Theo một nghiên cứu của Viện Prognos, tình trạng thiếu hụt lao động đang ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện các mục tiêu quan trọng mà Chính phủ Đức đã đặt ra.
Các dự án trọng tâm trong nhiều lĩnh vực, từ chuyển đổi năng lượng, mở rộng hệ thống giao thông, phát triển xe điện, xây dựng nhà ở cho tới cải thiện hệ thống y tế, chăm sóc trẻ... có nguy cơ không thể hoàn thành.
Ví dụ, trong lĩnh vực xây dựng nhà ở, Chính phủ Đức có kế hoạch xây mới 400.000 căn hộ mỗi năm. Nhưng chỉ có khoảng 930.000 người đang làm việc trong ngành xây dựng và số lượng lao động sẽ giảm dần cho đến cuối thập kỷ này, được cho là còn thiếu nhiều so với nhu cầu thực tế. Do đó mục tiêu đặt ra khó có thể đạt được.
Theo chuyên gia Oliver Ehrentraut - người đứng đầu nghiên cứu trên, Chính phủ Đức nên đánh giá lại các mục tiêu của mình. Việc đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng là đúng đắn nhưng cũng cần phải có tính khả thi.
[Khủng hoảng lao động - Quả bom hẹn giờ đối với nền kinh tế Đức]
Từ nhiều năm qua, các công ty của Đức đã cảnh báo về một quả bom hẹn giờ ngay chính tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu với nguyên nhân chính là do thiếu hụt lao động lành nghề. Vấn đề này đã trở thành chủ để gây tranh cãi và ngày càng trở nên gay gắt.
Các công ty trong nhiều lĩnh vực đã chia sẻ rằng họ vô cùng khó khăn trong việc tìm kiếm lao động có tay nghề và tình hình đang trở nên tồi tệ hơn.
Chính phủ Đức cho rằng nhập cư là một trong những giải pháp và hy vọng quốc hội sẽ thông qua luật cải cách nhập cư sửa đổi trong vài tuần tới.
Với luật mới, Đức có thể trở thành một điểm đến hấp dẫn hơn đối với người lao động nước ngoài.
Phát biểu với tờ Financial Times trong tuần này, Bộ trưởng Lao động Hubertus Heil cho biết: “Nếu chúng ta không hành động gì, đến năm 2035, Đức sẽ thiếu 7 triệu lao động.”
Ông chia sẻ nỗi lo của nhiều doanh nghiệp rằng nếu không hành động từ bây giờ, sự thiếu hụt lao động không lâu nữa sẽ bắt đầu ảnh hưởng đến tăng trưởng của Đức./.