ECB quyết định tăng lãi suất chủ chốt lên 1,25%

Lần đầu tiên kể từ tháng 7/2008, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã tăng lãi suất chủ chốt cho vay thêm 0,25% lên mức 1,25%.
Đúng như dự đoán, chiều 7/4, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất chủ chốt thêm 0,25% lên mức 1,25%.

Đây là lần đầu tiên ECB nâng lãi suất cho vay kể từ tháng 7/2008. ECB đã duy trì mức lãi suất cho vay thấp kỷ lục 1% từ tháng 5/2009, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Việc tăng lãi suất ở thời điểm hiện nay có thể sẽ làm gia tăng áp lực đối với Hy Lạp, Ireland, Tây Ban Nha, những nước đang phải vật lộn với những món nợ khổng lồ và tỷ lệ thất nghiệp cao, đặc biệt Bồ Đào Nha vừa chính thức yêu cầu Liên minh châu Âu (EU) trợ giúp nhằm cứu nước này thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Carsten Brzeski thuộc trung tâm tài chính ING cho biết trong bối cảnh lạm phát cao hiện nay và một số nền kinh tế chủ chốt trong Khu vực đồng euro (Eurozone) như Áo, Pháp, Đức và Hà Lan đang từng bước đạt tăng trưởng vững chắc, việc duy trì lãi suất cho vay ở mức 1% như hiện nay là quá thấp.

Nhà kinh tế hàng đầu của ECB, Juergen Stark cũng cho rằng không thể duy trì lãi suất thấp kỷ lục trong thời gian quá dài.

Lạm phát tại khu vực đồng euro đã tăng tháng thứ tư liên tiếp, lên 2,6%, cao hơn so với mức mục tiêu đặt ra dưới 2% của ECB và chưa có dấu hiệu dừng lại trong bối cảnh giá dầu mỏ, lương thực và nhiều loại hàng hóa khác đều đang tăng phi mã.

Tuy nhiên, để trấn an thị trường, Chủ tịch ECB Jean-Claude Trichet khẳng định đợt tăng lãi suất này không phải là mở đường cho chu kỳ tăng lãi suất trở lại và ECB sẽ đánh giá tình hình trước khi đưa ra những quyết định mới.

Trong khi đó, ngày 7/4, Chính phủ Bồ Đào Nha chính thức gửi đề nghị bằng văn bản lên Ủy ban châu Âu (EC) yêu cầu trợ giúp tài chính để tránh vỡ nợ. Trước đó, các nguồn tin từ Lisbon cho biết phát biểu trên truyền hình Bồ Đào Nha tối 6/4, Thủ tướng sắp mãn nhiệm Jose Socrates nói rằng quyết định yêu cầu trợ giúp tài chính từ EC là cần thiết nhằm bảo đảm duy trì hệ thống tài chính và kinh tế của đất nước trong bối cảnh hiện nay.

Hiện thâm hụt ngân sách của Bồ Đào Nha đã ở mức 8,6% GDP năm 2010, cao hơn mức mục tiêu 7,3% GDP của chính phủ và vượt xa mức giới hạn 3% GDP theo quy định của EU./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục