Trước đại dịch COVID-19, nhiều người Việt Nam đã đến làm việc tại Nhật Bản.
Trong khi một số người chỉ đơn giản muốn sống và trải nghiệm văn hóa trực tiếp, hoặc tích lũy kinh nghiệm làm việc trong môi trường lao động Nhật Bản để có cơ hội nâng cao vốn tiếng Nhật, phần đông lao động Việt Nam coi đây là cơ hội “đổi đời,” tích lũy và gửi tiền về cho gia đình ở quê nhà.
Tuy nhiên, đồng yen rẻ và tiền lương trì trệ đang khiến cho mong muốn đó trở nên khó khăn hơn.
[Lao động Việt Nam tại Nhật Bản lao đao vì đồng yen mất giá]
Theo số liệu của Bộ Lao động Nhật Bản, đồng yen giảm giá khiến mức lương trung bình của người lao động Nhật Bản tính theo đồng USD giảm tới 40% trong thập kỷ qua.
Điều này đã gây khó khăn đặc biệt cho các ngành công nghiệp xây dựng và chăm sóc điều dưỡng của Nhật Bản trong việc thuê nhân công. Đây là hai ngành thiếu lao động nhất tại Nhật Bản.
Tổ chức phi lợi nhuận MPKEN có trụ sở tại Tokyo chuyên đào tạo các kỹ sư xây dựng Việt Nam có nguyện vọng làm việc tại Nhật Bản vào năm 2019 đã nhận được số đơn đăng ký tham gia khóa học nhiều gấp 5 lần so với 50 vị trí mà tổ chức này có sẵn.
Tuy nhiên, khi đồng yen bắt đầu lao dốc, MPKEN không hy vọng có số ứng viên lấp đầy 50 vị trí tuyển sinh cho một khóa học mới.
Lý do chính khiến ít người lao động quan tâm đến chương trình đào tạo làm việc tại Nhật Bản là do đồng yen mất giá mạnh.
Nói cách khác nếu lao động đang nhận lương bằng đồng yen, số thu nhập này sẽ có giá trị bên ngoài Nhật Bản ít hơn so với trước đây.
Trước đây, khi đồng yen được giao dịch ở mức gần 117 yen đổi 1 USD, 30.000 yen sẽ chuyển đổi thành gần 258 USD. Hiện nay, con số đó chỉ còn khoảng 200 USD.
Những người lao động gửi tiền về quê cho gia đình đã chứng kiến giá trị đồng tiền của họ giảm xuống khi đồng yen rẻ hơn.
Một lao động nữ người Philippines 23 tuổi bắt đầu làm việc tại viện dưỡng lão ở quận Gunma, phía Tây Bắc Tokyo vào mùa Xuân năm 2022.
Cô đã gửi 30.000 yen, khoảng 15% thu nhập hàng tháng, cho gia đình ở quê nhà. Thế nhưng khi đồng yen mất giá, cô ấy lo lắng về việc số tiền quy đổi ra đồng nội tệ Philippines bị giảm mạnh.
Phần lớn lao động nước ngoài tại Nhật Bản đến từ Việt Nam. Đồng yen đã giảm nhanh so với đồng Việt Nam. Nói cách khác, tiền lương của người lao động không theo kịp lạm phát và thu nhập của họ hiện có giá trị bằng 1/5 so với trước đây ở quê nhà.
Trong khi các kỹ sư xây dựng nước ngoài tại Nhật Bản đã kiếm được mức lương trung bình hàng tháng khoảng 200.000 yen (1.375 USD) trong những năm gần đây, thì những người lao động có tay nghề cao trong cùng lĩnh vực ở Việt Nam hiện có thể kiếm được khoảng 25 triệu đồng (150.000 yen) một tháng nhờ mức lương tăng từ 10% đến 20% tại quê hương.
Một đại diện của MPKEN xác nhận vị thế của Nhật Bản là thị trường thu hút lao động hàng đầu châu Á đang bị xói mòn nhanh chóng do khoảng cách lương ngày càng thu hẹp.
Một quan chức cấp cao tại Hiệp hội các cơ quan được cấp phép của Philippines cho chương trình thực tập kỹ thuật, tổ chức phái cử lao động Philippines sang Nhật Bản, thừa nhận rằng, khi giá trị của đồng yen giảm, nhiều lao động sẽ hướng đến Australia và các quốc gia khác nơi có mức lương cao hơn và nói tiếng Anh.
Tiền lương ở Việt Nam và Philippines vẫn còn thấp so với ở Nhật Bản. Nếu mức lương trung bình dựa trên đồng USD trong lĩnh vực phi sản xuất của Nhật Bản được ấn định là 100, thì tiền lương ở Việt Nam và Philippines chỉ ở mức từ 20 đến 30.
Tuy nhiên, tiền lương của kỹ sư xây dựng và công nhân chăm sóc điều dưỡng đã tăng lên mức từ 50 đến 70 ở cả hai nơi, thu hẹp đáng kể khoảng cách chênh lệch mức lương với Nhật Bản.
Trong khi đó, mức lương của khu vực phi sản xuất ở Singapore và Hong Kong (Trung Quốc) đã vượt qua Nhật Bản.
Theo một luận điểm trong ngành nhân sự của Nhật Bản, dòng người lao động đến Nhật Bản bắt đầu giảm khi tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người của quốc gia nguồn đạt mức 7.000 USD.
Một khi GDP bình quân đầu người của các quốc gia này vượt 10.000 USD, họ bắt đầu nhận lao động từ nơi khác. Đây là những gì Nhật Bản đã trải qua khi Trung Quốc đạt được những cột mốc quan trọng này.
Theo bảng tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đến năm 2028, GDP bình quân đầu người của Việt Nam dự kiến đạt khoảng 7.000 USD, Philippines đạt 5.000 USD, Nepal khoảng 2.000 USD trong khi Trung Quốc đạt tới 20.000 USD.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam dường như đang đi trên một quỹ đạo giống như Trung Quốc. GDP bình quân đầu người của Việt Nam dự kiến sẽ tăng từ khoảng 4.000 USD lên 7.000 USD trong khoảng 5 năm. Sự mất giá mạnh của đồng yen có thể khiến người lao động chọn ở nhà thay vì sang Nhật Bản./.