EC đưa ra đề xuất về xây dựng liên minh ngân hàng

EC đưa ra đề xuất liên quan đến Cơ chế giải quyết chung (SRM), được coi là trụ cột thứ 2 trong tham vọng thành lập liên minh ngân hàng.
Ủy ban châu Âu (EC) vừa đưa ra các đề xuất liên quan đến Cơ chế giải quyết chung (SRM), được coi là trụ cột thứ hai trong tham vọng thành lập liên minh ngân hàng khu vực cùng với trụ cột thứ nhất là Cơ quan giám sát chung được đặt dưới sự bảo trợ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), để cứu vãn hoặc đóng cửa các ngân hàng có vấn đề.

Cụ thể, SRM sẽ trao cho EC quyền đóng cửa bất kỳ ngân hàng nào trong số hơn 6.000 ngân hàng ở Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), ngay cả khi các cơ quan chức năng ở nước bị ảnh hưởng không đồng ý.

SRM bao gồm một ủy ban chịu trách nhiệm giải thể ngân hàng và các quỹ được sử dụng khi ECB lên tiếng báo động về bất kỳ ngân hàng nào có vấn đề.

Ủy ban giải thể - bao gồm đại diện của ECB, EC và các cơ quan giải thể quốc gia - sẽ quyết định cách thức giải thể ngân hàng và đưa ra các kiến nghị lên EC để ủy ban này đưa ra quyết định cuối cùng.

Tuy nhiên, ủy ban này sẽ không được áp đặt các quyết định lên các quốc gia như yêu cầu đóng cửa một ngân hàng nếu quyết định này ảnh hưởng đến người đóng thuế. Chi phí cho các công việc xử lý ngân hàng có vấn đề sẽ là từ tiền thuế thu được trong lĩnh vực ngân hàng, nhờ đó làm nhẹ gánh nặng đối với ngân sách nhà nước. Trong một thập niên tới hoặc lâu hơn nữa, quỹ dành cho việc giải thể có thể lên tới 55-70 tỷ euro (60-90 tỷ USD).

Tuy nhiên, những đề xuất của EC về SRM sẽ cần phải thuyết phục được Đức, nước đang cho rằng một cơ chế như vậy là không phù hợp với các hiệp ước của EU.

Về điều này, EC khẳng định ưu tiên vẫn là tuân thủ các hiệp ước hiện nay và sẽ điều chỉnh SRM nếu thấy rằng việc thay đổi hiệp ước là cần thiết.

Ngoài ra, Đức cũng không ủng hộ ý tưởng về quỹ giải thể chung bởi các ngân hàng của nước này sẽ được yêu cầu đóng góp cho quỹ dùng cho việc giải thể hoặc cứu trợ ngân hàng ở các nước yếu hơn ở Eurozone.

Bên cạnh đó, việc EC có quyền quyết định cuối cùng sẽ khiến một số nước thành viên không đồng tình.

Đồng thời, một bất cập nữa là SRM sẽ được thành lập vào năm 2015 nếu các nước châu Âu đồng ý, trong khi các quy định về trao quyền hành động cho cơ chế này sẽ chưa được thực thi trước năm 2018. Cuối cùng là bản thân quỹ giải thể cũng cần vài năm trước khi có đủ số tiền cần thiết.

Ý tưởng về SMR là nhằm cắt đứt mối liên quan giữa khủng hoảng ngân hàng và nợ công để gánh nặng cứu trợ ngân hàng không bị đặt lên vai người đóng thuế bởi các nước đã chi một lượng lớn tiền thu thuế để đổ vào các ngân hàng có vấn đề.

Cuối tháng Sáu vừa qua, 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí về một bộ quy định, trong đó yêu cầu các trái chủ, các cổ đông và người gửi tiền ngân hàng sẽ chịu mất mát trước tiên khi một ngân hàng cần được cứu trợ, nhưng các quy định này vẫn còn chờ Nghị viện châu Âu thông qua./.

Lê Minh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục