Đợt tăng vốn lớn nhất cho Ngân hàng Thế giới kể từ năm 2022

Phần lớn khoản cam kết tài trợ mới nhất, khoảng 9 tỷ USD, là của Mỹ dành cho Nền tảng bảo lãnh danh mục đầu tư mới, giúp hỗ trợ các khoản vay tư nhân và đầu tư vốn cổ phần vào các dự án đủ điều kiện.

Trụ sở Ngân hàng thế giới (WB) ở Washington, DC, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trụ sở Ngân hàng thế giới (WB) ở Washington, DC, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 19/4, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết 11 quốc gia đã cam kết đóng góp hơn 11 tỷ USD cho các công cụ vốn hỗn hợp và bảo lãnh danh mục đầu tư mới, được thiết kế để mở rộng năng lực cho vay của ngân hàng thêm 70 tỷ USD trong 10 năm, nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, đại dịch và các thách thức toàn cầu khác.

Các khoản đóng góp tự nguyện đã được công bố tại Hội nghị mùa Xuân của WB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ở Washington (Mỹ). Đây là đợt tăng vốn lớn nhất cho WB, kể từ khi Mỹ và các cổ đông khác mở rộng sứ mệnh của ngân hàng này ra ngoài vấn đề chống đói nghèo vào năm 2022.

Phần lớn khoản cam kết tài trợ mới nhất, khoảng 9 tỷ USD, là của Mỹ dành cho Nền tảng bảo lãnh danh mục đầu tư mới, giúp hỗ trợ các khoản vay tư nhân và đầu tư vốn cổ phần vào các dự án đủ điều kiện.

Khoản đóng góp này sẽ có một phần là tiền mặt, một phần dưới dạng bảo lãnh của Mỹ cho nền tảng của WB, thông qua việc đề nghị Quốc hội phân bổ 750 triệu USD.

Nhật Bản cho biết nước này đang đóng góp 1 tỷ USD cho chương trình bảo lãnh, Pháp dự kiến đóng góp 500 triệu USD, trong khi Bỉ không tiết lộ con số cụ thể. Anh, Đan Mạch, Đức, Italy, Latvia, Hà Lan và Na Uy cam kết đóng góp vào cơ chế vốn hỗn hợp, một công cụ bao gồm cả nợ và vốn để làm đòn bẩy cho các khoản vay.

Trong số này, Anh đóng góp 100 triệu bảng (123,7 triệu USD).Giám đốc tài chính của WB, Anshula Kant cho biết ngân hàng sẽ chỉ tài trợ cho các dự án mang lại lợi ích xuyên quốc gia, chẳng hạn như những dự án giảm phát thải khí nhà kính hoặc giúp ngăn ngừa đại dịch.

Theo bà Kant, những công cụ này khuyến khích các nhà tài trợ đóng góp tự nguyện cho những mục đích và dự án này. Bên cạnh đó, các công cụ cũng khuyến khích các quốc gia vay mượn đầu tư vào những loại dự án này, với lợi ích không bị giới hạn trong nước.

Bộ trưởng Phát triển Đức Svenja Schulze đã nêu bật tầm quan trọng của việc phải mở rộng hơn nữa năng lực cho vay của ngân hàng vì nhu cầu của các nước nghèo sẽ tiếp tục tăng. Theo bà, tiến trình cải cách của WB sẽ không dừng lại ở đây.

Trong khi đó, Chủ tịch WB Ajay Banga khẳng định ngân hàng đã nỗ lực phát triển các công cụ tài chính mới để tăng khả năng cho vay, cũng như ngân sách tài trợ nhằm cải thiện cuộc sống của người dân. Các khoản cam kết mới nhất là sự ủng hộ đối với những tiến bộ trong việc cải cách ngân hàng và thể hiện cam kết chung trong nỗ lực thúc đẩy phát triển trên toàn cầu.

Trước đó, WB ước tính các nước đang phát triển cần trung bình 2.400 tỷ USD/năm từ nay đến năm 2030 để giải quyết các thách thức toàn cầu gồm biến đổi khí hậu, xung đột và đại dịch.

Vào tháng 4/2023, các cổ đông của WB đã thông qua việc tăng tỷ lệ đòn bẩy của ngân hàng để tăng năng lực cho vay thêm khoảng 40 tỷ USD trong 10 năm và mở rộng bảo lãnh song phương để huy động thêm 10 tỷ USD tài trợ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục