Đồng Tháp: Nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu ngừng hoạt động

Hơn 20 cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở tỉnh Đồng Tháp gửi đơn xin ngừng hoạt động do kinh doanh thua lỗ, thiếu vốn nhập hàng, bảo trì, sửa chữa cửa hàng hoặc tạm chờ đến khi chiết khấu ổn định trở lại.
Đồng Tháp: Nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu ngừng hoạt động ảnh 1Cửa hàng bán lẻ xăng dầu Hồng Hoàng (xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) đóng cửa, tạm ngừng hoạt động. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)

Với mức chiết khấu mỗi lít xăng dầu rất thấp, có khi là 0 đồng, khiến một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở tỉnh Đồng Tháp kinh doanh thua lỗ trong thời gian dài, không cầm cự nổi nên đã đóng cửa, tạm ngừng hoạt động.

Sau thời gian cố gắng duy trì kinh doanh, Cửa hàng bán lẻ xăng dầu DYL (xã Long Hậu, huyện Lai Vung) vừa làm đơn gửi cơ quan chức năng xin tạm ngừng kinh doanh từ ngày 10/10-31/12/2022.

Lý do là "thua lỗ kéo dài do chiết khấu từ đầu mối cho cửa hàng 0 đồng liên tục hoặc nếu có hoa hồng thì cũng rất thấp (50 đồng/lít), không đủ bù đắp chi phí hoạt động, vốn bị âm liên tục."

Tương tự, Cửa hàng bán lẻ xăng dầu Hồng Hoàng (xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung) cũng phải tạm thời đóng cửa, ngừng hoạt động vì mức chiết khấu từ đầu mối cung ứng xăng dầu quá thấp, càng kinh doanh thì càng thua lỗ.

[Lâm Đồng: Chấn chỉnh 8 cửa hàng xăng dầu ngừng bán không chính đáng]

Ông Nguyễn Thanh Hồng, chủ Cửa hàng bán lẻ xăng dầu Hồng Hoàng cho hay, cửa hàng bán trung bình 1.000 lít xăng dầu/ngày. Hoa hồng 0 đồng như thời gian qua, tính hết các khoản chi phí kinh doanh và hao hụt xăng dầu, mỗi ngày, cửa hàng lỗ từ 500.000 đồng trở lên. Cửa hàng đã kinh doanh không lợi nhuận suốt thời gian dài, hàng tháng toàn thua lỗ. Thêm nữa là công ty đầu mối cung ứng xăng dầu không cho nợ tiền nên ông Hồng không còn vốn để hoạt động.

Mức chiết khấu quá thấp, liên tục thua lỗ nên Cửa hàng bán lẻ xăng dầu Năm Tình (xã Tân Thành, huyện Lai Vung) không còn mặn mà với việc kinh doanh.

Ông Trần Văn Kỷ Cương, Quản lý cửa hàng chia sẻ, từ đầu năm 2022 đến nay, hoa hồng bán lẻ xăng dầu thường xuyên ở mức từ 0-100 đồng/lít. Trong khi đó, mỗi lít xăng dầu mà cửa hàng bán ra có chi phí (thuê lao động, điện, nước…) là 400 đồng. Kinh doanh lỗ, còn phải trả lãi suất ngân hàng nên giai đoạn này cửa hàng gặp rất nhiều khó khăn.

Đã nhiều lần, cửa hàng định làm đơn xin tạm ngừng kinh doanh nhưng vì đã mua bán mặt hàng này hơn 10 năm qua, đã đầu tư cơ sở vật chất nên cửa hàng cố gắng cầm cự gần một năm nay, hy vọng thời gian tới có sự hỗ trợ từ Nhà nước để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Tính đến ngày 7/10, trên địa bàn các xã Long Hậu, Tân Thành, Vĩnh Thới, Tân Phước (huyện Lai Vung) có nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, tạm ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, hết xăng, chỉ còn bán dầu. Đa số những cửa hàng này hợp tác với doanh nghiệp đầu mối xăng dầu theo kiểu "mua đứt bán đoạn," mua bán và thanh toán ngay khi giao nhận hàng.

Tỉnh Đồng Tháp có trên 500 trạm, cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Hơn 20 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh gửi đơn xin ngừng kinh doanh, trong số đó hầu hết là các doanh nghiệp, cửa hàng tư nhân.

Thời gian xin tạm ngừng hoạt động từ vài tuần đến không xác định thời hạn. Lý do là kinh doanh thua lỗ, thiếu vốn nhập hàng, bảo trì, sửa chữa cửa hàng hoặc xin tạm ngưng hoạt động cho đến khi được chiết khấu ổn định trở lại.

Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp Võ Phương Thủy cho biết nhiều cửa hàng bán xẻ xăng dầu trong tỉnh gửi đơn xin ngừng hoạt động với nhiều lý do nhưng phần lớn là vì từ đầu năm 2022 đến nay, chiết khấu xăng dầu rất thấp hoặc 0 đồng. Từ đó, dẫn đến việc kinh doanh của cửa hàng bán lẻ xăng dầu thua lỗ.

Ngành công thương đã báo cáo với ủy ban nhân dân tỉnh để kiến nghị Bộ Công Thương và Bộ Tài chính hỗ trợ cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong tình hình hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục