Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ngày 28/6 cảnh báo mâu thuẫn thương mại Mỹ-Trung leo thang đang gây tổn hại nền kinh tế toàn cầu.
Phát biểu với báo giới tại Osaka (Nhật Bản), nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cho biết: "Quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đang rất khó khăn, điều đó đang góp phần kìm hãm nền kinh tế toàn cầu."
Ông Juncker cho biết trong các cuộc hội đàm với các quan chức Mỹ và Trung Quốc, ông đã lưu ý về những tổn hại mà vấn đề tranh cãi trên gây ra. Theo ông, EU đang phối hợp chặt chẽ với Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ và các nước khác để cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và tạo một sân chơi bình đẳng.
[Giới chức Mỹ: Thỏa thuận thương mại với Trung Quốc đã hoàn tất '90%']
Hội nghị thượng đỉnh G20 đã khai mạc sáng 28/6 tại Osaka, trong bối cảnh những lo ngại về cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và căng thẳng gia tăng liên quan đến vấn đề hạt nhân Iran có thể lấn át các cuộc thảo luận về những vấn đề khác như biến đổi khí hậu và nền kinh tế số.
Mọi con mắt đang đổ dồn về cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị G20, và liệu ông Trump có thực hiện lời đe dọa áp thuế bổ sung đối với hàng hóa của Trung Quốc hay không.
Trước đó, ông Junker và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã viết thư gửi các nhà lãnh đạo 28 quốc gia EU thông báo rằng tại hội nghị G20 lần này, họ sẽ thúc đẩy việc thực thi các cải cách WTO đã được nhất trí tại hội nghị G20 năm ngoái.
Nội dung thư nhấn mạnh một cuộc cải cách cân bằng cần phải bao gồm ba chức năng của WTO: giám sát, đàm phán và giải quyết tranh chấp. Theo đó, các nhà lãnh đạo cần đề cập các khía cạnh như thúc đẩy minh mạch và vấn đề trợ cấp, thương mại điện tử và củng cố chức năng giải quyết tranh chấp để đảm bảo hệ thống phân xử bên thứ ba có hiệu quả.
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang sau thất bại của các cuộc đàm phán hồi tháng 5, trong đó Washington cáo buộc Bắc Kinh bội ước đối với cam kết cải cách nền kinh tế.
Mỹ và EU đều lo ngại về các trợ cấp của nhà nước Trung Quốc tạo lợi thế cho xuất khẩu, cũng như yêu cầu của Bắc Kinh về chuyển giao công nghệ đối với các công ty nước ngoài muốn đầu tư vào Trung Quốc.
Tuy nhiên, EU lo ngại Mỹ có thể đơn phương hành động chống Bắc Kinh thay vì thông qua WTO, tổ chức mà Tổng thống Mỹ Donald Trump cho là đã lỗi thời và không giải quyết được các thách thức thương mại thời đại mới./.