản tương tự những “con hổ châu Á” khác như Hàn Quốc hay vùng lãnh thổ Đài Loan: đó là việc giá nhân công tăng cao buộc nhiều doanh nghiệp nước ngoài phải dịch chuyển nhà xưởng ra khỏi các địa bàn này.

Kể từ năm 2001, mức lương trong các ngành chế tạo của Trung Quốc đã tăng trung bình 12% mỗi năm, qua đó làm tăng chi phí sản xuất. Chẳng hạn như sau vụ đình công tại Trung Sơn vào năm 2010, Honda đã tăng 47% lương cho công nhân Trung Quốc.

Foxconn và nhiều tập đoàn công nghệ lớn khác cũng tăng gấp đôi lương cho công nhân tại nhà máy ở Thâm Quyến sau một số vụ tự tử tại đây.

Kết quả là nhiều tập đoàn hay công ty đa quốc gia lớn như Nike, Samsung, Microsoft hay Citizen đã phải lần lượt rời khỏi Trung Quốc.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Kinh tế Việt Nam và Thế giới, ông Gyorgy Sziraczki, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam, nói rằng sau một giai đoạn đánh dấu bởi nguồn cung lao động giá rẻ dồi dào từ khu vực nông thôn lên thành thị, tình trạng già hóa dân số nhanh chóng của Trung Quốc gần đây đã dẫn tới sự chuyển dịch của một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động từ nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới này sang các quốc gia khác.

Theo số liệu từ Cục thống kê quốc gia Trung Quốc, dân số trong độ tuổi lao động của nước này (từ 16 đến 59 tuổi) đã giảm 3,71 triệu người trong năm 2014, so với mức giảm 2,44 triệu người trong năm 2013. Đây là hậu quả của chính sách một con kéo dài trong vòng 36 năm qua của Bắc Kinh.

Ngoài ra, Giám đốc Sziraczki cũng cho rằng một yếu tố quan trọng khác dẫn tới chiều hướng chuyển dịch này chính là việc kinh tế Trung Quốc ngày càng phát triển theo hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa và tập trung vào những sản phẩm có giá trị cao, cùng lực lượng lao động ngày càng có tri thức và tay nghề cao hơn.

Kết quả là những ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động và áp dụng công nghệ thấp như sản xuất đồ chơi, dệt may, da giày, đang dần chuyển sang các quốc gia khác.

Tranh chấp liên quan đến lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản cũng đang khiến doanh nghiệp Nhật “tháo chạy” khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trong năm 2013, đầu tư của Nhật Bản vào khu vực Đông Nam Á đã tăng gấp đôi, trong khi con số này vào Trung Quốc giảm đến 40%.

Cuối cùng, sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc, tình trạng ô nhiễm đô thị cùng sự tăng giá của đồng nhân dân tệ (NDT) đang là nguyên nhân dẫn đến làn sóng di dời lao động nước ngoài ra khỏi nước này.

Số liệu từ công ty hỗ trợ tái định cư UniGroup Relocation cho hay trong năm 2014, số lao động ngoại quốc rời khỏi Trung Quốc cao gấp đôi số nhân công đặt chân đến nước này, với số người đến từ Mỹ giảm 22% so với năm 2013.

Như một lẽ tất nhiên, bến đỗ cho những dòng chảy vốn ra khỏi Trung Quốc không đâu khác chính là các quốc gia láng giềng của Bắc Kinh trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN), nơi có lợi thế nguồn lao động trẻ trung và dồi dào, nằm dưới mức tuổi lao động trung bình của thế giới là 29,7 tuổi, cùng chi phí nhân công thấp hơn.

Thật vậy, trong khi một công nhân nhà máy tại Trung Quốc hiện được trả trung bình 27,50 USD/ngày thì tại Indonesia và Việt Nam, con số này chỉ lần lượt là 8,60 USD/ngày và 6,70 USD/ngày.

Thêm vào đó, khoảng cách địa lý ngay gần với Trung Quốc cũng là thế mạnh dẫn tới việc các công ty đa phương có ý định dời Trung Quốc chọn các quốc gia Đông Nam Á như Myanmar, Campuchia, Indonesia hay Việt Nam là điểm đến của họ.

May mặc là một trong những lĩnh vực đầu tiên lựa chọn xu hướng này. Trong giai đoạn từ năm 2011-2014, xuất khẩu quần áo của Myanmar đã tăng từ 700 triệu USD lên 1,7 tỷ USD. H&M, hãng bán lẻ quần áo của châu Âu, cũng vừa chuyển dây chuyền sản xuất đồ len từ Trung Quốc sang Nhà máy sản xuất đồ dệt kim Liaoyuan của Myanmar.

Steven Shen, Giám đốc phụ trách mảng sản xuất của H&M, cho hay công nhân Trung Quốc giờ đòi hỏi cao hơn, họ đã có những “công việc khác tốt hơn” là suốt ngày ngồi ở máy khâu áo len và gắn nhãn lên cổ áo tại H&M. Shen dự định sẽ mở thêm một nhà máy tương tự tại thành phố Bago của Myanmar trong năm nay.

