Du lịch Bình Thuận: Phát triển hài hòa giữa tự nhiên và văn hóa

Nguồn tài nguyên du lịch phong phú được khơi dậy, gắn với việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa đã đánh dấu cho sự vươn lên đầy ấn tượng của du lịch Bình Thuận.
Giải lướt ván buồm Fun Cup mở rộng năm 2019 tại Bình Thuận. (Ảnh: Hồng Hiếu/TTXVN)
Giải lướt ván buồm Fun Cup mở rộng năm 2019 tại Bình Thuận. (Ảnh: Hồng Hiếu/TTXVN)

Qua 24 năm hình thành và phát triển, ngành du lịch Bình Thuận đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, với nhiều hình thức du lịch đa dạng, những sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Khẳng định thế mạnh du lịch ven biển

Nằm cách đất liền 56 hải lý (khoảng 120km) theo hướng Đông-Đông Nam, huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận được biết đến là nơi có tiềm năng kinh tế biển rất lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch, khai thác và đánh bắt hải sản.

Được thiên nhiên ban tặng 192km bờ biển với những dải cát trắng kéo dài, thời tiết quanh năm ổn định, Bình Thuận là điểm đến lý tưởng của du khách vào bất cứ thời điểm nào trong năm.

Mũi Né hoang sơ với những rặng dừa và đồi cát đã được đánh thức, nhanh chóng trở thành điểm đến hấp dẫn du khách lẫn các nhà đầu tư trong nước, quốc tế. Nguồn tài nguyên du lịch phong phú được khơi dậy và đánh dấu cho sự vươn lên đầy ấn tượng của du lịch Bình Thuận.

Thêm vào đó, Bình Thuận còn có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp ven biển như Mũi Yến, Hòn Cau, hải đăng Kê Gà, Gành Son... Đặc biệt, Bình Thuận còn có dải resort cao cấp ven biển Hàm Tiến, Mũi Né - nơi ghi dấu ấn trong lòng du khách mà không nơi nào có được.

Bờ biển Phú Quý với những dải cát trắng mịn, nước biển trong xanh cũng là một món quà mà thiên nhiên ban tặng cho Bình Thuận, bao quanh đảo Phú Quý là 9 đảo nhỏ khác là những điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, với phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, hoang sơ và các bãi tắm đẹp.

Nhằm khai thác tối đa tiềm năng du lịch vốn có, huyện đảo Phú Quý đã tập trung phát triển các loại hình và sản phẩm du lịch gắn với biển, cũng như đa dạng hóa các loại hình du lịch hướng đến phát triển du lịch xanh và bền vững. Vì vậy, hình ảnh của huyện đảo ngày càng được nhiều người biết đến với nhiều loại hình du lịch đa dạng như du lịch sinh thái biển, du lịch văn hóa, tín ngưỡng...

Không chỉ có các dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp cùng phong cách ẩm thực độc đáo miền biển, Bình Thuận còn là nơi hội tụ của vận động viên, du khách đam mê môn thể thao trên biển. Với ưu đãi về nắng, gió, địa hình tự nhiên..., Bình Thuận trở thành một trong những nơi tốt nhất để tổ chức các môn thể thao như lướt ván buồm, lướt ván diều...

Nổi bật là Giải lướt ván buồm quốc tế Fun Cup được tổ chức đều đặn trong hơn 20 năm qua. Điều này minh chứng cho sức hấp dẫn của biển Mũi Né nói riêng và biển Bình Thuận nói chung.

Du lịch Bình Thuận: Phát triển hài hòa giữa tự nhiên và văn hóa ảnh 1Trình diễn nghệ thuật múa Chăm trên tháp chính trong Lễ hội Katê. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Khai thác giá trị di tích lịch sử văn hóa vào phát triển du lịch

Cùng với các loại hình du lịch biển, trong những năm qua, Bình Thuận chú trọng phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa. Nhiều di tích lịch sử văn hóa gắn với các lễ hội từ lâu đã thành “điểm hút” khách du lịch đến với Bình Thuận.

Việc khai thác các di tích lịch sử-văn hóa để phát triển du lịch không những đem lại các lợi ích kinh tế-xã hội, thúc đẩy ngành du lịch phát triển mà còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích, giới thiệu nét văn hóa của địa phương đến với khách du lịch trong và ngoài nước. 

