Mặc dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, song với nhiều giải pháp linh hoạt và quyết liệt, Hà Nội đã hoàn thành thắng lợi nhiều chỉ tiêu kinh tế-xã hội.
Đơn cử, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn cả năm 2021 ước đạt 262.984 tỷ đồng, bằng 111,7% dự toán Trung ương giao; Chi ngân sách địa phương năm 2021 ước đạt 84.773,9 tỷ đồng, bằng 87,2% dự toán Trung ương giao.
Đáng chú ý, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2021 ước tăng 4,8% (năm 2020, tăng 4,7%); Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm 2021 tăng 1,77% (năm 2020 tăng 2,67%), thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây…
Dưới đây là 10 sự kiện tiêu biểu của Thủ đô năm 2021, do thành phố Hà Nội bình chọn:
Sớm đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố vào cuộc sống
Thành phố đã phối hợp với các cơ quan Trung ương triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào thành công Đại hội XIII của Đảng.
Quyết tâm, gương mẫu sớm đưa Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống, Thành ủy đã sớm ban hành 10 Chương trình công tác toàn khóa, trong đó có Chương trình số 01-CTr/TU về “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025.”
[Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII xem xét 6 vấn đề quan trọng]
Thành ủy cũng ban hành Nghị quyết chuyên đề về công tác cán bộ, Nghị quyết số 04-NQ/TU “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo” để xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm với các nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp
Thành phố đã chủ động, triển khai sớm các bước công việc về bầu cử trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp; với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn Thủ đô đã thành công rất tốt đẹp, đúng quy định của pháp luật, dân chủ, an toàn, ngày bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân.
Số lượng cử tri đi bầu đạt tỷ lệ 99,16%, cao hơn nhiệm kỳ 2016-2021. Thành phố đã bầu đủ 29 đại biểu Quốc hội, 95 đại biểu HĐND Thành phố theo đúng cơ cấu, số lượng; 30 quận, huyện, thị xã đã bầu được 1.052 đại biểu Hội đồng nhân dân quận, huyện, thị xã; cấp xã, phường đã bầu được 10.593 đại biểu Hội đồng nhân dân xã, thị trấn.
Thành công của cuộc bầu cử là cơ sở quan trọng để tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hơn nữa năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp.
Kinh tế Hà Nội thể hiện rõ xu hướng phục hồi
Trước bối cảnh dịch bệnh COVID-19 có những diễn biến phức tạp, khó lường, thành phố đã chỉ đạo quyết liệt, thống nhất, cùng với sự vào cuộc thực chất, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, góp công, góp sức, đoàn kết đồng lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, Hà Nội đã chủ động, khẩn trương triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống và kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh.
Đặc biệt, Hà Nội đã triển khai chiến dịch tiêm chủng diện rộng trên địa bàn với quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Đến ngày 28/12/2021 đã tiêm được 11.767.691 mũi cho các đối tượng đủ điều kiện.
Thông qua các gói hỗ trợ an sinh xã hội của Trung ương và chính sách hỗ trợ đặc thù của Hà Nội đã hỗ trợ cho 5,314 triệu lượt đối tượng với tổng kinh phí chi hỗ trợ là hơn 6.506,3 tỷ đồng.
Cùng với đó, kinh tế của Thủ đô đã thể hiện rõ xu hướng phục hồi (GRDP quý 4 tăng 6,69%), dự kiến tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2021 của thành phố tăng 2,92%. Số thu ngân sách thực hiện ước đạt 238.729 tỷ, bằng 110,1% kế hoạch.
Hà Nội chính thức thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị
Tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 về “Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.”
Theo đó, mô hình chính quyền đô thị ở Hà Nội được tổ chức gồm: Chính quyền địa phương ở thành phố Hà Nội, quận, huyện, thị xã, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương có tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân; chính quyền địa phương ở các phường thuộc quận, thị xã tại thành phố Hà Nội là Ủy ban Nhân dân phường (không tổ chức Hội đồng Nhân dân.)
Việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị ở Hà Nội nhằm hướng đến mục tiêu tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương, phù hợp với đặc điểm đô thị ở Hà Nội. Việc thực hiện thí điểm bước đầu đạt hiệu quả.
Hoàn thành và công bố 6 đồ án Quy hoạch phân khu nội đô lịch sử, triển khai Đề án cải tạo chung cư cũ
Hà Nội đã công bố 6 đồ án Quy hoạch phân khu nội đô lịch sử, tỷ lệ 1/2.000. Vị trí các phân khu nội đô thuộc địa giới hành chính quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng.
Phạm vi ranh giới từ Vành đai 2 tới hữu ngạn sông Hồng. Diện tích lập quy hoạch là 2.709,75ha, dân số đến năm 2030 và 2050 là 672.000 người.
Mục tiêu quan trọng của quy hoạch lần này là từng bước thực hiện lộ trình giãn dân khu vực đô thị lõi theo định hướng của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thành ủy đã ban hành Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 20/9/2021 thống nhất chủ trương “Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội” và tại kỳ họp thứ 2 Hội đồng Nhân dân thành phố 100% đại biểu đã tán thành.
Dự kiến khởi công đợt 1 chung cư cũ vào quý 2/2023. Trong đó, bố trí nguồn vốn ngân sách khoảng 500 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2025. Ưu tiên kiểm định trước đối với chung cư cũ nguy hiểm, có nguy cơ sụp đổ, chung cư hư hỏng nặng.
Giáo dục và đào tạo thành tích cao đạt kết quả nổi bật
Với 139 thí sinh đạt giải, Hà Nội tiếp tục là địa phương có số học sinh đạt nhiều giải nhất trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Tại các kỳ thi Olympic thế giới và khu vực: đạt tổng số 365 giải và 62 huy chương các loại.
Dấu ấn nổi bật trong năm 2021 là kết quả đặc biệt xuất sắc của học sinh Hà Nội trong các kỳ thi Olympic quốc tế với 5/12 huy chương Vàng của cả nước ở các môn Toán học-IMO 2021 (1 huy chương Vàng), Vật lý-IPhO 2021 (2 huy chương Vàng) và Hóa học-IChO 2021 (2 huy chương Vàng).
Kỳ thi Olympic quốc tế về Thiên văn học và Vật lý Thiên văn lần thứ 14 (IOAA 14), 5/5 học sinh Hà Nội đại diện Việt Nam dự thi đã đạt thành tích cao với 100% số thí sinh đoạt Huy chương (2 huy chương Vàng, 1 huy chương Bạc, 2 huy chương Đồng). Đây là thành tích cao nhất trong các lần dự thi Olympic của học sinh Việt Nam.
Hoàn thành và đưa vào sử dụng một số Dự án giao thông lớn
Nhiều công trình hạ tầng giao thông lớn trên địa bàn Thủ đô đã hoàn thành và đưa vào sử dụng: Đường sắt Cát Linh-Hà Đông, cầu vòm thép vượt hồ Linh Đàm, Nút giao đường Vành đai 3 với cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, Sáu nhánh lên xuống cầu cạn vành đai 3, đoạn Mai Dịch-cầu Thăng Long … góp phần giúp giao thông Thủ đô từng bước được hoàn thiện, tăng khả năng kết nối, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.
Đường sắt Cát Linh-Hà Đông hoạt động ngày 6/11, đánh dấu tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội và cũng là của cả nước được đưa vào khai thác thương mại.
Bên cạnh đó, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về chủ trương triển khai dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.
Việc sớm đầu tư tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được xác định là một trong các nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong Chương trình hành động của Đảng bộ Thành phố thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố, nhằm từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông của Hà Nội và vùng Thủ đô theo quy hoạch.
100% số xã của Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới
Đến hết năm 2021, Thành phố đã có 12/18 huyện, thị xã được Thủ tướng Chính phủ công nhận về đích nông thôn mới. Ngoài ra, còn có 4 huyện (Phú Xuyên, Ứng Hoà, Mê Linh, Chương Mỹ) đủ điều kiện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, hiện đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, công nhận.
Đến hết năm 2021, Hà Nội đã có 382/382 xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (đạt 100% tổng số xã) và là địa phương có số lượng xã thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới lớn nhất của cả nước.
Quyết liệt triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp để phát triển văn hóa xã hội Thủ đô
Thành phố đã quyết định tập trung đầu tư các lĩnh vực văn hóa xã hội: y tế (trong đó tập trung đầu tư cho y tế cơ sở), giáo dục đào tạo (trong đó quan tâm hoàn thiện hệ thống trường chuẩn quốc gia, trường liên cấp…) và đầu tư phát huy giá trị các di tích văn hóa lịch sử, cách mạng trên địa bàn.
Thành ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nhằm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, mang đậm bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội, góp phần vào sự phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước.
Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững
Tiếp tục bảo đảm quốc phòng thường xuyên, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn các mục tiêu, địa bàn trọng điểm, hàng nghìn sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội, hội nghị quốc tế, hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đoàn khách quốc tế diễn ra trên địa bàn.
Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan Trung ương bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026… trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp./.