Đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt của ngành nông nghiệp, đặc biệt là trồng trọt; tuy nhiên, diện tích đất đang bị thoái hóa, suy kiệt do canh tác quá mức hoặc ảnh hưởng biến đổi khí hậu ngày càng lớn, cần có giải pháp để cải thiện “sức khỏe” cho đất.
Đây là nội dung được nhiều chuyên gia chia sẻ tại hội nghị Hiện trạng và định hướng quản lý sức khỏe đất hướng tới sản xuất trồng trọt bền vững do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 14/6.
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trần Minh Tiến, Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng nông hóa cho biết tại Việt Nam diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân đầu người chỉ 0,25ha, thuộc loại thấp nhất trên thế giới trong khi bình quân trên thế giới là 0,52ha và bình quân trong khu vực là 0,36ha.
Không những thế, sức khỏe đất cũng đang gặp phải nhiều vấn đề cần xử lý. Có tới 70% diện tích đất nằm trên địa hình đồi núi dốc, nên dễ bị xói mòn, rửa trôi dẫn đến mất các chất dinh dưỡng, đất thường chua, nghèo mùn và các chất dinh dưỡng.
Ngoài ra, do chủ yếu canh tác lúa nước nên xảy ra hiện tượng rửa trôi dinh dưỡng theo cả chiều ngang và chiều sâu. Với những vùng thâm canh, hiện tượng canh tác quá nhiều thường gây ra suy thoái và kiệt quệ dinh dưỡng.
Tình trạng thoái hóa đất cũng đang trở nên đáng báo động cả với loại hình thoái hóa tự nhiên như hoang mạc đá, hoang mạc đất khô cằn, hoang mạc cát, hoang mạc đất nhiễm mặn; hoang mạc đất nhiễm phèn và thoái hóa do tác động của con người do thâm canh, tăng vụ hoặc cơ giới hóa đồng ruộng trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, phá rừng, đốt rừng hay xây dựng các hồ chứa, các công trình thủy điện.
Không chỉ vậy, ô nhiễm đất do sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học cũng đã góp phần tiêu diệt hệ sinh vật có ích trong đất, làm giảm độ tơi xốp, giảm khả năng hấp thu dinh dưỡng của cây trồng từ đó làm ảnh hưởng sức khỏe đất và cây trồng.
Ông Trần Văn Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Phước, cho biết Bình Phước có diện tích canh tác các loại cây lớn như cao su, điều, hồ tiêu và cây ăn trái. Thực tế thời gian qua cho thấy, với diện tích cao su và điều người dân ít bón phân nên mức độ thoái hoá đất không đáng kể. Tuy nhiên, với diện tích trồng hồ tiêu, càphê và cây ăn quả, đất có dấu hiệu chai sạn, cây trồng phát sinh nhiều dịch bệnh.
Nguyên nhân là khi hồ tiêu, càphê có giá trị kinh tế cao, người dân tích cực bón phân hoá học và lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật để đạt năng suất cao. Hiện địa phương đã có quy hoạch các loại cây trồng phù hợp với từng chân đất khác nhau, lên phương án cải tạo đất để phục vụ sản xuất lâu dài. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp cần sớm xây dựng quy trình trồng trọt, canh tác hữu cơ để hướng dẫn nông dân thực hành đúng, hiệu quả.
Bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Dương, nêu thực tế Hải Dương là tỉnh đồng bằng nhưng đang có tình trạng “sa mạc hoá” do đất đai bị suy kiệt dinh dưỡng, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả canh tác nông nghiệp.
Cụ thể, trước đây vùng trồng ổi của tỉnh có thể cho thu hoạch từ 5-7 năm mới phải trồng lại; gần đây vòng đời cây ổi chỉ còn 3 năm, thời gian cho thu hoạch rút ngắn còn 2 năm, trong đó chỉ thu hoạch chính được 1 năm. Qua khảo sát, nghiên cứu, nguyên nhân không phải do sâu bệnh hay giống mà do đất bị chai, thiếu dinh dưỡng.
Hải Dương có 58.000ha đất canh tác lúa, trong đó 40.000ha chuyên canh lúa, sử dụng phân bón vô cơ, năng suất vẫn cao nhưng sâu bệnh khá nhiều. Ngược lại vùng trồng luân canh lúa và hành tỏi, đất tốt hơn, năng suất lúa và hành, tỏi đều cao và hầu như không có sâu bệnh.
Nhiều diện tích canh tác nông nghiệp trực tiếp tại Hải Dương đã phải chuyển sang sản xuất trong nhà màng, nhà lưới trên nền đất mượn. Việc sản xuất trong nhà màng, nhà lưới mặc dù cho hiệu quả cao nhưng đây không phải là giải pháp lâu dài cho ngành trồng trọt.
Theo bà Kiểm, hành lang pháp lý về sử dụng, bảo vệ đất đai đã có nhưng chưa có sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành thực hiện. Người nông dân vẫn ưu tiên lựa chọn giải pháp canh tác có chi phí thấp nhất và đơn giản nhất là sử dụng nhiều phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật để đạt năng suất cao.
Canh tác hữu cơ có lợi ích lâu dài nhưng chi phí cao và hiệu quả chậm hơn. Ngay cả đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở cũng chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích, hiệu quả của các phương pháp canh tác giúp bảo vệ, cải tạo độ phì nhiêu cho đất nên rất khó để khuyến khích người dân làm theo. Chính vì vậy, để cải tạo đất đai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần có hướng dẫn, quy định về chức năng hệ thống bảo vệ thực vật ở cơ sở; tập huấn nâng cao năng lực, nhận thức trong việc bảo vệ sức khỏe của đất, cũng chính là bảo vệ sự phát triển của ngành sản xuất nông nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Trung, cho rằng đất là tư liệu sản xuất rất đặc biệt, tuy nhiên cả thế giới đều đang gặp vấn đề nan giải về chất lượng, thoái đất, ô nhiễm đất. Phải nhận thức một cách rõ ràng là đất đai nói chung, đất trong sản xuất nông nghiệp nói riêng của Việt Nam đang bị thoái hóa nhanh, đất nghèo dinh dưỡng có xu hướng gia tăng. Riêng đất phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, ngành trồng trọt thì diện tích bị thoái hóa, nghèo dinh dưỡng là gần 2 triệu ha.
Chính vì vậy thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang phối hợp với các địa phương tìm giải pháp cải thiện. Trước tiên cần phải rà soát, đánh giá, thống kê phân loại đất thoái hóa, nghèo dinh dưỡng, ô nhiễm hay hoang hóa để có cơ sở dữ liệu.
Khi có thực trạng mới phân tích được nguyên nhân vùng nào do ảnh hưởng của tự nhiên, biến đổi khí hậu, vùng nào do canh tác quá mức dẫn đến bạc màu, suy kiệt. Từ đó đề ra giải pháp cụ thể để cải tạo, bồi đắp dinh dưỡng cho đất hay chuyển đổi, thích ứng với thực tế.
“Khung pháp lý về quản lý, sử dụng đất đai đã đầy đủ song cần nâng cao nhận thức của cả người dân và các cơ quan quản lý về tầm quan trọng của chất lượng, sức khỏe đất đối với hoạt động sản xuất và đời sống, đặc biệt là liên quan đến an ninh lương thực. Tiếp đến, cần xây dựng các quy trình sản xuất, canh tác phù hợp đối với từng loại đất, từng loại cây trồng và có những biện pháp để cải cải tạo độ phì cũng như bổ sung dinh dưỡng cho đất một cách kịp thời qua mỗi một mùa vụ.
Sắp tới, Cục Trồng trọt sẽ xây dựng chiến lược để quản lý sức khỏe đất của quốc gia liên quan tới lĩnh vực nông nghiệp để trình Chính phủ ban hành. Tạo căn cứ để ngành nông nghiệp và các địa phương quy hoạch tổng thể phương án sử dụng, cải tạo đất nhằm quản lý tốt sức khỏe của đất để phục vụ cho ngành trồng trọt một cách bền vững,” ông Hoàng Trung thông tin thêm./.
Đồng Tháp: Chuyển hơn 10.000ha đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng giá trị cao
Việc chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác ở tỉnh Đồng Tháp mang lại kết quả cao gấp 2-8 lần, với đất lúa kém hiệu quả sang trồng hoa màu cho lợi nhuận tăng gấp 2-3 lần.