EU nhập khẩu nhiều hàng hóa nhất từ nạn phá rừng bất hợp pháp

Liên minh châu Âu (EU) nằm trong số những nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới trên cơ sở bình quân đầu người đối với nông phẩm được sản xuất trên đất rừng trái phép.
EU nhập khẩu nhiều hàng hóa nhất từ nạn phá rừng bất hợp pháp ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

Theo báo cáo mới của Tổ chức bảo tồn rừng Fern, Liên minh châu Âu (EU) nằm trong số những nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới trên cơ sở bình quân đầu người đối với nông phẩm được sản xuất trên đất rừng trái phép.

Kết quả nghiên cứu của Fern cho thấy các nước thành viên Liên minh châu Âu trong năm 2012 đã nhập khẩu khoảng 6 tỷ euro (6,44 tỷ USD) tính theo giá trị đối với thịt bò, da, đậu nành và dầu cọ, mà bị coi là những sản phẩm chính liên quan đến nạn phá rừng nhiệt đới bất hợp pháp.

Bà Saskia Ozinga, điều phối viên chiến dịch của Fern cho biết đây là lần đầu tiên mà nhóm của bà thu thập được nhiều dữ liệu cho thấy phần lớn nạn phá rừng là bất hợp pháp.

Các tài liệu cũng cho thấy Liên minh châu Âu đã dẫn đầu thế giới về nhập khẩu sản phẩm liên quan đến nạn phá rừng.

Bản báo cáo nhấn mạnh việc giải phóng mặt bằng trái phép rừng cho mục đích phát triển nông nghiệp thương mại chịu trách nhiệm cho khoảng một nửa các vụ phá rừng nhiệt đới kể từ năm 2000 và ở nhiều quốc gia, nơi xảy ra tình trạng phá rừng này thì một nửa trong số các sản phẩm thu được là dành cho xuất khẩu.

Phá rừng bất hợp pháp có thể là kết quả của các thỏa thuận ngầm cấp phép cho hoạt động bất hợp pháp hoặc do tham nhũng tại các nền kinh tế theo hướng xuất khẩu.

Hầu hết hàng hóa bất hợp pháp giao dịch có liên quan đến việc chuyển đổi nguồn gốc từ Indonesia, Malaysia và khu vực Mỹ Latinh.

Năm 2008, Liên minh châu Âu đã cam kết giúp đỡ để tiến tới làm giảm 50% tỷ lệ phá rừng nhiệt đới vào năm 2020, và chấm dứt hoàn toàn tình trạng phá rừng trên thế giới vào năm 2030.

Tuy nhiên, với bằng chứng tiếp tục nhập khẩu nông phẩm chuyển đổi có liên quan đến nạn phá rừng bất hợp pháp, Fern khuyến cáo toàn bộ 28 nước thành viên Liên minh châu Âu cần thông qua một kế hoạch hành động, từ một góc nhìn chính sách thương mại.

Liên minh châu Âu và các nước thành viên cũng có thể thực hiện các chính sách mua sắm công theo hướng giải quyết các thách thức này.

Chẳng hạn như nước Anh đã ban hành các chính sách đối với việc mua bán dầu cọ nhằm đảm bảo tất cả hàng nhập khẩu của chính quyền là hợp pháp và bền vững vào năm 2016.

Trong tháng trước, Liên hợp quốc đã kỷ niệm Ngày Quốc tế về Rừng, một sự kiện trên toàn thế giới hướng tới việc nâng cao nhận thức tầm quan trọng của việc quản lý bền vững và bảo tồn rừng vì lợi ích phát triển.

Nhân dịp này, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho biết: "Rừng là không thể thiếu trong chương trình nghị sự phát triển hậu năm 2015."

Theo số liệu của Liên hợp quốc, khoảng 1,6 tỷ người trực tiếp phụ thuộc vào rừng để lấy lương thực, nhiên liệu, nơi ở và thu nhập.

Rừng cũng góp phần làm sạch không khí, điều hòa khí hậu. Tuy nhiên, nạn phá rừng và những thay đổi sử dụng đất rừng làm tăng lượng khí thải carbon dioxide (CO2) nguyên nhân gây hiệu ứng nhà kính./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục