Cơ quan quản lý cạnh tranh của Đức (Bundeskartellamt) ngày 10/12 thông báo mở một cuộc điều tra nhằm vào Facebook sau khi Facebook quyết định liên kết các sản phẩm thực tế ảo Oculus với mạng xã hội này.
Bundeskartellamt cho biết đang xem xét cáo buộc lạm dụng đối với kế hoạch của Facebook yêu cầu người sử dụng kính thực tế ảo phiên bản mới nhất Quest 2 do Oculus, cũng thuộc Facebook, sản xuất phải đăng ký bằng tài khoản của mạng xã hội này.
Người đứng đầu Bundeskartellamt, ông Andreas Mundt cho rằng cách liên kết này có thể là hành vi lạm dụng ưu thế để giữ độc quyền. Hiện Facebook là mạng xã hội "thống trị" ở Đức, đồng thời là nhà sản xuất lớn trên thị trường sản phẩm thực tế ảo mới nổi nhưng đang phát triển này.
Bundeskartellamt dự định điều tra xem thỏa thuận ràng buộc này có ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh trên cả 2 lĩnh vực hoạt động trên hay không và ở mức độ nào.
[Lý do nào thúc đẩy Facebook sản xuất tai nghe thực tế ảo Oculus?]
Theo hãng tin AP, phản ứng trước thông tin trên, Facebook cho biết đã dừng bán các sản phẩm của Oculus tại Đức trong năm nay. Facebook không cho biết thêm chi tiết về việc đưa ra quyết định này, nhưng nhấn mạnh rằng không liên quan đến cuộc điều tra của Bundeskartellamt.
Theo Facebook, dù các thiết bị Oculus hiện không được bán tại Đức, nhưng mạng xã hội này sẽ vẫn hợp tác đầy đủ với Bundeskartellamt và tự tin là có thể chứng minh được cuộc điều tra trên không có cơ sở.
Trong năm nay, Facebook thông báo tất cả người dùng Quest 2 sẽ phải đăng nhập thiết bị bằng tài khoản Facebook; người sử dụng các sản phẩm khác của Oculus có thể hợp nhất tài khoản của họ hoặc tiếp tục sử dụng tài khoản Oculus cho đến tháng 1/2023. Facebook đã mua lại hãng công nghệ thực tế ảo Oculus vào năm 2014 và đổi tên Oculus Connect thành Facebook Connect.
Cuộc điều tra của Bundeskartellamt diễn ra chỉ một ngày sau khi các cơ quan chống độc quyền của liên bang và các bang tại Mỹ đã khởi kiện Facebook với cáo buộc mạng xã hội này lạm dụng vị thế dẫn đầu để giữ độc quyền, đồng thời tìm cách đảo ngược các thỏa thuận của Facebook thu mua các ứng dụng tin nhắn Instagram và WhatsApp. Đây cũng không phải lần đầu tiên Facebook đối mặt với các cơ quan chống độc quyền tại Đức.
Năm 2019, Bundeskartellamt cáo buộc Facebook đang lợi dụng ưu thế của mình để đạt được mục tiêu quảng cáo tốt hơn bằng cách buộc người dùng phải chia sẻ dữ liệu từ các dịch vụ khác cũng do Facebook sở hữu như Instagram và WhatsApp, cũng như các trang web của bên thứ 3 thông qua nút "Like" và "Share." Vụ việc này vẫn chưa có hồi kết./.