Theo ông Nguyễn Chí Phú, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Thuận, trong những năm qua, công tác bảo tồn, gìn giữ di sản văn hóa nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, địa phương.

Hiện các di tích quốc gia và cấp tỉnh đều được khoanh vùng bảo vệ, tránh nguy cơ bị xâm hại. Các di tích được bảo tồn và phát huy giá trị không những góp phần phục vụ đời sống văn hóa tinh thần, tâm linh tín ngưỡng của nhân dân địa phương mà còn đáp ứng nhu cầu tham quan, thưởng ngoạn và nghiên cứu của du khách.

Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận hiện có hơn 300 di tích lịch sử-văn hóa và danh lam thắng cảnh đã được Sở Vở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phân loại, thẩm định giá trị và đưa vào danh mục nghiên cứu, bảo vệ. Trong đó, 28 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 40 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Phần lớn các di tích đều có giá trị tiêu biểu về kiến trúc, nghệ thuật, lịch sử, văn hóa và đang được khôi phục, giới thiệu, phục vụ phát triển du lịch.

Nhóm đền tháp Chăm Pô Sah Inư, tại Phú Hài, thành phố Phan Thiết là một trong những di tích kiến trúc nghệ thuật đã được xếp hạng cấp quốc gia.

Đây là nơi thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu nhất tại Bình Thuận. Nhóm tháp này không chỉ thu hút du khách bởi phong cách kiến trúc Hòa Lai-một trong những phong cách nghệ thuật cổ của Chămpa, mang dáng vẻ uy nghiêm và kỳ bí mà nơi đây còn có nhiều hoạt động văn hóa mang đậm nét văn hóa độc đáo của người Chăm, nhất là lễ hội Katê.

Ngoài tái hiện lễ hội Katê hàng năm, Ban quản lý còn tổ chức nhiều hoạt động giới thiệu văn hóa Chăm như Triển lãm hiện vật, trang phục, đồ gốm của người Chăm; biểu diễn nhạc cụ Chăm…

Một khu di tích lịch sử cấp Quốc gia không thể thiếu là Dinh Vạn Thủy Tú. Đây là một công trình kiến trúc nghệ thuật cổ gắn liền với lịch sử và văn hóa của nghề đi biển, đặc biệt là tục thờ cúng thần Nam Hải (cá Ông-cá voi) của ngư dân tỉnh Bình Thuận nói chung và Phan Thiết nói riêng.

Ngoài chức năng lưu giữ và thờ phụng cá Ông, nhất là bộ xương cá Ông dài và lớn nhất Việt Nam và cả Đông Nam Á với niên đại khoảng 100 năm (dài 22 m, nặng 65 tấn), Vạn Thủy Tú còn là thiết chế văn hóa mang tính cộng đồng của ngư dân với nhiều hoạt động tín ngưỡng mang đậm đặc trưng xứ biển.

Du khách đến tham quan không chỉ được chiêm ngưỡng tận mắt bộ xương cá Ông mà còn được tìm hiểu cuộc sống của ngư dân làng chài.

Ngoài hai khu di tích kể trên, tại Bình Thuận còn nhiều khu di tích nổi tiếng, thu hút nhiều du khách đến tham quan, tìm hiểu và nghiên cứu như: Khu di tích trường Dục Thanh (thành phố Phan Thiết); dinh Thầy Thím (thị xã Lagi) gắn với lễ hội Dinh Thầy Thím; chùa Núi Tà Cú (huyện Hàm Thuận Nam), cụm di tích chùa Cổ Thạch (huyện Tuy Phong)…

Bên cạnh khai thác lợi thế thiên nhiên với việc phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng kết hợp thể thao trên biển, du lịch khám phá, Bình Thuận còn tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng nhiều điểm đến, các sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng như Bảo tàng nước mắm, Làng chài xưa, Lâu đài rượu vang…

Lượng khách liên tục tăng qua các năm, nhất là khách quốc tế là bằng chứng cho sự phát triển của du lịch Bình Thuận.

Nếu như năm 1995 toàn tỉnh Bình Thuận mới đón 53.200 lượt khách, đến năm 2018, lượng khách đến với tỉnh đạt 5,7 triệu lượt, trong đó khách du lịch quốc tế khoảng 675 nghìn lượt. Lượng khách du lịch đến tỉnh tăng bình quân 12,86%/năm, trong đó khách quốc tế tăng bình quân 14%/năm. Doanh thu từ khách du lịch tăng bình quân 19,2%/năm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục