EU kêu gọi giải quyết tình trạng chênh lệch giá hàng hóa nội khối

Theo Liên minh châu Âu, tình trạng các tập đoàn đa quốc gia hạn chế bán sản phẩm trong khối gây chênh lệch giá hàng hóa, khiến người tiêu dùng EU thiệt hại trên 14 tỷ euro mỗi năm.

Người dân mua thực phẩm tại siêu thị ở Vienna, Áo. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Người dân mua thực phẩm tại siêu thị ở Vienna, Áo. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tám quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) đã hối thúc các cơ quan chức năng của khối này giải quyết tình trạng các tập đoàn đa quốc gia hạn chế bán sản phẩm trong khối, buộc người tiêu dùng phải chịu mức giá cao hơn.

Lời kêu gọi trên được đưa ra sau khi Ủy ban châu Âu áp phạt chống độc quyền 337,5 triệu euro (366 triệu USD) đối với Mondelez, nhà sản xuất bánh kẹo của Mỹ với các thương hiệu như Toblerone và Oreo, vì đã hạn chế bán chocolate qua biên giới.

Chi phí sinh hoạt là chủ đề "nóng" trước thềm các cuộc bầu cử tại EU vào tháng 6 tới, khi các gia đình chịu tác động lớn do giá hàng tiêu dùng tăng mạnh sau đại dịch và cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

Lạm phát đã hạ nhiệt sau khi đạt đỉnh vào cuối năm 2022, nhưng giá thực phẩm vẫn cao.

Một số quốc gia EU cho rằng việc giải quyết tình trạng không công bằng tại thị trường chung là một giải pháp để hỗ trợ người tiêu dùng đang gặp khó khăn.

Tám chính phủ ở EU, dẫn đầu là Hà Lan, cho rằng có tình trạng chênh lệch giá của cùng sản phẩm ở các nước trong khối và cần có hành động nếu đó là do các tập đoàn đa quốc gia lớn đang hạn chế bán sản phẩm tại thị trường chung châu Âu.

Bảy chính phủ khác cùng chia sẻ quan điểm trên là Bỉ, Croatia, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Hy Lạp, Luxembourg và Slovakia.

Vấn đề trên đã được thảo luận tại cuộc họp của các Bộ trưởng EU vào ngày 24/5.
Ủy viên về cạnh tranh của EU, Margrethe Vestager cho biết khối này sẽ tìm hiểu tình hình thực tế và đưa ra các công cụ cần thiết để ngăn chặn những hạn chế khiến giá hàng hoá tăng.

Theo 8 quốc gia trên, những hạn chế đã khiến người tiêu dùng EU thiệt hại trên 14 tỷ euro mỗi năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục