EU hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2014 của Eurozone

Ngày 4/11, EU cắt giảm mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế của Eurozone, đồng thời cảnh báo Pháp và Italy vẫn là "những vấn đề lớn" đối với nền kinh tế đang "ì ạch" của lục địa già.

Ngày 4/11, Liên minh châu Âu (EU) đã cắt giảm mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), đồng thời cảnh báo Pháp và Italy vẫn là "những vấn đề lớn" đối với nền kinh tế đang "ì ạch" của lục địa già.

Theo dự báo tăng trưởng kinh tế mùa Thu của Ủy ban châu Âu (EC), mức tăng trưởng của 18 nước thành viên Eurozone trong năm nay chỉ đạt 0,8%, giảm mạnh so với mức 1,2% đưa ra trong dự báo trước đó.

Ngoài ra, triển vọng tăng trưởng của Eurozone trong năm 2015 cũng bị giảm xuống còn 1,1% so với mức 1,7%, mức có thể đạt được vào năm 2016. Mặc dù các số liệu trên cho thấy nền kinh tế Eurozone "tránh" được nguy cơ rơi vào cuộc suy thoái lần 3 song chúng lại khiến thế giới lo ngại về sự phục hồi chậm chạp của khu vực này kể từ cuộc khủng hoảng nợ trầm trọng bắt đầu từ 3 năm trước.

Mối đe dọa từ giảm phát và suy thoái kinh tế kết hợp với tỷ lệ thất nghiệp cao đã "phủ bóng đen" lên dự báo tăng trưởng kinh tế của EC. Đây là những vấn đề mà EC cho rằng các nước thành viên Eurozone chưa tìm được giải pháp đột phá.

Phát biểu trong buổi công bố dự báo trên, Phó Chủ tịch EC phụ trách về vấn đề tăng trưởng và việc làm, ông Jyrki Katainen, nhấn mạnh: "Tình hình kinh tế và việc làm trong EU đang cải thiện chưa đủ nhanh."

Ủy viên châu Âu phụ trách các vấn đề kinh tế Pierre Moscovici cũng cho rằng kế hoạch tăng trưởng của EU sẽ rơi vào "tuyệt vọng" nếu các nhà lãnh đạo EU không có giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và việc làm.

Trước đó, EC cho biết tỷ lệ lạm phát ở Eurozone trong năm nay sẽ tụt xuống mức "rất thấp" là 0,5% và chỉ tăng lên 0,8% vào năm tới. Cả hai mức dự báo đều "chệch" khỏi mục tiêu mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đặt ra là chỉ dưới 2%.

Theo thống kê, hiện Pháp và Italy được xem là "hai vấn đề lớn nhất" trong nền kinh tế châu Âu vốn đang gặp rất nhiều khó khăn. Hai nước này đang phải chịu áp lực rất lớn trong việc cắt giảm bội chi ngân sách và thúc đẩy cải cách.

Trong quá trình xây dựng dự thảo ngân sách năm 2015, tất cả các nước thành viên EU đều được yêu cầu phải duy trì mức thâm hụt dưới 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và nợ công dưới 60% GDP.

Tuy nhiên, nhiều khả năng Italy và Pháp không đạt các chỉ tiêu này. Trong dự báo, EC cho biết mức thâm hụt của Pháp sẽ lên tới 4,5% GDP vào năm 2015 và 4,7% trong năm tiếp theo, mức cao nhất trong khu vực đồng Euro./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục