Dự án "Bóng đá ổ chuột" Ấn Độ giành giải thưởng của FIFA

Giám đốc điều hành Dự án "Bóng đá ổ chuột" (Slum Soccer) của Ấn Độ, ông Abhijeet Barse ngày 27/9 cho biết Slum Soccer đã giành Giải thưởng Diversity (Đa dạng) đầu tiên của Liên đoàn Bóng đá Thế giới.
Dự án "Bóng đá ổ chuột" Ấn Độ giành giải thưởng của FIFA ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: slumsoccer.org)

Giám đốc điều hành Dự án "Bóng đá ổ chuột" (Slum Soccer) của Ấn Độ, ông Abhijeet Barse ngày 27/9 cho biết Slum Soccer đã giành Giải thưởng Diversity (Đa dạng) đầu tiên của Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA).

Giải thưởng này có ý nghĩa rất lớn đối với Ấn Độ trong việc phát triển bóng đá đường phố cho trẻ em ở những khu dân cư nghèo.

Tại Đại hội bóng đá toàn cầu Soccerex, Slum Soccer vượt qua hai đối thủ khác trong danh sách rút gọn là Liên đoàn bóng đá người đồng tính quốc tế (ILGBTFA) và Nhóm chống phân biệt chủng tộc trong bóng đá "Kick It Out" của Anh, để giành giải thưởng trên.

Ông Barse chia sẻ việc Slum Soccer giành giải thưởng trên là một điều tuyệt vời vì nền bóng đá Ấn Độ chưa gây được sự chú ý trên toàn cầu. Ông Barse cho biết điều này cũng sẽ giúp dự án Slum Soccer do ông điều hành được chính phủ Ấn Độ công nhận.

Ông cho rằng Chính phủ Ấn Độ từng coi giáo dục quan trọng hơn thể thao, nhưng thông qua giải thưởng này, chính phủ sẽ phải thay đổi quan điểm và công nhận thể thao là một phần quan trọng của giáo dục.

Theo ông Barse,Slum Soccer là một dự án bóng đá đặc biệt, tạo cơ hội cho những trẻ em vô gia cư hoặc bị xã hội ruồng bỏ được chơi bóng cùng nhau, qua đó giúp các em lấy lại sự tự tin để hướng tới mục đích quan trọng nhất là tái hòa nhập cộng đồng.

Ông cho rằng số trẻ em này thường từ bỏ ước mơ chỉ vì chúng không có định hướng sống và luôn cảm thấy lạc lõng giữa cộng đồng.

Dự án Slum Soccer không chỉ nhắm tới những trẻ em tại các khu ổ chuột nghèo đói, mà còn ở các trường học, nơi có những trẻ em luôn cảm thấy mình bị bỏ rơi.

Dự án Slum Soccer hiện có khoảng 12.000 thành viên tham gia, được triển khai rộng rãi không chỉ ở các thành phố mà cả ở các làng mạc và vùng nông thôn của Ấn Độ.

Ông Barse đã bày tỏ vui mừng khi chứng kiến một số thành công bước đầu của các trẻ em trong dự án đầy nhân văn này.

Ông cho biết rất nhiều em trong số đó đã lấy lại niềm tin thông qua chơi bóng, bắt đầu tự tin nộp đơn xin việc và tìm được việc làm phù hợp. Trong khi một số em khác tiếp tục rèn luyện bóng đá trong dự án này để trở thành cầu thủ hoặc huấn luyện viên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục