Dòng người biểu tình lại đổ về quảng trường Taksim

Hàng nghìn người biểu tình Thổ Nhĩ Kỳ đổ về Quảng trường Taksim bất chấp việc chính phủ nước này xin lỗi, kêu gọi chấm dứt biểu tình.
Tối 4/6, hàng nghìn người biểu tình Thổ Nhĩ Kỳ đã đổ về Quảng trường Taksim ở thành phố Istanbul bất chấp việc chính phủ nước này đã lên tiếng xin lỗi và kêu gọi chấm dứt các hoạt động biểu tình.

Báo chí mô tả biển người la ó và gây mất trật tự ở Taksim, nơi được coi là tâm điểm của cuộc biểu tình tại Istanbul sau khi Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Bulent Arinc tìm cách trấn an người biểu tình bằng tuyên bố "chính phủ đã rút ra bài học" và kêu gọi các công dân có trách nhiệm nhanh chóng chấm dứt hoạt động biểu tình kéo dài 5 ngày qua.

Tại thủ đô Ankara, đoàn người biểu tình mang theo nhiều cờ, biểu ngữ, thậm chí các lái xe vừa đi vừa bấm còi, hô vang khẩu hiệu đòi Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan từ chức.

[Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi chấm dứt các cuộc biểu tình]

Đến rạng sáng 5/6, các lực lượng an ninh tại cả hai thành phố Istanbul và Ankara buộc phải sử dụng hơi cay và vòi rồng để giải tán các đám đông hàng nghìn người đang đổ về trước văn phòng thủ tướng tại cả hai thành phố.

Kênh truyền hình tư nhân NTV cho biết hai cảnh sát và ba người biểu tình đã bị thương trong cuộc đụng độ mới nhất tại thành phố Hatay, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, Liên hiệp công đoàn các viên chức Thổ Nhĩ Kỳ (KESK), đại diện cho 240.000, ngày 4/6 đã phát động bãi công hai ngày nhằm phản đối chính sách của chính phủ về điều kiện lao động và tăng lương, tiếp nối hoạt động biểu tình đã lan rộng tới 67 tỉnh thành của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổ chức công đoàn DISK, đại diện cho 420.000 thành viên, cũng thông báo sẽ tiến hành bãi công và biểu tình trong ngày 5/6 để ủng hộ những người biểu tình trên toàn quốc.

Trong lúc này, Thủ tướng Erdogan vẫn lên đường công du Marocco và Algeria, cho rằng tình hình trong nước đã cải thiện. Ông bác bỏ mọi sự liên hệ rằng đây là "Mùa Xuân Thổ Nhĩ Kỳ", đồng thời khẳng định mọi vấn đề sẽ được giải quyết khi ông về nước.

Liên quan đến tình hình Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 4/6, người phát ngôn Chính phủ Mỹ Jay Carney cho biết nước này hoan nghênh việc Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ xin lỗi về việc sử dụng vũ lực để giải tán người biểu tình và tiến hành điều tra vụ việc.

Mặc dù vậy, theo các nhà phân tích, bạo loạn gia tăng tại Thổ Nhĩ Kỳ trong những ngày qua được xem là thách thức lớn nhất đối với ông Erdogan kể từ khi lên nắm quyền năm 2002, đặc biệt trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ đang rơi vào tình cảnh kinh tế hết sức khó khăn cộng thêm tình hình bất ổn từ nước láng giềng Syria khiến làn sóng người tị nạn tràn sang nước này.

Hơn thế nữa, ông Erdogan  vẫn được dự đoán có thể tham gia vào cuộc vận động tranh cử tổng thống vào năm sau.

Làn sóng phản đối bùng phát tại Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 31/5, sau khi cảnh sát sử dụng hơi cay để giải tán một cuộc biểu tình hòa bình đòi chính quyền hủy bỏ kế hoạch phá một công viên ở dọc quảng trường Taksim để xây dựng trung tâm thương mại.

Những người biểu tình, cho rằng cảnh sát sử dụng vũ lực "quá mức" để trấn áp, đã ném gạch đá và một số vũ khí tự chế vào cảnh sát, dẫn tới đụng độ giữa hai bên./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục