Các tổ chức tài chính nước ngoài vừa đưa ra dự báo khá lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2022. Theo đó, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2022 được dự báo sẽ ở mức 6,5-6,7%, nhờ sự bao phủ rộng của vaccine phòng COVID-19 và các chính sách phục hồi kinh tế.
Kinh tế phục hồi mạnh sau giai đoạn chạm đáy
Theo dự báo của Ngân hàng Standard Chartered, nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022, với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,7% và khoảng 7% vào năm 2023. Đồng thời, Việt Nam tiếp tục có triển vọng tích cực trong trung hạn.
Dự báo này được đưa ra trong báo cáo nghiên cứu toàn cầu do ngân hàng này xuất bản gần đây với tựa đề “Tiếp tục chống chọi với các thách thức” và báo cáo kinh tế vĩ mô chuyên sâu về Việt Nam “Việt Nam - quay trở lại với mức tăng trưởng cao.”
Theo ông Tim Leelahaphan, Chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam của Ngân hàng Standard Chartered, nền kinh tế sẽ tiếp tục hồi phục trong năm 2022 khi tình hình dịch bệnh trên toàn cầu cải thiện. Tốc độ gia tăng thu nhập tại Việt Nam trong những năm gần đây cao hơn chi tiêu, từ đó mang đến một nguồn dự trữ tiết kiệm giúp chống chọi với đại dịch.
“Dịch COVID-19 tiếp tục là một rủi ro lớn, ít nhất trong ngắn hạn. Quý 1/2022 là giai đoạn các nhà máy có thể sẽ quay trở lại hoạt động hết công suất cũng như Chính phủ đưa ra chương trình kích thích kinh tế. Chúng ta có thể nhận thấy sự phục hồi một cách rõ ràng hơn trong tháng 3 năm nay,” ông Tim Leelahaphan nhận định.
Các chuyên gia của Standard Chartered cho rằng, môi trường thương mại toàn cầu được cải thiện sẽ hỗ trợ xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2022, mặc dù nhập khẩu có thể sẽ vẫn tăng cao.
Trong báo cáo “Vietnam at a glance - Kết thúc có hậu cho một năm khó khăn” mới công bố, Ngân hàng HSBC cũng nhận định, sau hai năm tăng trưởng chậm lại, Việt Nam sẽ tăng tốc tăng trưởng lên 6,5% trong năm 2022. Chính phủ cũng đã đặt mục tiêu GDP năm 2022 tăng 6,5-7%, tương đương với tốc độ tăng trưởng trước đại dịch.
Theo HSBC, khép lại năm 2021, Việt Nam phục hồi vững vàng sau giai đoạn “chạm đáy” tồi tệ nhất và tin rằng Việt Nam sẽ sớm lấy lại đà tăng trưởng vững vàng trên mọi mặt. Sản xuất và xuất khẩu kỳ vọng sẽ tiếp tục vị thế dẫn đầu, một phần là nhờ những cam kết thu hút đầu tư nước ngoài ổn định.
Mặt khác, nhu cầu trong nước nhiều khả năng sẽ phục hồi thêm khi các biện pháp hạn chế hiện tại dần được gỡ bỏ và thị trường lao động phục hồi.
HSBC cho rằng trở ngại lớn nhất cần lưu ý chính là đợt bùng dịch COVID-19 đang diễn ra, nhất là với sự xuất hiện của biến chủng Omicron có tốc độ lây lan mạnh và dịch bệnh hiện đã lan ra khắp cả nước.
[Standard Chartered: Năm 2022, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 6,7%]
“Điều đáng mừng là tình hình triển khai vaccine của Việt Nam đã tốt hơn trước rất nhiều, đủ để tránh việc giãn cách xã hội diện rộng như trước đây. Thành phố Hồ Chí Minh đã dẫn đầu cả nước trong việc triển khai tiêm bổ sung cho đối tượng ưu tiên từ đầu tháng 12/2021, còn Chính phủ đặt mục tiêu hết quý 1/2022 cả nước phải hoàn thành chiến dịch tiêm mũi bổ sung. Vì vậy, thời điểm có thể gỡ bỏ các quy định hạn chế và mở rộng hoạt động đi lại quốc tế sẽ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng ứng phó với đại dịch của Việt Nam,” báo cáo của HSBC nhận định.
Lạm phát có thể trở thành mối quan ngại?
Theo HSBC, trong khi nền kinh tế từng bước mở cửa trở lại, tác động do áp lực về giá lại diễn ra chậm hơn dự báo khá nhiều. Lạm phát tháng 12/2021 giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước, chênh lệch so với các mức dự báo (HSBC: 2,1%; Bloomberg: 2,3%; Prior: 2,1%).
Kết quả này khiến lạm phát của Việt Nam trong năm 2021 đạt mức 1,8%. Trong khi chi phí vận tải leo thang (tăng 11% so với cùng kỳ năm trước) là nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát; giá lương thực giảm một phần do hiệu ứng cơ sở thấp cộng thêm lạm phát do nhu cầu yếu đã cùng làm chậm tốc độ gia tăng lạm phát từ năm 2015 tới nay.
Các chuyên gia của HSBC cho rằng khi các hoạt động kinh tế trở lại bình thường trong năm 2022, áp lực về giá sẽ bắt đầu có tác động nhưng mức độ trong tầm kiểm soát. Dự báo lạm phát của Việt Nam sẽ tăng 2,7% trong năm 2022, thấp hơn mức trần 4% của Ngân hàng Nhà nước đưa ra.
Ở một góc nhìn khác, các chuyên gia của Standard Chartered lại cho rằng lạm phát có thể sẽ trở thành một mối quan ngại đối với Việt Nam trong năm 2022.
Các yếu tố về nguồn cung như giá cả hàng hóa cao hơn do tác động của dịch bệnh sẽ là nguyên nhân chính trong ngắn hạn. Nhu cầu sẽ gia tăng khi nền kinh tế tiếp tục đà hồi phục và phát triển.
Tình hình dịch bệnh kéo dài có thể sẽ dẫn đến những rủi ro lạm phát do vấn đề nguồn cung. Dự báo lạm phát của Việt Nam sẽ đạt lần lượt 4,2% và 5,5% trong năm 2022 và 2023.
Theo Standard Chartered, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ duy trì mức lãi suất chính sách ở mức 4% trong năm 2022 để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng và kiểm soát lạm phát và có thể sẽ thực hiện bình thường hóa chính sách vào năm 2023 với việc tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản lên 4,5% vào quý IV/2023.
Ngân hàng Standard Chartered duy trì triển vọng trung hạn tích cực đối với Việt Nam đồng (VND) trong bối cảnh cán cân thanh toán tiếp tục mạnh mẽ.
Mức tăng giá của VND kể từ tháng 7/2021 cho thấy Ngân hàng Nhà nước đã quản lý tỷ giá một cách linh động hơn. VND là một trong số những đồng tiền đang nổi ổn định nhất trong năm 2021.
Tuy nhiên, Standard Chartered dự đoán mức độ tăng giá của VND sẽ chậm lại, do tài khoản vãng lai của Việt Nam đang bị thâm hụt và tỷ giá USD/VND đang tiếp cận những giới hạn của biên độ tỷ giá.
Thặng dự cán cân thanh toán và sự linh động trong chính sách ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hỗ trợ VND trong trung hạn.
Ngân hàng Standard Chartered dự báo tỷ giá USD/VND sẽ đạt 22.500 đồng vào giữa năm 2022 và 22.300 đồng vào cuối năm 2022./.