Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đề xuất các biện pháp hạn chế quyền phủ quyết của các nước thành viên nhỏ của Liên minh châu Âu (EU) trong các cải cách thuế khi khối này muốn tăng thuế đối với các tập đoàn công nghệ đa quốc gia.
Theo quy định của EU, cần có sự nhất trí của toàn bộ 28 nước thành viên để tiến hành cải cách thuế, điều này cho phép các nước có mức thuế thấp như Luxembourg, Ireland hay Malta có thể cản trở tiến trình cải cách.
Để giải quyết vấn đề này, EC dự kiến sẽ công bố một văn bản trong năm tới, nêu lên cách thức sử dụng một điều khoản trong Hiệp ước Lisbon của EU năm 2009, cho phép đưa ra các quyết định bởi đa số trong những vấn đề thị trường nội bộ. Tuy nhiên, việc áp dụng điều khoản này cần được nhất trí tại các hội nghị thượng đỉnh của EU và có thể bị quốc hội của một nước thành viên bác bỏ.
[EU cải tổ phương pháp làm việc để đối phó với các thách thức]
Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker hồi tháng Chín nói rằng điều khoản trên nên được áp dụng với những quyết định về thuế đối với ngành công nghệ. EU đang cân nhắc các biện pháp tăng thuế đối với Google, Facebook, Amazon và các tập đoàn công nghệ khác bị cáo buộc là đóng thuế quá ít ở châu Âu bằng cách chuyển lợi nhuận đến các nước có mức thuế thấp trong khối. Trong chương trình làm việc năm 2018, EC sẽ đưa ra các đề xuất về thuế đối với các tập đoàn công nghệ vào tháng Ba.
Liên quan đến vấn đề trên, nỗ lực của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong việc thúc đẩy loại thuế mới của EU đánh vào các tập đoàn công nghệ đã vấp phải sự phản đối của Ireland, nước được Google và Facebook "ưu ái" vì có mức thuế doanh nghiệp thấp.
Sau cuộc gặp tại Paris, ông Macron và Thủ tướng Ireland Leo Varadkar đã thừa nhận không đạt được thỏa thuận về cách thức tăng thuế đối với các tập đoàn công nghệ ở châu Âu. Mặc dù cả hai nhà lãnh đạo đều muốn châu Âu tranh thủ cuộc cách mạng công nghệ và thúc đẩy đổi mới, Ireland vẫn cho rằng một giải pháp ở quy mô toàn cầu hơn là ở tầm châu Âu là cần thiết để ngăn chặn tình trạng trốn thuế của các tập đoàn công nghệ./.