EC phê duyệt kế hoạch của Đức xây dựng trạm khí hoá lỏng ở phía Bắc

Trạm LNG mới được xây dựng có tính đến các đặc điểm kỹ thuật cần thiết, cho phép chuyển đổi thành một thiết bị đầu cuối để tiếp nhận các nguồn năng lượng tái tạo, như hydro tái tạo.
EC phê duyệt kế hoạch của Đức xây dựng trạm khí hoá lỏng ở phía Bắc ảnh 1Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ủy ban châu Âu (EC) đã phê duyệt gói hỗ trợ trị giá 40 triệu euro (tương đương 43,9 triệu USD) của Đức cho việc xây dựng và vận hành một trạm khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) trên đất liền ở thành phố Brunsbüttel, thuộc bang Schleswig-Holstein, miền Bắc nước Đức. Trạm khí đốt hóa lỏng này sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn cung và đảm bảo an ninh năng lượng ở Đức.

Phóng viên TTXVN tại Đức dẫn thông báo của Bộ Kinh tế liên bang Đức ngày 31/7 cho biết gói hỗ trợ trên sẽ giúp hiện thực hóa dự án xây dựng trạm LNG trên bờ biển Bắc, theo đó, muộn nhất tới đầu năm 2027, khoảng 10 tỷ m3 khí đốt tự nhiên hằng năm sẽ được đưa vào mạng lưới năng lượng của Đức.

Trước đó, Đức đã thông báo cho EC về kế hoạch hỗ trợ xây dựng và vận hành một trạm LNG mới ở Brunsbüttel, với công suất hằng năm là 10 tỷ m3. Trạm này bao gồm các cơ sở tiếp nhận, lưu trữ và phân phối, được lên kế hoạch bắt đầu đi vào hoạt động từ cuối năm 2026.

[EU 'bật đèn xanh' cho dự án nhà ga LNG trên bờ đầu tiên của Đức]

Các công ty được hưởng lợi từ gói hỗ trợ trên của Chính phủ Đức là công ty năng lượng RWE của Đức và công ty năng lượng Gasunie của Hà Lan. Công ty vận hành trạm khí đốt hóa lỏng của Đức (GLNG) sẽ xây dựng và vận hành kho cảng LNG này.

GLNG sẽ có 3 cổ đông, trong đó Chính phủ Đức thông qua Ngân hàng đầu tư và phát triển KfW nắm giữ 50% cổ phần; công ty Gasunie nắm 40%; và RWE nắm 10%.

Trạm LNG mới được xây dựng có tính đến các đặc điểm kỹ thuật cần thiết để cho phép chuyển đổi thành một thiết bị đầu cuối để tiếp nhận các nguồn năng lượng tái tạo, như hydro tái tạo hoặc các dẫn xuất hydro tái tạo.

Theo Ủy viên phụ trách cạnh tranh châu Âu Margrethe Vestager, trạm LNG Brunsbüttel sẽ giúp cải thiện nguồn cung khí đốt cũng như cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng nguồn cung khí đốt của Đức, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng của Liên minh châu Âu./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục