Ngày 20/9, Liên minh châu Âu (EU) và Đức đã thúc giục Chính phủ Ba Lan làm rõ những thông tin về vụ bê bối gian lận thị thực nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng tới các nước láng giềng trong khối.
Trước đó, truyền thông Ba Lan đưa tin một hệ thống phát hành thị thực Schengen cho người từ Trung Đông và châu Phi để đổi lại các khoản hối lộ, có sự dính líu của các lãnh sự quán Ba Lan và một số công ty ở các nước liên quan.
Trong bối cảnh căng thẳng nội bộ EU gia tăng xoay quanh vấn đề di cư, ngày 19/9, Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser đã điện đàm với người đồng cấp Ba Lan Mariusz Kaminski.
Bộ Nội vụ Đức cũng đã yêu cầu phái đoàn ngoại giao Vacsava ở Berlin tới làm việc về vấn đề này.
Giới chức Đức cho biết trong các cuộc thảo luận, Berlin đã yêu cầu Vacsava nhanh chóng cung cấp thông tin đầy đủ làm rõ về những cáo buộc nghiêm trọng trên.
Người phát ngôn Bộ Nội vụ Đức Mehmet Ata cho biết Berlin mong muốn Vacsava cung cấp thông tin chính thức về số thị thực đã được phát hành và thời điểm phát hành, quốc tịch của những người có thị thực.
Cùng ngày 20/9, Ủy ban châu Âu (EC) cũng đã yêu cầu Vacsava trong vòng trong 2 tuần phải làm rõ thông tin được báo chí đăng tải, vốn EC xem là "rất đáng quan ngại."
[Séc ủng hộ việc Ba Lan cấm ôtô chở khách mang biển số Nga nhập cảnh]
Về phần mình, Bộ trưởng Nội vụ Ba Lan Mariusz Kaminski cho biết trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Đức, ông đã giải thích quy mô thực sự của vụ việc không giống như những gì báo chí đưa.
Phía Vacsava đã thông báo tóm tắt kết quả điều tra tới Berlin. Cơ quan chức năng ở Vacsava cho rằng hệ thống này có thể liên quan hàng trăm thị thực làm việc ở Ba Lan.
Hồi tuần trước, cơ quan công tố Ba Lan cho biết có 7 người đã bị bắt giữ liên quan đến vụ bê bối cấp thị thực phi pháp.
Thứ trưởng Ngoại giao Piotr Wawrzyk đã từ chức, được cho là cũng do liên quan đến vụ bê bối này./.