EC kêu gọi đẩy nhanh tiến trình tăng trưởng việc làm

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) ngày 11/9 đã kêu gọi đẩy nhanh tiến trình tăng trưởng việc làm và thiết lập một liên minh ngân hàng.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Manuel Barroso ngày 11/9 đã kêu gọi đẩy nhanh tiến trình tăng trưởng việc làm và thiết lập một liên minh ngân hàng cho khối đồng tiền chung châu Âu như kế hoạch đã đề ra.

Phát biểu tại phiên họp Nghị viện châu Âu ở thành phố Strasbourg (Pháp), ông Barroso nhấn mạnh rằng Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã thoát khỏi cuộc suy thoái kéo dài nhất trong lịch sử của khối và bắt đầu tăng trưởng trở lại, trong khi đó nhờ quyết tâm của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cứu đồng euro "bằng mọi giá" nên cuộc khủng hoảng nợ công đã lắng dịu.

Những tín hiệu này cho thấy các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang đi đúng hướng. Theo ông Barroso, thách thức lớn nhất mà EU đang phải đối mặt là số thất nghiệp vẫn đang ở mức 26 triệu người, do đó cần phải nhanh chóng áp dụng các sáng kiến việc làm cho thanh niên ở cấp độ quốc gia và châu Âu.

Trong suốt bài phát biểu cuối cùng tại Nghị viện châu Âu trên cương vị Chủ tịch EC, ông Barroso chủ yếu tập trung vào sự phục hồi kinh tế mong manh của khối và bày tỏ lạc quan về triển vọng một châu Âu "đoàn kết, cởi mở và mạnh hơn" thoát khỏi khủng hoảng vào năm 2014.

Theo ông Barroso, trong suốt 5 năm qua EU đã kiên trì "chống trọi" với khủng hoảng nợ công bằng cách cải tổ căn bản hệ thống ngân hàng, chi hàng tỷ euro trợ giúp những quốc gia thành viên bị ảnh hưởng nặng nề.

Những nỗ lực này của EU đã đạt được kết quả đáng khích lệ khi không thành viên nào buộc phải rời khỏi khu vực Eurozone. Tây Ban Nha, Ireland, Bồ Đào Nha, Hy Lạp đã có những tín hiệu phục hồi kinh tế.

Ông Barroso cũng lên tiếng hối thúc các nước thành viên EU xúc tiến kế hoạch thành lập liên minh ngân hàng, vốn đã đạt được sự đồng thuận vào 6/2012 - thời điểm cuộc khủng hoảng nợ công đang hoành hành, để đảm bảo chắc chắn trong tương lai người đóng thuế không phải trả giá vì sự thất bại của hệ thống ngân hàng.

Hơn nữa, đây là giai đoạn đầu tiên và quan trọng nhất để làm sâu sắc liên minh kinh tế và tiền tệ, đồng thời khôi phục hoạt động cho nền kinh tế vay tiền, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo việc làm mới.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng cơ chế giám sát và tái cấu trúc ngân hàng này nhất định phải bảo đảm được sự ổn định tài chính và tăng trưởng trong Eurozone.

Bên cạnh đó, Chủ tịch EC kêu gọi các quốc gia thành viên đoàn kết, tránh gây chia rẽ và "chính trị hóa" các chính sách của EU, trong đó có chính sách "thắt lưng buộc bụng," đồng thời nhanh chóng thông qua và thực thi ngân sách EU giai đoạn năm 2014-2020.

Đề cập đến vấn đề Syria, ông Barroso ủng hộ giải pháp chính trị, coi đây là "cơ hội cuối hòa bình cuối cùng" mà người dân Syria đáng được hưởng, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế mà Liên hợp quốc là trung tâm phải có trách nhiệm hành động để chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu kéo dài hơn 2 năm qua trị quốc gia Trung Đông này.

Đây là bức thông điệp thứ 4 và cũng là thông điệp cuối cùng của ông Barroso trên cương vị Chủ tịch EC trước Nghị viện châu Âu. Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu sẽ được tiến hành vào tháng 5/2014, qua đó cũng bầu ra Chủ tịch mới của EC./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục