Tại thị trường Tokyo phiên chiều 8/11, đồng euro tiếp tục phải đối mặt với sức ép bán ra, sau khi đã lao dốc ở New York đêm trước. Theo các chuyên gia phân tích, đây là phản ứng của thị trường đối với quyết định hạ lãi suất (gây nhiều bất ngờ) của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Trong khi đó, đồng USD có xu hướng lấy lại sinh lực, khi thống kê về tốc độ tăng GDP của Mỹ trong quý III vừa qua khả quan hơn tiên lượng, làm dấy lên những đồn đoán về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ sớm thu hẹp quy mô của chương trình kích thích kinh tế. Động thái này (nếu diễn ra) sẽ là nhân tố hỗ trợ tích cực cho đồng USD.
Chiều 8/11, đồng euro được giao dịch ở mức 1,3411 USD/euro, so với mức 1,3414 USD/euro ở thời điểm cuối phiên 7/11 tại New York, nơi đồng tiền chung châu Âu có lúc đã trượt qua mốc 1,33 USD/euro. Trong khi đó, ở thời điểm đầu phiên 7/11 tại Tokyo, đồng euro còn đứng trên vạch 1,35 USD/euro.
Cũng trong phiên chiều 8/11 ở Tokyo, tỷ giá euro/yen và USD/yen được giao dịch ở mức tương ứng 131,64 yen/euro và 98,13 yen/USD.
Các nhà hoạch định chính sách của ECB đã khiến các thị trường ngạc nhiên khi hạ lãi suất từ 0,5% xuống mức thấp kỷ lục 0,25%. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh lạm phát tại Eurozone trượt xuống 0,7% trong tháng 10/2013, mức thấp nhất của 4 năm qua. Chủ tịch ECB, ông Mario Draghi, đã lên tiếng cảnh báo về khả năng “bão” thiểu phát sẽ hoành hành tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) trong một thời gian dài.
Trả lời phỏng vấn Dow Jones Newswires, Shinichiro Kadota, một chiến lược gia về tiền tệ tại Barclays, nhận định: nếu lạm phát tại châu Âu tiếp tục giảm, không loại trừ khả năng sẽ có một đợt cắt giảm lãi suất nữa vào năm 2014.
Trong phiên giao dịch chiều 8/11 ở thị trường Tokyo, đồng USD mạnh lên so với hầu hết các đồng tiền của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có SGD của Singapore, won (Hàn Quốc), peso của Philippines, baht (Thái Lan), và rupee(Ấn Độ).
Các nhà đầu tư tiền tệ đang chờ đợi thống kê về tình hình việc làm tại Mỹ (dự kiến được công bố vào cuối ngày hôm nay) để “cân đo” sức khỏe của nền kinh tế lớn nhất thế giới./.