Trong khi đó, Microsoft - tập đoàn công nghệ đã mua mảng thiết bị và dịch vụ của Nokia - cũng lên kế hoạch cắt giảm 12.500 việc làm tại Trung Quốc trong năm nay, đồng thời mở rộng hoạt động sản xuất tại Việt Nam.

AEC: Cơ hội song hành cùng thách thức

Dự kiến, sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm nay, với tổng dân số khoảng trên 600 triệu người, sẽ thu hút các tập đoàn đa quốc gia khi, thị trường và quy mô kinh tế được mở rộng với sự dịch chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, lao động có tay nghề và các dòng vốn đầu tư.

Theo một nghiên cứu gần đây của ILO và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), AEC dự kiến sẽ tạo thêm khoảng 14 triệu việc làm cho khu vực Đông Nam Á đến năm 2025. Tuy nhiên, cơ hội luôn đi đôi với thách thức. Hội nhập đòi hỏi các quốc gia ASEAN - mà cụ thể là Việt Nam - phải chuẩn bị kỹ càng để nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt là trong lĩnh vực lao động.

Đánh giá về lao động Việt Nam, Giám đốc Gyorgy Sziraczki nhận định: “Việt Nam có một lực lượng lao động lên tới khoảng 54 triệu, với nhiều người lao động trẻ trung, chăm chỉ, thạo nghề, nghiêm túc và có tinh thần kinh doanh. So với nhiều nền kinh tế đang phát triển ở châu Á, Việt Nam có hệ thống giáo dục cơ bản tương đối tốt cùng hệ thống chăm sóc sức khỏe đảm bảo - những yếu tố quan trọng đối với cả lực lượng lao động cũng như sự phát triển rộng hơn của cả đất nước. Song, về dài hạn, lao động Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức về kinh tế xã hội do vấn nạn già hóa dân số gây ra.” Hiện nay, tuổi thọ trung bình người Việt đã được nâng lên 75 tuổi so với mức 66 tuổi trong năm 1990.

Một vấn đề khác cần phải được giải quyết, theo Giám đốc Sziraczki, đó là chất lượng lao động tại Việt Nam. Mặc dù giáo dục cơ bản hầu như được phổ cập hoàn toàn và tỷ lệ biết chữ đạt hơn 98%, nhưng Việt Nam vẫn cần phải cải thiện mảng đào tạo nghề cũng như hệ thống giáo dục ở các cấp cao hơn.

Khi hội nhập sâu rộng hơn vào thị trường khu vực và toàn cầu, nhu cầu đối với lao động có kỹ năng trung bình và kỹ năng cao sẽ tăng lên. Bên cạnh đó, Việt Nam cần chú trọng trang bị cho người lao động các "kỹ năng mềm" như như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ và năng lực giải quyết vấn đề, kỹ năng khởi nghiệp.

Khu vực tư nhân đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hiện đại hóa chương trình đào tạo, dạy nghề cũng như phương pháp giáo dục nhằm đảm bảo rằng quá trình giáo dục, đào tạo cho thế hệ trẻ đáp ứng được nhu cầu hiện tại và tương lai của thị trường lao động.

Khi đề cập đến việc Việt Nam là một trong những quốc gia có năng suất lao động còn khá thấp, người đứng đầu ILO ở Việt Nam cho rằng năng suất lao động của một quốc gia hầu như không thể phản ánh mức độ chuyên cần và khả năng của người lao động của quốc gia đó mà trước hết phụ thuộc vào mức độ hiệu quả sử dụng lao động kết hợp với các yếu tố sản xuất khác, như máy móc và công nghệ, và lượng máy móc và công nghệ mà một người lao động của quốc gia đó được sử dụng.

Hơn nữa, nếu nhìn lại trong vòng 10 năm qua thì năng suất lao động của Việt Nam, mặc dù vẫn ở mức thấp, nhưng là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất. Báo cáo của ILO cho hay năng suất lao động của Việt Nam sẽ tăng trên hai lần trong giai đoạn 2010-2025. Con số này sẽ tăng mạnh nhất trong ngành công nghiệp (138,6%), các ngành khác cũng có mức tăng đáng kể, cụ thể là nông nghiệp (94,5%) và dịch vụ (83,8%).

AEC cũng sẽ mở ra cơ hội để Việt Nam xuất khẩu lao động sang các nước. Trong 5 năm qua, tỷ lệ lao động Việt Nam sang làm việc tại các quốc gia ASEAN ngày càng gia tăng, nhưng phần lớn những lao động này có trình độ, kỹ năng ở mức thấp và trung bình, làm việc trong các ngành nông nghiệp, xây dựng và sản xuất chế tạo.

Do đó, Việt Nam cần chú trọng vào việc xuất khẩu lao động có tay nghề cao, đồng thời tạo điều kiện để khi trở về họ có thể mang những kiến thức, kinh nghiệm học được ở nước ngoài để đóng góp cho đất nước.

Đông Nam Á đang bước vào một cuộc ganh đua khốc liệt trong bối cảnh hội nhập. Với kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại cùng những căng thẳng liên quan đến chính trị với những quốc gia khác trên thế giới đã khiến Bắc Kinh dần đánh mất đi lợi thế cạnh tranh vốn có. Do đó, “sức hút” của ngôi sao mới mang tên Đông Nam Á được cho là sẽ còn kéo dài trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục