Dự báo thế giới 2019: CPTPP cần mở rộng để tăng cường thương mại tự do

Báo Yomiuri của Nhật Bản gần đây có bài viết phân tích với tiêu đề “CPTPP có hiệu lực, mở rộng thêm các nước tham gia hướng đến tăng cường thương mại tự do.”
Dự báo thế giới 2019: CPTPP cần mở rộng để tăng cường thương mại tự do ảnh 1Đại diện 11 nước thành viên ký kết CPTPP tại Chile vào tháng 3/2018. (Nguồn: Reuters)

Báo Yomiuri của Nhật Bản gần đây có bài viết với tiêu đề “CPTPP có hiệu lực, mở rộng thêm các nước tham gia hướng đến tăng cường thương mại tự do.” Nội dung như sau:

Nhật Bản đang có mong muốn mở rộng các quy định tiên tiến, công bằng nhằm tăng cường thương mại tự do cho toàn cầu. Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với sự tham gia của 11 nước trong đó có Australia và Nhật Bản đã chính thức có hiệu lực khi 6 quốc gia thành viên kết thúc việc hoàn thành các thủ tục liên quan.

Theo đó, những quy tắc đầu tư, thương mại, sở hữu trí tuệ, cùng với việc bãi bỏ thuế quan đã được triển khai. Hàng hoá và dòng tiền lưu chuyển thuận lợi tại khu vực phát triển ấn tượng châu Á-Thái Bình Dương mang một ý nghĩa rất lớn đối với thương mại toàn cầu.

Các doanh nghiệp, người tiêu dùng Nhật Bản đang được hưởng nhiều lợi ích từ việc CPTPP có hiệu lực. Thuế quan đối với thịt bò nhập khẩu vào Nhật Bản từ mức 38,5% hạ xuống còn 27,5%; tới năm thứ 16 (sau khi CPTPP có hiệu lực) tức năm 2034 chỉ còn 9%.

Xuất khẩu xe ôtô du lịch vào Canada sẽ được loại bỏ thuế quan sau 5 năm nữa.

Trong tháng 2 tới, Hiệp định Liên kết kinh tế (EPA) giữa Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) cũng bắt đầu có hiệu lực. CPTPP và EPA sẽ là cơ hội để Nhật Bản mở rộng xuất khẩu.

Đối với các doanh nghiệp và nhà sản xuất Nhật Bản, điều quan trọng lúc này là phải xây dựng được chiến lược bán hàng, đầu tư có hiệu quả cao tận dụng hết lợi ích mà các hiệp định thương mại tự do mang lại.

[Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực từ ngày hôm nay]

Ngay từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra chủ trương "nước Mỹ trên hết" và rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - tiền thân của CPTPP ngày nay.

Mỹ đang tiếp tục thực hiện những hành vi "ích kỷ" như đơn phương áp đặt thuế quan, do vậy các nước tham gia CPTPP (vốn được hưởng những lợi ích của thương mại tự do) sẽ phải gây áp lực với Mỹ, nước đang thúc đẩy chủ nghĩa bảo hộ.

CPTPP cũng có một vai trò khác là "kiềm chế" Trung Quốc thực hiện hành vi bá quyền trong khu vực trên cả hai mặt kinh tế và quân sự.

Các nước thành viên đã đưa vào CPTPP nhiều quy định như chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, một khoản mục được cho là nhằm vào Trung Quốc. Nếu trong tương lai, quy định của CPTPP trở thành tiêu chuẩn quốc tế thì Trung Quốc sẽ khó có thể thực hiện hành vi này.

Tăng thêm số quốc gia thành viên là hướng đi không thể thiếu trong lộ trình mở rộng quy định về tiêu chuẩn của CPTPP ra toàn thế giới. 11 quốc gia thành viên CPTPP sẽ bắt đầu bàn bạc về quy chế đối với thành viên mới ngay trong tháng 1 này.

Hiện CPTPP đang nhận được sự quan tâm lớn của nhiều quốc gia trong khu vực như Thái Lan và Hàn Quốc...

Nhật Bản đã đóng vai trò "dẫn dắt" TPP khi Mỹ rút khỏi hiệp định này. Tokyo sẽ phải tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu khi các quốc gia mới tham gia đàm phán gia nhập CPTPP.

Theo đó, tập trung sức mạnh xây dựng các khu vực kinh tế, củng cố hơn nữa hệ thống thương mại tự do trở thành vấn đề quan trọng của Nhật Bản.

Bên cạnh đó, Tokyo cũng cần nhanh chóng thúc đẩy các bên đạt được thoả thuận trong đàm phán Hiệp định Đối tác Toàn diện khu vực (RCEP) có sự tham gia của Trung Quốc và Ấn Độ.

Cũng trong tháng 1 này, Nhật Bản bắt đầu đàm phán Hiệp định thương mại hàng hoá (TAG) với Mỹ. Nhiều khả năng Mỹ sẽ nâng một số điều kiện cao hơn TPP (như việc đưa vào các quy định về ngoại hối) nhằm chống lại các chính sách làm giảm giá tiền tệ, hay giải phóng thị trường nông nghiệp.

Do nội dung của CPTPP đã được thống nhất vào phút chót sau nhiều năm đàm phán nên Nhật Bản cũng cần phải tránh những nhượng bộ ngoài khuôn khổ CPTPP với Mỹ.

Nếu TAG có nội dung trùng với tiêu chuẩn của CPTPP, thì trong tương lai Mỹ cũng sẽ phải tính đến việc quay trở lại với CPTPP./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục