Đưa cát đắp nền về công trường dự án Vành đai 3 TP.HCM vào cuối tháng 8

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố Hồ Chí Minh (chủ đầu tư) cho biết, đến giữa tháng 8, lượng cát đã đưa về công trường hơn 700.000 m3.

Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Bùi Giang/TTXVN)
Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Bùi Giang/TTXVN)

Thời gian qua, việc thi công tại dự án Vành đai 3 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do thiếu nguồn vật liệu cát đắp nền. Hiện chủ đầu tư cùng các nhà thầu đang nỗ lực đưa cát về công trường trong những ngày cuối tháng 8/2024 để phục vụ công tác cắm bấc thấm (vật liệu địa kỹ thuật dùng để thoát nước) và gia tải nền đất yếu, qua đó đáp ứng tiến độ chung cho dự án.

Vành đai 3 dài hơn 76 km với tổng mức đầu tư gần 75.400 tỷ đồng, đi qua địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An với 8 dự án thành phần, mỗi địa phương thực hiện hai dự án gồm giải phóng mặt bằng và xây lắp.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến đường dài hơn 47 km; trong đó, dự án thành phần 1 (xây lắp) có vốn 22.412 tỷ đồng. Tổng nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường thuộc dự án thành phần 1 khoảng 7,1 triệu m3, riêng năm 2024 cần khoảng 4,7 triệu m3. Theo mục tiêu đến cuối tháng 8 có thể bắt đầu cắm bấc thấm và gia tải nền đất yếu, công trường cần khoảng 2 triệu m3 cát.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố Hồ Chí Minh (chủ đầu tư) cho biết, đến giữa tháng 8, lượng cát đã đưa về công trường hơn 700.000 m3.

Thách thức lớn nhất hiện nay là nhà thầu phải chủ động tìm kiếm các nguồn cát để tiếp tục đưa về hơn 1 triệu m3 trong tháng 8. Việc cung cấp cát sẽ đi vào ổn định, quá trình gia tải sẽ diễn ra đến tháng 6/2025.

Theo chủ đầu tư, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, đến nay các khó khăn, vướng mắc về khai thác vật liệu cát đắp nền đường cho dự án cơ bản đã được tháo gỡ.

Hiện Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Tổ công tác vật liệu cùng chủ đầu tư đang tích cực phối hợp, làm việc với các địa phương để hoàn thiện các thủ tục cấp phép các mỏ phục vụ cho dự án đường Vành đai 3 theo tiến độ.

Từ tháng 9 trở đi, dự kiến nguồn cát từ 3 tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang sẽ về bắt đầu về công trường, sau khi hoàn thành thủ tục cấp phép khai thác mỏ.

Tỉnh Tiền Giang, với 3 mỏ đợt 1 sẽ hoàn thành thủ tục cấp phép cuối tháng 8/2024 và đợt 2 cuối tháng 9/2024. Tổng khối lượng cung cấp 6,6 triệu m3, trong năm 2024 là 3 triệu m3.

Tỉnh Vĩnh Long sẽ hoàn thành các thủ tục và cấp cát cho dự án Vành đai 3 vào cuối tháng 8, tổng khối lượng cát cung cấp 1,4 triệu m3 (năm 2024 là 700.000 m3). Tỉnh Bến Tre sẽ cấp cát cho dự án trong tháng 12, tổng khối lượng 2 triệu m3, trong đó năm 2024 là 1 triệu m3.

“Như vậy, có thể nói đến nay tiến độ cấp phép theo cam kết của 3 địa phương (Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre) với khối lượng trên là đáp ứng nhu cầu và tiến độ thi công của dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh,” ông Lương Minh Phúc chia sẻ.

Dự án đường Vành đai 3 đoạn qua Thành phố Hồ Chí Minh (dự án thành phần 1) gồm có 14 gói thầu xây lắp, trong đó 10 gói thầu xây lắp chính và 4 gói thầu phục vụ vận hành, khai thác.

Đến nay, 4 gói thầu xây lắp chính khởi công giữa năm 2023 đã đạt 25% khối lượng. Nhà thầu đang tăng tốc thi công hạng mục cầu, hầm trên tuyến, đồng thời đẩy nhanh thi công nền đường đoạn xử lý đất yếu.

Các gói thầu xây lắp còn lại khởi công đầu năm 2024 cũng đã đạt 9% khối lượng. Hiện nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục kết cấu phần dưới công trình trên tuyến và triển khai đồng loạt công tác xử lý đất yếu.

Theo ông Lương Minh Phúc, khối lượng sẽ tăng lên khi các bên hoàn tất đưa cát về công trường và bắt đầu quá trình gia tải. Cùng với đó, hiện chủ đầu tư và các nhà thầu đang triển khai xử lý cục bộ các khu vực nằm trên đường găng, đảm bảo không kéo dài thời gian gia tải, phấn đấu giữ nguyên tiến độ hoàn thành dự án theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính Phủ.

“Một trong những giải pháp khác là huy động tổng lực thi công “3 ca, 4 kíp” xuyên suốt ngày đêm ở giai đoạn tiếp theo khi xử lý mặt đường. Mục tiêu vẫn là thông xe kỹ thuật đoạn cao tốc đầu năm 2026 và thông xe toàn tuyến giữa năm 2026," ông Lương Minh Phúc cho biết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục