ECB chấm dứt kiểm soát hoạt động chia cổ tức của ngân hàng

Với đà phục hồi của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), ECB cho biết họ sẽ nối lại cách thức đánh giá kế hoạch chia cổ tức và mua lại cổ phiếu của các ngân hàng như thời trước đại dịch.
ECB chấm dứt kiểm soát hoạt động chia cổ tức của ngân hàng ảnh 1Trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ở Frankfurt am Main, miền Tây Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 23/7 cho biết sẽ chấm dứt các hạn chế áp đặt lên việc thanh toán cổ tức cho cổ đông của các ngân hàng, song vẫn kêu gọi họ cần hành động "thận trọng."

Trong tuyên bố của mình, ECB cho hay họ quyết định không kéo dài khuyến nghị tất cả các ngân hàng giới hạn việc chi trả cổ tức tới sau tháng 9/2021.

Với đà phục hồi của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đang dần ổn định nhờ triển khai tiêm phòng hàng loạt và các nền kinh tế lần lượt mở cửa trở lại, ECB cho biết họ sẽ nối lại cách thức đánh giá kế hoạch chia cổ tức và mua lại cổ phiếu của các ngân hàng như thời trước đại dịch.

Song ECB cũng kêu gọi các ngân hàng duy trì “vùng đệm” để đối phó với những tác động từ đại dịch, bao gồm cả các vụ phá sản tiềm năng.

Thông báo của ECB cho biết các ngân hàng không nên đánh giá thấp rủi ro về những tổn thất phát sinh sau này có thể có tác động đến dòng vốn của họ trong khi các biện pháp hỗ trợ kết thúc.

[BoE bỏ hạn chế về chia cổ tức của các ngân hàng thương mại]

ECB đã áp đặt giới hạn về chi trả cổ tức của các ngân hàng vào giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng COVID-19 hồi tháng 3/2020, để đảm bảo các thể chế tài chính có đủ thanh khoản cho giai đoạn khó khăn vì đại dịch.

Các hạn chế này đã được gia hạn hai lần và lần gần nhất kéo dài tới tháng 9/2021.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) gần đây cũng đã dỡ bỏ các hạn chế đối với hoạt động chi trả cổ tức, sau khi các ngân hàng chứng minh rằng họ đã vượt qua giai đoạn kinh tế khó khăn vì đại dịch.

ECB đã triển khai nhiều chính sách chưa từng có để giúp khu vực Eurozone vượt qua đại dịch COVID-19, bao gồm chương trình mua trái phiếu khẩn cấp trị giá 1.850 tỷ euro (khoảng 2.177 tỷ USD) để kích thích tăng trưởng và duy trì chi phí vay ở mức thấp.

Ngân hàng trung ương này cũng cung cấp các khoản cho vay cực rẻ đối với các ngân hàng, cắt giảm yêu cầu về vốn dự phòng để đảm bảo dòng chảy tín dụng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục