"Duy trì hòa bình, ổn định là quan tâm hàng đầu"

Thảo luận tại ASEM,Thủ tướng nhấn mạnh dù còn bất đồng, song duy trì hòa bình, an ninh và ổn định chính là mẫu số lợi ích chung lớn nhất.
Trong hai ngày diễn ra Hội nghị Cấp cao Á-Âu 9 (ASEM 9) tại thủ đô Vientiane, Lào, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo đã tham dự các phiên họp thảo luận những nội dung quan trọng về các vấn đề toàn cầu, những diễn biến gần đây trên thế giới và ở hai châu lục cũng như các biện pháp tăng cường hợp tác ASEM.

Thảo luận tại phiên họp về các vấn đề khu vực, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ đánh giá rằng thế giới và hai châu lục Á-Âu đang chuyển sang một thời kỳ phát triển mới, với những vận hội mới, song cũng đứng trước hàng loạt thách thức an ninh to lớn.

Những xung đột sắc tộc và tôn giáo, tranh chấp lãnh thổ, biển đảo ở một số nơi, bất ổn kinh tế-xã hội, kinh tế suy giảm… đang tác động sâu rộng tới nhân loại nói chung và hai châu lục nói riêng với nhiều hệ quả khó lường. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chia sẻ nhận thức chung rằng, duy trì hòa bình, an ninh và ổn định là mối quan tâm hàng đầu hiện nay của tất cả các quốc gia, các khu vực. Các tranh chấp cần phải được giải quyết thông qua thương lượng hòa bình và trên cơ sở luật pháp quốc tế và những cơ chế, thỏa thuận đã có, trong đó có Tuyên bố 6 điểm của ASEAN về Biển Đông.

Với tinh thần đó, Việt Nam đánh giá cao việc nước chủ nhà Lào chọn chủ đề của ASEM 9 là "Bạn bè vì hòa bình, Đối tác vì thịnh vượng." Rõ ràng không thể có thịnh vượng nếu thiếu hòa bình và ổn định. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh cho dù còn có một số khác biệt, bất đồng trên lĩnh vực này hay lĩnh vực khác, song duy trì hòa bình, an ninh và ổn định chính là mẫu số lợi ích chung lớn nhất của tất cả.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, nhìn tổng thể trên toàn cầu, xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn nổi trội. Mặc dù kinh tế thế giới suy thoái kéo dài làm nảy sinh xu hướng bảo hộ mậu dịch ở đây đó, song nhìn chung, xu hướng liên kết, tự do hóa thương mại vẫn được kiên trì thúc đẩy. Để thúc đẩy các xu thế tích cực đó, vấn đề then chốt hiện nay là các bên phải cùng nỗ lực tạo dựng được các cấu trúc khu vực phù hợp với những thay đổi nhanh chóng của tình hình, sự đa dạng về trình độ phát triển, hệ thống chính trị xã hội và văn hóa; phải cùng chia sẻ mục tiêu chung là hòa bình, ổn định và phát triển, mang tính xây dựng, minh bạch và hiệu quả, ứng phó hiệu quả hơn với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, và bảo đảm thỏa đáng lợi ích của các nước đang phát triển.

Đề cập vai trò của ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, trong cấu trúc khu vực đang định hình ở Đông Nam Á, vai trò trung tâm của ASEAN ngày càng được củng cố, khẳng định là nhân tố quan trọng hàng đầu trong việc bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực. Quan hệ của ASEAN với các đối tác sâu sắc thêm thông qua các cơ chế ASEAN+1, ASEAN+3, Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN, Cấp cao Đông Á (EAS) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao các sáng kiến và đóng góp mang tính xây dựng của nhiều thành viên ASEM nhằm tăng cường hợp tác và quan hệ thương mại, đầu tư với ASEAN và từng thành viên của Hiệp hội, cũng như nỗ lực của các thành viên EU tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) và các cơ chế hợp tác liên quan khác.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Việt Nam luôn coi trọng việc thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ nhiều mặt với các thành viên ASEM. Tất cả các đối tác chiến lược, các đối tác toàn diện, và hầu hết các đối tác thương mại tự do (FTA) hàng đầu của Việt Nam đều là thành viên ASEM. Các quan hệ đối tác, liên kết này cũng như những nỗ lực đóng góp cho hợp tác ASEM có ý nghĩa then chốt đối với thời kỳ chiến lược mới của Việt Nam, nhằm tiếp tục đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế sâu rộng, trong đó chủ động, tích cực xây dựng Cộng đồng ASEAN và đóng góp tăng cường hợp tác ASEM cũng như các cơ chế khu vực và liên khu vực khác.

Thảo luận tại phiên họp về các vấn đề toàn cầu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tính cấp thiết phải tăng cường hợp tác trước xu hướng các vấn đề toàn cầu ngày càng gay gắt và phức tạp; đồng thời đề cao nỗ lực của châu Á, trong đó có ASEAN và Việt Nam. Đây là một trong những nội dung thảo luận được các thành viên coi trọng, và là phiên có thời lượng thảo luận dài nhất tại Hội nghị. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Tổng thống Indonesia, Thủ tướng Nga, Chủ tịch Ủy ban châu Âu và một nhà lãnh đạo châu Âu, phát biểu dẫn đề tại phiên họp.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, có thể nói rằng chưa bao giờ thế giới phải đối mặt đồng thời với nhiều vấn đề, nhiều thách thức truyền thống và cả phi truyền thống, với những tác động đan xen, sâu rộng, và khó lường như hiện nay. Việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định tiếp tục là ưu tiên cao trong hợp tác quốc tế, do các thách thức an ninh truyền thống như phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chủ nghĩa khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, tranh chấp lãnh thổ, an toàn và an ninh hàng hải... tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp. Đồng thời, các thách thức phi truyền thống ngày càng nổi lên, làm trầm trọng thêm những vấn đề kinh tế và xã hội của các quốc gia. Biến đổi khí hậu - thách thức hàng đầu của nhân loại trong thế kỷ 21 - đang làm tăng tính khó dự báo và sự đột biến về mức độ, tần suất của thiên tai, làm trầm trọng hơn sự xuống cấp của môi trường, hệ sinh thái…, dẫn đến những bất ổn trong sản xuất, đặc biệt là sản xuất lương thực, và đời sống của người dân.

Bên cạnh đó, Thủ tướng nêu rõ kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu, các vấn đề phát triển trở nên cấp bách và các định chế quản trị toàn cầu hình thành từ thế kỷ 20 bộc lộ nhiều bất cập, đòi hỏi phải có sự thay đổi những cơ chế phối hợp, hợp tác mang tầm toàn cầu, đủ khả năng ứng phó hiệu quả các vấn đề, các thách thức chung.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất các vấn đề toàn cầu cần được tiếp cận và xử lý trên cơ sở tầm nhìn dài hạn, toàn diện và đa ngành, gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ, trong đó có bảo vệ môi trường, nỗ lực xóa đói giảm nghèo và bình đẳng giới. Tiếp tục nỗ lực cải tổ Liên hợp quốc, cải cách các định chế tài chính quốc tế theo hướng công bằng, dân chủ và hiệu quả hơn, đồng thời nâng cao hiệu quả của các cơ chế hợp tác khu vực và liên khu vực hiện có. Điều này hoàn toàn phù hợp với những chuyển dịch căn bản hiện nay trong tương quan lực lượng quốc tế. Đồng thời thúc đẩy các chương trình, sáng kiến cụ thể để xử lý kịp thời các vấn đề phát triển đang nổi lên, nhất là dự báo biến đổi khí hậu, cảnh báo sớm thiên tai, bảo vệ nguồn tài nguyên nước, đặc biệt nguồn nước đi qua nhiều lãnh thổ, an ninh lương thực, cứu hộ và cứu nạn trên biển... Đây là những vấn đề lớn đang đặt ra đối với nhiều quốc gia ở châu Á-Thái Bình Dương, nơi chiếm hơn 60% dân số thế giới song chỉ có khoảng 35% lượng tài nguyên nước toàn cầu và hứng chịu khoảng 70% thiên tai trên thế giới.

Trên tinh thần đó, Việt Nam cùng với Lào, Indonesia, Uỷ ban châu Âu, Đức, Pakistan, Đan Mạch và Hà Lan đề xuất tổ chức "Hội nghị cấp cao ASEM về phòng chống và cứu trợ thiên tai nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu."

Việt Nam cũng sẽ đăng cai tổ chức "Hội thảo ASEM về quản lý nước và lưu vực sông-Cách tiếp cận theo hướng tăng trưởng xanh", trong khuôn khổ sáng kiến "Đối thoại ASEM về phát triển bền vững" cùng với Hungary, Romania, Bulgaria, Lào và Thái Lan./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục