Đường hầm qua eo biển Manche: "Giấc mơ” đã sinh lãi

Đường hầm qua eo biển Manche: "Giấc mơ” vươn tới thành công

Phải mất gần 2 thập niên, việc kinh doanh đường hầm qua eo biển Manche mới bắt đầu có lãi với lượng vận tải hành khách qua đường hầm đạt mức cao kỷ lục.
Đường hầm qua eo biển Manche: "Giấc mơ” vươn tới thành công ảnh 1Đường hầm qua eo biển Manche. (Nguồn: paul-andreu.com)

Ngày 6/5 cách đây 20 năm, Nữ hoàng Anh Elizabeth II và cựu Tổng thống Pháp Francois Mitterrand đã chính thức cắt băng khánh thành Đường hầm qua eo biển Manche, góp phần hiện thực hóa giấc mơ nhiều thế kỷ nối liền Pháp và Xứ sở Sương mù bằng đường hầm chạy ngầm dưới biển.

Tuy nhiên, cũng phải mất gần hai thập niên, Eurotunnel - hãng vận hành con đường hầm này - mới bắt đầu chạm được tới cánh cửa thành công, kinh doanh có lãi với lượng vận tải hành khách qua đường hầm đạt mức cao kỷ lục.

Những thăng trầm của “con đường hầm thế kỷ”

Được ví như "cuộc phiêu lưu kỳ thú" trong ngành công nghiệp, dự án huy động sự tham gia và đóng góp công sức của 12.000 kỹ sư, kỹ thuật viên và lao động này đã “dệt” nên giấc mơ 200 năm của người Anh và Pháp khi hoàn tất con đường hầm đường sắt ngầm dưới biển dài nhất thế giới với chiều dài tổng cộng 50,5km, trong đó riêng đoạn chạy ngầm dưới biển Manche dài 37,9km.

Đường hầm qua eo biển Manche - người Pháp gọi là “Le tunnel sous la Manche” còn người Anh gọi là “Channel Tunnel” - đã giành được “Giải thưởng cơ khí toàn cầu của Thế kỷ”do Hiệp hội kỹ sư tư vấn toàn cầu trao tặng.

Con đường đến thành công luôn không dễ dàng, nhất là đối với một dự án được ấp ủ nhiều thế kỷ như dự án Đường hầm qua eo biển Manche. Con đường hầm này đã trải qua chặng đường dài và gập ghềnh để có thể nối dài “giấc mơ” thành hiện thực.

Ý tưởng giúp Anh chấm dứt những tháng ngày là một hòn đảo cô độc giữa đại dương thông qua việc đào một đường hầm tới Pháp đã xuất hiện từ thế kỷ thứ 18. Dự án đầu tiên được đưa ra là vào thập kỷ 1970 song nó sớm bị “bỏ rơi.”

Phải đến ngày 12/2/1986 khi hiệp ước Canterbury về khởi công xây dựng Đường hầm qua eo biển Manche được chính thức ký kết dưới sự chứng kiến của cựu Tổng thống Pháp Mitterrand và nguyên Thủ tướng Vương quốc Anh Margaret Thatcher, người ta mới có thể tạm yên tâm “giấc mơ nhiều thế kỷ” sẽ không “mãi chỉ là giấc mơ.”

Hợp đồng xây dựng khi đó được trao cho một côngxoócxium có tên gọi là TransManche Link gồm 10 công ty xây dựng của Anh và Pháp thi công, với lời khẳng định của Thủ tướng Thatcher “không dùng một đồng xu của người dân.”

Sau bao chờ mong, ngày 6/5/1994, lễ khai trương Đường hầm qua eo biển Manche ở độ cao 100m so với mực nước biển (nối liền Folkestone, Kent ở Anh với Coquelles gần Calais ở phía Bắc nước Pháp) đã diễn ra sau sáu năm xây dựng và với tổng chi phí 100 tỷ franc (21 tỷ USD), tức là gấp đôi con số dự trù trước đó.

Sáu tháng sau lễ khai trương, chuyến tàu cao tốc đầu tiên Eurostar chính thức được đưa vào phục vụ khách đi các tuyến Paris - London và London - Brussels. Hành khách đi tàu chuyến Paris-London mất khoảng ba tiếng và sáu phút, trong đó thời gian qua đường hầm này khoảng 20 phút, trong khi hành khách đi chuyến London-Brussels (Bỉ) mất khoảng ba tiếng và 15 phút.

Các tàu chạy chặng ngắn cũng được đưa vào hoạt động để vận chuyển xe ôtô con, xe buýt và xe tải qua hầm.

Đường hầm qua eo biển Manche khai thông là thành công lớn đối với người Pháp và người Anh, song thành công không phải lúc nào cũng được nối tiếp bởi thành công. Sau năm 1994, tuyến đường hầm này đã trải qua nhiều khó khăn về tài chính, nhiều lúc tưởng “nhấn chìm” Eurotunnel, hãng ký hợp đồng vận hành đường hầm này tới năm 2086.

Tuy nhiên, mọi khó khăn - từ trận cháy trên đoàn tàu chở xe hồi tháng 11/1996 khiến đường hầm bị đóng cửa một phần trong một thời gian, sự kiện hàng trăm người nhập cư ở trại tị nạn Sangatte ở Calais đã cố gắng vượt đường hầm này để vào Anh trong dịp Giáng Sinh năm 2001 gây bất đồng nhỏ về ngoại giao, việc dịch vụ vận tải qua đường hầm này thỉnh thoảng bị hủy và thường xuyên bị chậm, đến những ý kiến cho rằng kinh tế Anh, Pháp có thể tăng trưởng tốt hơn nếu không phải đầu tư xây dựng đường hầm - đều không thể cản trở triển vọng tươi sáng của con đường hầm thế kỷ.

“Ánh sáng cuối đường hầm”

Với hai dịch vụ vận tải khách và xe riêng biệt, Đường hầm qua eo biển Manche giờ đây trở thành đối thủ cạnh tranh đáng gờm đối với dịch vụ vận tải bằng phà đường biển và dịch vụ hàng không trên tuyến Paris-London.

Nếu như vào năm 1994, có tới 75% người Anh nói rằng họ không có ý định sử dụng tuyến đường ngầm dưới biển này để tới Pháp, thì tới tháng 10/2012 (năm 2012 là năm diễn ra Thế vận hội London), Eurotunnel đã đón vị khách thứ 300 triệu qua đường hầm này. Và sau tất cả những thất vọng ban đầu, số người sử dụng đường hầm này ngày càng tăng.

Đến năm 2013, ước tính đã có gần 325 triệu lượt khách đi qua đường hầm, trong đó riêng năm 2013 đón trên 20 triệu lượt khách. Trong khi đó, dịch vụ vận chuyển chặng ngắn của Eurotunnel đã chuyên chở 2,5 triệu lượt ôtô và 1,4 triệu lượt xe tải.

Ngày càng có nhiều người Anh lái xe lên tàu chặng ngắn của Eurotunnel để sang Pháp, trong khi người Pháp dường như chưa sẵn sàng sử dụng dịch vụ này.

Năm 2013, Eurotunnel có tổng cộng 3.700 nhân viên và thu về khoản lợi nhuận ròng 101 triệu euro (140 triệu USD). Lần đầu tiên từ trước tới nay, doanh thu của hãng cán mốc 1,1 tỷ euro trong năm 2013.

Trước đó, núi nợ, khối lượng vận tải khách và xe không được như ý muốn, cộng thêm các cuộc tranh cãi thường xuyên giữa các cổ đông và ban quản lý đã khiến Eurotunnel sa sút trong nhiều năm.

Nếu như năm 1987, thời điểm trước khi đường hầm được khởi công xây dựng, những háo hức và hy vọng vào triển vọng tươi sáng của dự án này đã đẩy cổ phiếu của Eurotunnel lên mức 35 franc Pháp (tương đương 5,34 euro hiện nay)/cổ phiếu, thì 15 năm sau đó cổ phiếu này chỉ còn vài xu Pháp. Thậm chí, có thời điểm cổ phiếu của Eurotunnel bị ngừng giao dịch trong nhiều tháng.

Nợ lớn cũng khiến Eurotunnel suýt bị phá sản vào năm 1996 và năm 2006. Câu chuyện chỉ “bắt đầu có hậu” sau khi hãng này đạt được một thỏa thuận tái cơ cấu, mở đường cho sự hồi sinh của con đường hầm này. Khoảng 400.000 cổ đông nhận khoản cổ tức đầu tiên vào năm 2009, dù chỉ vài xu Pháp (0,04 euro)/cổ phiếu.

Trong báo cáo công bố hồi tháng 3/2014, Giám đốc điều hành Eurotunnel, Jacques Gounon, đã phải thốt lên: “Lần đầu tiên trong lịch sử nhiều trắc trở của Eurotunnel, tình hình hoạt động của hãng là rất đáng hài lòng và chúng tôi tin tưởng vào tương lai.”

Vị Giám đốc này dự báo Eurotunnel sẽ nộp thuế công ty lần đầu tiên trong năm tới và các cổ đông có thể trông chờ cổ tức tăng lên trong năm 2014 và 2015, sau khi đã tăng khoảng 25% lên 15 xu/cổ phiếu trong năm 2013.

Eurotunnel đang nhắm tới mục tiêu đưa lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) từ mức 449 triệu euro trong năm 2013 lên 460 triệu euro năm 2014 và 500 triệu euro năm 2015.

Giám đốc điều hành Gounon tin tưởng triển vọng của Eurostar sẽ “sáng” hơn rất nhiều một khi các tuyến đường sắt cao tốc mới, chẳng hạn với Geneva (Thụy Sỹ), được mở thêm. Eurotunnel mới đây đã công bố kế hoạch Eurostar kết nối chặng London-Marseille vào năm 2015 và London-Amsterdam năm 2017.

Công ty đường sắt Deutsche Bahn (Đức) dự kiến sẽ bắt đầu sử dụng Đường hầm qua eo biển Manche từ năm 2016./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục