Dư luận quốc tế nêu đánh giá tích cực về ADMM+

Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng lần thứ nhất được dư luận quốc tế đánh giá là bước đi lịch sử, thúc đẩy hợp tác an ninh.
Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng lần thứ nhất (ADMM+) với chủ đề “ADMM+: Hợp tác chiến lược vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực” tại Hà Nội ngày 12/10 được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm và nhìn nhận một cách tích cực.

Với sự tham gia của Bộ trưởng Quốc phòng 10 nước ASEAN và Bộ trưởng Quốc phòng của tám nước đối tác đối thoại gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, New Zealand, Australia, Nga và Mỹ, mạng tin American Forces Press Service của Mỹ ngày 11/10 cho rằng hội nghị là bước đi lịch sử đáng hoan nghênh để tiến tới mức cao hơn của cuộc đối thoại an ninh và khu vực.

Mạng tin dẫn phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert M. Gates cho rằng hội nghị sẽ góp phần xây dựng lòng tin giữa các nước trong toàn khu vực và đây là một biểu hiện quan trọng cho thấy cam kết của tất cả các chính phủ đối với một tương lai hòa bình và vững chắc cho châu Á.

Bản tin phát bằng tiếng Việt của đài Bắc Kinh cho rằng sự ra đời của cơ chế “Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng 10+8” đã nêu bật nguyện vọng chung tay hợp tác giữa các nước.

Cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng được thành lập cũng như hội nghị lần thứ nhất được triệu tập là phù hợp với lợi ích chung của các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trung Quốc mong đợi các bên đồng tâm hiệp lực thúc đẩy hội nghị thu được thành quả thiết thực.

Trong khuôn khổ cơ chế mới này, Trung Quốc sẽ cùng với các nước, đặc biệt là các nước ASEAN, mở rộng hợp tác về các mặt cứu hộ cứu nạn, giữ gìn hòa bình, chống khủng bố, quân y cũng như an ninh trên biển, làm cho châu Á-Thái Bình Dương trở thành khu vực an ninh hơn và có sức sống hơn.

Trước đó, dưới tiêu đề “Quan tâm Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng đầu tiên,” mục “Bình luận thời sự quốc tế” của hãng tin Tân Hoa xã ngày 9/10 đăng bài cho rằng việc xây dựng cơ chế ADMM+ và tổ chức hội nghị lần đầu tiên tại Hà Nội là phù hợp với lợi ích chung của các nước châu Á-Thái Bình Dương, có lợi cho việc bảo vệ hòa bình, ổn định và phồn vinh của khu vực.

Bài viết cũng nêu bật quan điểm của Việt Nam, với tư cách là Chủ tịch của ASEAN năm 2010 và là nước đăng cai tổ chức hội nghị ADMM+ lần thứ nhất, khẳng định về các mục đích và nguyên tắc của hội nghị, trong đó có nguyên tắc ASEAN luôn đóng vai trò trung tâm, mang tính chất động lực thúc đẩy, vì phương thức hợp tác này được tiến hành trong khuôn khổ khu vực ASEAN.

Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia Học viện Quốc phòng Australia, đánh giá sự ra đời của ADMM+8 rất có ý nghĩa và quan trọng vì “đây là lần đầu tiên ASEAN gặp gỡ, thảo luận với tám quốc gia đối thoại ở cấp Bộ trưởng Quốc phòng. Nước chủ nhà Việt Nam đã thành công khi nhận được sự đồng ý tham gia của Bộ trưởng Quốc phòng tất cả các nước liên quan.”

Theo phân tích của ông Thayer, Hội nghị ADMM+ là một cơ cấu “đối thoại quốc phòng mới và khác biệt so với các diễn đàn hiện có.”

Báo Bưu điện Jakartar của Indonesia ngày 12/10 cho rằng, hội nghị ADMM+ lần thứ nhất này vừa được coi là "thử thách quan trọng" đối với ASEAN khi mời các nước lớn cùng tham gia một diễn đàn vừa cho phép ASEAN thể hiện "kỹ năng ngoại giao" trong quan hệ với các nước lớn.

Báo Độc Lập của Nga ngày 12/10 đăng bài nêu rõ, cuộc gặp tại thủ đô Hà Nội hội tụ số đại biểu tham gia đông chưa từng có, với 18 Bộ trưởng Quốc phòng các nước tham dự.

Ông Ian Storey, học giả Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore cho rằng, điều quan trọng đối với ADMM+ lần đầu tiên là cần tạo đà thiết lập các nhóm làm việc thực tế và nhất trí về việc gặp gỡ ít nhất mỗi năm một lần.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Geoff Morrell nhận định, diễn đàn lần đầu tiên này “sẽ tạo điều kiện cho các cuộc trao đổi quan điểm thường xuyên hơn, giúp xây dựng lòng tin và sự minh bạch trong khu vực.”

Ngoài các nội dung thảo luận chung tại hội nghị được đánh giá là “mang tầm vóc quan trọng” này, dư luận thế giới cũng đặc biệt chú ý đến những cuộc tiếp xúc bên lề ADMM+ tại Hà Nội giữa Bộ trưởng Quốc phòng các nước nhằm cải thiện quan hệ song phương và vì lợi ích chung của toàn khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục